Nguồn cát cung ứng cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện đang khan hiếm. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn đang tính toán, cân đối để cung ứng cát cho 2 dự án đường cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu với tổng số hơn 10,5 triệu m3.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Ngọt cho biết, năm 2023, nhu cầu về cát của tỉnh Đồng Tháp, bao gồm phục vụ cho công trình sử dụng vốn đầu tư công khoảng 19,9 triệu m3. Năm 2023, tổng nhu cầu sử dụng cát san lấp cho công trình đầu tư công theo đề nghị của địa phương và của chủ đầu tư là khoảng 7,676 triệu m3. Trong số đó, nhu cầu của các công trình đã được UBND tỉnh chấp thuận ưu tiên cung ứng cát khoảng 4,183 triệu m3, nhu cầu của các công trình không nằm trong nhóm ưu tiên khoảng 3,493 triệu m3.
Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cho gia hạn 13 giấy phép khai thác khoáng sản, giảm 1 giấy phép so với đầu năm 2023 do mỏ cát đã hết trữ lượng, với tổng công suất khai thác trong 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 2,628 triệu m3. Trong số đó, cát san lấp khoảng 2,333 triệu m3, còn lại là cát xây dựng. Với khối lượng cát san lấp này “cầu vượt cung” nhưng Đồng Tháp vẫn đang nỗ lực cung ứng khối lượng lớn cát cho công trình xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh đã có chuẩn bị những mỏ cát để đánh giá trữ lượng và cung cấp cho nhà thầu thực hiện dự án đường cao tốc. Đồng Tháp đang cố gắng phối hợp thực hiện hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm triển khai khai thác những mỏ cát, cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Với dự án cao tốc trên địa bàn Đồng Tháp, tỉnh sẽ linh hoạt tính toán, cân đối để chuẩn bị nguồn cát phục vụ. Nếu nguồn cát thiếu, Đồng Tháp sẽ điều phối đối với những công trình trên địa bàn tỉnh để ưu tiên đáp ứng các cho dự án cao tốc.
Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Tỉnh Đồng Tháp đã được giao nhiệm vụ cung ứng 7 triệu m3 cát (riêng trong năm 2023 là 3,3 triệu m3) để thực hiện dự án này. Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được 0,371 triệu m3 cát và nhà thầu cũng đã tiếp nhận hết. UBND tỉnh Đồng Tháp đang trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét tăng thêm công suất các mỏ đang khai thác để cung cấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong năm 2023 khoảng 1,3 triệu m3.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết, Đồng Tháp đã có văn bản giới thiệu 6 khu mỏ mới với trữ lượng 6,62 triệu m3 để cho các nhà thầu thăm dò, khai thác. Qua kết quả khảo sát, 1/6 mỏ không còn trữ lượng, 5/6 mỏ còn lại có trữ lượng khoảng 4,5 triệu m3 nhưng chỉ có thể khai thác khoảng 3,3 triệu m3 và dự kiến khai thác trong năm 2023 được 1,9 triệu m3, hiện các nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, nếu thực hiện kịp thời các thủ tục khai thác thì nguồn cát mà tỉnh Đồng Tháp cung cấp trong năm 2023 cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh chưa đảm bảo việc cung ứng đủ 7 triệu m3 như nhiệm vụ được giao, cần tiếp tục bổ sung nguồn cát. Bởi hiện nay, qua đánh giá thực tế, tổng nguồn cát có thể cấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 4,971 triệu m3, thiếu khoảng 2,029 triệu m3.
Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16 km, nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; dự án thành phần 2 dài 11,43 km thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang. Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có nhu cầu sử dụng khoảng 3,58 triệu m3 cát (năm 2023 là 0,7 triệu m3, năm 2024 là 2,88 triệu m3). Qua làm việc với tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp thống nhất đảm nhận việc bố trí đủ nguồn cát phục vụ dự án này.
Hiện nay, tỉnh đồng Tháp đã bố trí 3 mỏ cát gồm mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh), mỏ cát thuộc xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự), mỏ cát thuộc xã An Hiệp và An Nhơn (huyện Châu Thành) với tổng trữ lượng khoảng 2,9 triệu m3 nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. UBND tỉnh Đồng Tháp cam kết sẽ điều phối hợp lý nguồn cung ứng từ các mỏ cát đang hoạt động, đảm bảo không để thiếu cát làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Trong bối cảnh cát khan hiếm, để vừa có thể cung ứng cho những công trình cao tốc, vừa đáp ứng nhu cầu của các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, Đồng Tháp đang tích cực tìm nguồn cát. Tỉnh đã tổ chức lập nhiều dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy đối với các bãi bồi, cồn nổi nhằm hạn chế sạt lở, có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét để phục vụ những công trình sử dụng vốn đầu tư công.
Thời gian tới, tỉnh tiến hành nạo vét 4 cồn nổi là cồn Đông Giang, cồn Linh, cồn Long Tả, Long Khánh với tổng khối lượng sản phẩm nạo vét (cát lẫn bùn) dự kiến hơn 5,2 triệu m3.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, cát dưới lòng sông Tiền, sông Hậu hay cát được gọi là mỏ thì không còn nhiều nhưng cồn nổi và bãi bồi vẫn còn. Để tạo thuận lợi cho việc nạo vét cồn, bãi bồi kết hợp chỉnh trị dòng chảy và thu hồi sản phẩm nạo vét, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cụ thể trình tự các bước triển khai nạo vét, chỉnh trị dòng chảy đối với cồn nổi, đất bãi bồi để hạn chế sạt lở.