Vắc xin Covid-19 của Pfizer khó đến tay người nghèo

Vắc xin Covid-19 tiềm năng của hai hãng dược Pfizer và BioNTech hứa hẹn đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhưng lại đòi hỏi một hệ thống bảo quản lạnh phức tạp và tốn kém nên không phải nước nào cũng đủ nhân lực, vật lực cho cuộc chơi này.

Khi vắc xin Covid-19 của Pfizer và BioNTech rời khỏi dây chuyền sản xuất, Shanghai Fosun Pharmaceutical Group (Shanghai Fosun) sẽ chờ đợi để phân phối sản phẩm thông qua một hệ thống phức tạp và tốn kém gồm nhiều nhà kho đông lạnh ở sân bay, xe đông lạnh và các điểm tiêm chủng trên khắp Trung Quốc.

Sau khi vắc xin đến các trung tâm tiêm chủng, mũi tiêm phải được rã đông từ -70 độ C và tiêm trong vòng 5 ngày, nếu không vắc xin sẽ biến chất. Một tháng sau, qui trình tương tự sẽ được lặp lại để đảm bảo người dân được tiêm ngừa đủ hai mũi.

Theo Bloomberg, Shanghai Fosun đã phác thảo qui trình trên và cũng là đơn vị xin cấp phép vắc xin của Pfizer và BioNTech cho thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Qui trình của Shanghai Fosun cho công chúng thấy sơ qua những khó khăn và thách thức về logistics mà các công ty đang muốn cung ứng vắc xin của Pfizer phải đối mặt.

Tâm lí lạc quan của công chúng đang vấp phải một thực tế u ám. Trên thị trường hiện nay chưa có loại vắc xin nào sử dụng công nghệ mRNA mà Pfizer áp dụng trong vắc xin Covid-19 tiềm năng của hãng. Điều đó có nghĩa là các nước sẽ cần phải bắt tay từ con số 0 để xây dựng mạng lưới sản xuất, bảo quản và vận chuyển đông lạnh cần thiết cho vắc xin của Pfizer.

Chỉ nước giàu mới đủ sức

Nước nào cũng cần đầu tư mạnh tay và phối hợp hiệu quả để phân phối vắc xin, tuy nhiên chỉ có các nước giàu mới đủ khả năng tiếp cận sản phẩm và thậm chí có lẽ chỉ dân thành thị ở các nước này mới được tiêm chủng.

Ông Ding Sheng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dược phẩm Y tế Toàn cầu (trụ sở tại Bắc Kinh), cho hay: "Công đoạn sản xuất vắc xin của Pfizer rất tốn kém, thành phần thuốc không ổn định. Hơn nữa, vắc xin buộc phải vận chuyển đông lạnh và thời hạn sử dụng cũng khá ngắn".

Vắc xin của Pfizer
(đvt: triệu liều)
Vắc xin của Moderna
(đvt: triệu liều)
Thụy Sĩ
5 triệu
New Zealand2 triệu
Ecuador2 triệu
Costa Rica3 triệu
Peru10 triệu
Canada20 triệu56 triệu
Anh30 triệu
Mỹ100 triệu100 triệu
Nhật Bản120 triệu50 triệu
Liên minh châu Âu200 triệu80 triệu

Số liều vắc xin mà các nước đang phát triển như Ecuador, Costa Rica hay Peru mua quá nhỏ so với số liều các nước phát triển như Canada, Anh, Mỹ, Nhật Bản đã đặt hàng. (Nguồn: Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke, Bloomberg)

Chi phí cần để triển khai vắc xin của Pfizer có thể khiến công chúng càng thêm lo ngại rằng vắc xin chất lượng sẽ đến tay các nước giàu trước tiên, bất chấp nỗ lực chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và 172 nước tham gia sáng kiến COVAX nhằm huy động 18 tỉ USD để giúp các nước nghèo mua vắc xin.

Các nước đang phát triển còn phải đứng trước một lựa chọn khó khăn. Họ phải trả tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng đông lạnh đắt đỏ cho một ứng viên vắc xin đầy hứa hẹn, hoặc chờ đợi một loại vắc xin phổ thông, nghiên cứu chậm hơn nhưng có thể được phân phối thông qua hệ thống chăm sóc y tế hiện có.

"Nếu có một loại vắc xin ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ protein và đạt hiệu quả tương tự vắc xin mRNA và hàng tỉ người trên thế giới cần phải tiêm chủng hàng năm thì về lâu dài, tôi sẽ chọn vắc xin được phát triển từ công nghệ protein, tức là loại vắc xin phổ thông", ông Ding lập luận.

Ngay cả đối với các nước giàu có đã đặt trước hàng chục triệu liều vắc xin như Nhật Bản, Mỹ và Anh, quá trình phân phối vắc xin của Pfizer sẽ vướng phải nhiều trở ngại lớn nếu xe tải vận chuyển hư hỏng, mất điện, nhân viên thiết yếu đổ bệnh và hệ thống đông lạnh không hoạt động.

Để cung cấp mũi tiêm an toàn cho người dân Trung Quốc đại lục và Hong Kong, Shanghai Fosun sẽ hợp tác cùng tập đoàn nhà nước Sinopharm Group, một nhà phân phối dược phẩm có mạng lưới hoạt động ổn định trên toàn quốc. Một trong các công ty con của Sinopharm cũng đang tham gia phát triển vắc xin ngừa Covid-19.

