Ủy ban Kinh tế: Phát sinh thêm một số trạm BOT bất cập

Ủy ban Kinh tế cho biết hiện còn một số trạm BOT vẫn chưa được xử lí dứt điểm, triệt để những bất cập nhưng đã phát sinh thêm một số trạm tồn tại bất cập và chưa được đề cập như trạm T2 Quốc Lộ 91, trạm Hòa Lạc – Hòa Bình.

20180917_160359(0)

Trạm thu phí QL5 từng nhiều lần bị người dân phản đối. (Ảnh: Di Linh).

Chưa giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc BOT

Ngày 6/8, Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Ủy ban Kinh tế nhận thấy ngoài những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết vẫn còn chậm, một số nhiệm vụ không đạt yêu cầu tiến độ đề ra, chưa giải quyết dứt điểm được một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng.

Cụ thể, mặc dù Chính phủ đã tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, nhưng đến nay vẫn chưa tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội (Nghị quyết số 437 yêu cầu báo cáo vào kỳ họp cuối năm 2018 của Quốc hội).

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ tình hình thực hiện các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiếm toán nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ tập trung vào các dự án BOT giao thông do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng chưa làm rõ đối với tình hình thực hiện của các dự án do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

IMG_5243

Nhiều dự án BOT gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề thu phí. (Ảnh: Di Linh).

Về việc bổ sung qui định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án, hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành qui định đối với nội dung trên để thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và định mức, đơn giá, công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế, loại bỏ chi phí bất hợp lí của các trạm thu phí BOT vẫn còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.

Về việc quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí dịch vụ chính thức vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến quyết toán dự án hoàn thành.

Đối với một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc do có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu vì một số nguyên nhân chủ quan và khách quan.

"Đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, xử lí phù hợp theo qui định, tránh các tác động tiêu cực phát sinh, do kéo dài.

Ngoài ra, bổ sung số liệu làm rõ ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm thời gian vừa qua về thời gian thu phí, tổng mức đầu tư được giảm trừ… qua quá trình kiểm toán và quyết toán đối với từng dự án BOT giao thông", báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu.

IMG_5211

Trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình bị tài xế chặn làn thu phí. (Ảnh: Di Linh).

Phát sinh thêm một số trạm BOT bất cập

Đối với vấn đề được nhiều người dân quan tâm là rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết hiện vẫn còn một số trạm vẫn chưa được xử lí dứt điểm, triệt để những bất cập.

Cụ thể là trạm Bắc Thăng Long – Nội bài, trạm Bỉm Sơn – Thanh Hóa, trạm Cai Lậy, trạm Thái Nguyên – Chợ Mới).

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế nhận thấy hiện tại đã phát sinh thêm một số trạm thu phí tồn tại bất cập nhưng chưa được đề cập như trạm T2 Quốc Lộ 91, trạm Hòa Lạc – Hòa Bình.

"Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá lại toàn diện hơn đối với các trạm thu phí hiện nay, xử lí dứt điểm các vướng mắc, bất cập tránh việc phát sinh các trạm thu phí bị dư luận phản đối sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây mất an ninh trật tự cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội", Ủy ban Kinh tế đề nghị.

DSC00221

Bất cập ở trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài chưa được xử lí dứt điểm. (Ảnh: Di Linh).

Về việc triển khai thu phí tự động không dừng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ đối với việc ban hành khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở, thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá (phí) tự động không dừng để tránh tình trạng độc quyền trong thu giá (phí) dịch vụ.

Đồng thời bảo đảm sự kết nối liên thông giữa các trạm, giám sát doanh thu các trạm và bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu giá (phí) theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng cho biết hiện vẫn còn tồn tại rủi ro mất an toàn, an ninh, trật tự tại một số địa phương dự án BOT đi qua (vẫn còn tình trạng phản đối của người dân tại một số trạm thu phí).

Ngoài ra, chất lượng của một số công trình giao thông BOT còn thấp, có công trình xuống cấp nhanh nhưng chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời; cũng như việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại chưa được công khai, minh bạch và xử lí triệt để.

Đề nghị tổng hợp kết quả kiểm điểm cá nhân, tổ chức liên quan BOT

Ngoài những đề nghị giải trình, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ.

Cụ thể, đề nghị Chính phủ báo cáo việc tổng hợp kết quả kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm, tình hình thực hiện kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Khẩn trương hoàn thành những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH (ban hành quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đấu tư; ban hành định mức, đơn giá và công bố chỉ số giá thị trường; Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP; hoàn thành việc thực hiện thu phí không dừng đối với tất cả các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ…).

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ rà soát toàn diện, xử lí dứt điểm các tồn tại, hạn chế (quyết toán các dự án đã hoàn thành; giám sát chặt chẽ trong hoạt động thu phí tránh làm thất thoát doanh thu; kiểm tra, giám sát, bảo trì, bảo dưỡng công trình để bảo đảm chất lượng công trình và giao thông thông suốt…).

Bên cạnh đó là tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và hình thức PPP nói chung và khẩn trương thực hiện các kết luận thanh tra, trong đó có các kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý các dự án.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.