Một người dự kiến cần phải tiêm đủ hai mũi mới hoàn toàn miễn dịch với Covid-19 nên tổng chi phí cho một gói tiêm chủng của Moderna rơi vào khoảng 74 USD/người (tương đương khoảng 1,7 triệu đồng).
Theo CBS News, cho đến nay chưa có vắc xin ngừa Covid-19 nào được phê duyệt. Tuy nhiên, Moderna có lẽ đang dẫn trước nhiều nhà điều chế thuốc và công ty công nghệ sinh học để phát triển một sản phẩm vắc xin.
Hãng dược có trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts này đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba từ cuối tháng 7 sau các kết quả hứa hẹn trong thử nghiệm giai đoạn trước vào đầu mùa hè năm nay.
Các giám đốc của Moderna bày tỏ niềm tin tưởng rằng loại vắc xin trên sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2020, trở thành sản phẩm thương mại đầu tiên của công ty.
Theo tính toán của nhà phân tích Mani Foroohar từ công ty môi giới SVB Leerink, cuối tháng trước, hai hãng dược châu Âu là Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) đã kí thỏa thuận với chính phủ Mỹ để sản xuất 100 triệu liều vắc xin với giá khoảng 10,5 USD/liều.
Gã khổng lồ ngành dược phẩm Mỹ Pfizer cũng đang nghiên cứu một vắc xin ngừa Covid-19. Công ty này cho biết trong giai đoạn đầu, họ sẽ định giá vắc xin ở mức 19,5 USD/liều.
Trong một cuộc hội nghị trực tuyến cùng giới phân tích hôm 5/8, các giám đốc của Moderna cho biết họ sẽ bán lượng vắc xin đầu tiên trong khoảng giá 32 - 37 USD/liều. Hiện tại, lượng vắc xin này đang được sử dụng cho thử nghiệm hoặc dự trữ để dùng về sau.
Mức giá dự tính của Moderna cho một liều vắc xin cao gần gấp đôi so với giá đề xuất của Pfizer và gấp ba lần giá đề xuất của Sanofi-GSK.
"Chúng tôi đang làm việc với chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới cũng như chính phủ Mỹ để đảm bảo họ mua được vắc xin", CEO Stephanie Basel của Moderna cho hay. "Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về giá vắc xin trong đại dịch, thực chất là rẻ hơn nhiều so với giá trị mà sản phẩm mang lại".
Moderna đã nhận được gần 1 tỉ USD tài trợ của chính phủ liên bang để phát triển vắc xin. Giới quan sát hiện đặt câu hỏi hãng dược này đang dự tính thu bao nhiêu lợi nhuận cho vắc xin ngừa Covid-19 - một đại dịch cho đến nay đã giết chết hơn 160.000 người Mỹ.
Trong khi một số đối thủ đã cam kết từ bỏ yếu tố lợi nhuận cho vắc xin trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ tháng trước, Moderna lại không sẵn lòng đưa ra hứa hẹn tương tự.
Tại phiên điều trần, Chủ tịch Stephen Hodge của Moderna tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bán vắc xin với giá gốc".
Hiện chưa rõ Moderna sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ vắc xin nếu sản phẩm được chứng minh có hiệu quả và được các cơ quan quản lí Mỹ phê duyệt. Một yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vắc xin là Moderna hiện đang đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn so với các đối thủ lớn.
"Chi phí sản xuất còn tùy thuộc vào từng hãng. Moderna là một công ty nhỏ hơn, do đó qui mô nhà máy của họ không thể lớn như của Pfizer để có thể giảm bớt chi phí sản xuất", nhà phân tích Michael Yee tại công ty môi giới Jefferies cho hay.
Chi phí sản xuất cao hơn có thể là một nguyên nhân khiến vắc xin thử nghiệm của Moderna có giá cao hơn các ứng viên tiềm năng khác, ông Yee lập luận.
Dựa trên mức giá 37 USD/liều vắc xin, hợp đồng hiện tại của Moderna với chính phủ Mỹ chỉ dừng lại ở con số 11 triệu liều - thấp hơn nhiều so với hợp đồng của Washington với các hãng dược khác. Moderna cho biết họ có thể hạ giá thành vắc xin nếu sản lượng tăng và có nhiều đơn hàng hơn.
Ông Foroohar của SVB Leerink bày tỏ nghi ngại rằng liệu Moderna có thể tiếp tục định giá vắc xin cao hơn nhiều so với sản phẩm của các đối thủ hay không.
"Các hãng dược đang bàn về khả năng sản xuất đến 6,5 tỉ liều vắc xin vào cuối năm tới. Với mức cung đó, có thể thấy không hợp lí nếu Moderna theo đuổi một mức giá cao khi sản xuất vắc xin ở qui mô lớn", ông Foroohar lí giải.