Bộ GTVT đã chốt được tên gọi thu phí, thu giá hay thu tiền với các trạm BOT?

Sau nhiều đề xuất về các tên gọi như "thu giá, thu tiền" BOT, Bộ GTVT lại quay về với cái tên trạm thu phí.

20190513_083336

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. (Ảnh: Di Linh).

Loay hoay tên trạm BOT

Ngày 13/8, Bộ GTVT đã có thông báo về việc mời góp ý Dự thảo Thông tư Qui định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Cụ thể, đây là Thông tư qui định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc cho phép thành lập, tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ trên hệ thống đường bộ ở Việt Nam.

Thông tư áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, tổ chức và hoạt động thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

Đáng chú ý, Dự thảo Thông tư nêu trên của Bộ GTVT đưa ra "định nghĩa": "Trạm thu phí là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông.

Đơn vị thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án hoặc đơn vị được Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án ủy quyền, giao nhiệm vụ thực hiện việc bán, kiểm soát vé thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ".

Trong khi đó, bản Dự thảo Thông tư trước đó được Bộ GTVT lấy ý kiến có đưa ra "định nghĩa": "Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ".

IMG_3497

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng nên để nguyên tên gọi trạm thu phí.

"Thu tiền là tên rất chung, không nói thu vì cái gì. Nếu nói thu phí thì đúng hơn bởi đây là thu cho một dịch vụ nào đó. Do đó từ chuẩn nhất cần phải sử dụng là thu phí.

Bởi đường BOT do nhà đầu tư làm, người dân sử dụng đường và phải trả phí sử dụng. Phí là số tiền mỗi người phải trả cho dịch vụ mà họ được cung cấp", TS Dũng nói.

Cũng theo ông dung, thu tiền là khái niệm quá rộng, rất dễ bị áp dụng méo mó.

"Tuy nhiên, nếu gọi là thu phí thì phải tuân theo Luật phí và Lệ phí và có thể sẽ bị vướng", TS Dũng nói.

20190319_082612

Nhiều dự án BOT có biển thông báo về đường thu phí. (Ảnh: Di Linh).

Còn trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng trạm thu phí là không đúng bản chất bởi theo Luật Ngân sách Nhà nước, phí là phải nộp vào ngân sách sau đó cấp trở lại.

Theo ông Thanh, trước khi có Nghị định về Quĩ bảo trì đường bộ thì tên trạm thu phí là đúng vì khi đó nhà nước dùng tiền ngân sách xây dựng cầu đường và thu phí nộp lại ngân sách.

"Sau đó thì không còn việc thu phí mà là thu tiền sử dụng đường bộ bởi đây là nhà đầu tư bỏ tiền làm đường và thu tiền của người tham gia giao thông", ông Thanh cho hay.

Cá nhân ông Thanh cho rằng nên đặt tên là "Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ" để phản ánh đúng bản chất.

IMG_5360

Chuyên gia giao thông cho rằng bản chất là thu tiền sử dụng đường bộ. (Ảnh: Di Linh).

Vị trí trạm thu phí sẽ được xác định như thế nào?

Vài năm trở lại đây, nhiều trạm thu phí có vị trí bất cập đã gây bức xúc cho người dân ở các địa phương nơi có dự án BOT đi qua.

Theo tìm hiểu, trong Dự thảo thông tư nêu trên có qui định vị trí trạm thu phí phải đảm bảo các tiêu chí, điều kiện.

Cụ thể, vị trí trạm thu phí phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.

Đối với các trạm thu phí thu theo hình thức thu hở, vị trí trạm thu phí phải được công khai cho chính quyền cấp quân (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức công bố công khai vị trí trạm thu phí tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận (huyện), phường (xã) nơi dự kiến đặt trạm thu phí.

Đối với quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trạm thu phí.

Đối với đường địa phương đấu nối vào quốc lộ, trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ GTVT.

Trường hợp đường địa phương không đấu nối vào quốc lộ, vị trí trạm thu phí do cấp quyết định đầu tư chấp thuận sau khi được UBND tỉnh chấp thuận.

IMG_5319

Trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình bị người dân phản đối vì đặt trùng với đường tỉnh cũ. (Ảnh: Di Linh).

Ngoài ra, trạm thu phí được bố trí ở vị trí phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông; tĩnh không của cổng trạm, chiều rộng các làn cơ giới đảm bảo qui chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về khổ giới hạn đường bộ của Bộ GTVT; có thiết bị đếm xe; vị trí trạm thu phí không đặt cuối dốc khi độ dốc dọc lớn hơn 3%, không đặt trạm thu phí trong hầm.

Đối với đường ô tô cao tốc, các yêu cầu về kĩ thuật của trạm thu phí theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 - Đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế.

Sáng 4/6/2018, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ này đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất.

"Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ GTVT, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Thể nói.

Tuy nhiên, về vấn đề đổi tên trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc đổi tên không cần nghiên cứu và trình.

"Tôi thấy trở về tên cũ là được", Chủ tịch Quốc hội nói.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.