Ông Michael Kinch, chuyên gia về vắc xin tại Đại học Washington (St. Louis, Mỹ), cho biết: "Yêu cầu trữ đông ở nhiệt độ quá thấp có thể làm hỏng rất nhiều vắc xin".

Theo Chủ tịch Wu Yifang của Shanghai Fosun, công ty có thể phải tiêu tốn hàng chục triệu nhân dân tệ để bảo quản vắc xin. Công ty này đang cân nhắc nhập khẩu số lượng lớn vắc xin và chiết thành các lọ nhỏ tại một nhà máy trong nước. Điều đó đòi hỏi công ty phải đầu tư thêm cho công đoạn sản xuất và lưu trữ.

"Đành phải quên luôn chuyện vắc xin"

Giá thành cuối cùng của vắc xin Pfizer có thể quá cao đối với nhiều nước đang phát triển, bao gồm cả Ấn Độ - đất nước đang vật lộn để kiểm soát ổ dịch lớn thứ hai thế giới và hiện không có thỏa thuận mua vắc xin với Pfizer.

Theo Bloomberg, khá nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng và dược phẩm của Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại rằng đất nước Nam Á này thiếu năng lực và khả năng cần thiết để phân phối vắc xin trên khắp vùng nông thôn rộng lớn cho hơn 1,3 tỉ người, đặc biệt là khi tốc độ gia tăng dân số tại Ấn Độ nhanh chóng mặt như hiện nay.

Ông T. Sundararaman, điều phối viên toàn cầu của Phong trào Sức khỏe Nhân dân (trụ sở tại New Delhi), cho hay: "Hầu hết các vắc xin Covid-19 hiện nay cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, mà ở Ấn Độ chúng tôi không thể đáp ứng được. Chắc chúng tôi đành phải quên luôn chuyện vắc xin đi vậy!"

"Các dây chuyền đông lạnh hiện tại của Ấn Độ không thể đáp ứng nổi yêu cầu bảo quản vắc xin sởi của một số quận và vắc xin này thậm chí chỉ dành cho trẻ em dưới 3 tuổi. Đến điều kiện bảo quản vắc xin sởi cho trẻ em chúng tôi còn không có đủ thì vắc xin Covid-19 càng không thể", ông Sundararaman lí giải.

Khi được hỏi liệu chính phủ Ấn Độ có ý định mua vắc xin của Pfizer hay không, Bộ trưởng Bộ Y tế Rajesh Bhushan cho hay New Delhi đang đàm phán với tất cả các hãng dược và muốn "củng cố cũng như tăng cường" hệ thống bảo quản lạnh. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

Pfizer đã nhận được đơn hàng từ một số nước đang phát triển như Peru, Ecuador và Costa. Hiện chưa rõ các nước này sẽ phân phối vắc xin như thế nào, nhưng đơn hàng chưa đến 10 triệu liều của họ cho thấy việc triển khai sẽ khá hạn chế.

Sau kết quả sơ bộ tích cực từ Pfizer, một số chính phủ đã gấp rút hoàn thiện đơn đặt hàng hoặc bắt đầu đàm phán với Pfizer và BioNTech. Liên minh châu Âu (EU) xác nhận mua đến 200 triệu liều hôm 10/11, trong khi Philippines, Singapore và Brazil đang trong quá trình đàm phán.

Ngoài vấn đề bảo quản, triển khai vắc xin trong thời gian ngắn cũng là một thách thức lớn khác. Theo Chủ tịch Pankaj Patel của hãng dược Ấn Độ Cadila Healthcare, nhân viên y tế khắp nơi phải được đào tạo để tiến hành đủ hai mũi tiêm cho người dân.

Vấn đề thường hay phát sinh ở các địa phương khó tiếp cận người dân hoặc người dân phải di chuyển một quãng đường xa để đến được các trung tâm tiêm chủng. Các chuyên gia y tế cộng đồng cho biết, các chương trình tiêm chủng trong quá khứ cho thấy nhiều người chưa bao giờ hoàn thành mũi tiêm thứ hai.

Trước nhiều khó khăn như thế, một số nước đang phát triển có thể sẽ phải bỏ qua vắc xin của Pfizer cho dù có nhiều dấu hiệu sơ bộ về hiệu quả đặc biệt của vắc xin.

"Nếu chúng tôi phải đợi thêm một năm để có một loại vắc xin vừa tầm hơn, liệu có đáng đánh đổi hay không?", Giáo sư Gagandeep Kang của Trường Cao đẳng Y tế Cơ đốc giáo Vellore (Ấn Độ) đặt câu hỏi.

"Dựa trên giá thành của vắc xin Pfizer và vấn đề bảo quản lạnh, tôi không nghĩ Ấn Độ có thể kham nổi. Chúng tôi cần phải cân nhắc lợi - hại thực sự kĩ lưỡng", bà Kang kết luận.

chọn
Hoàng Huy vượt mục tiêu lãi năm sau 9 tháng nhờ dự án New City và H1 Commerce
Lũy kế 9 tháng năm tài chính 2024 (1/4 - 31/12/2024), doanh thu thuần Hoàng Huy đạt 3.808 tỷ đồng và lãi sau thuế 867 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 152% và 108% kế hoạch cả năm.