Vải thiều Việt được định vị ở tầm cao mới tại Nhật Bản, giá cao vẫn đắt hàng

Một cân vải thiều ở Việt Nam chỉ vài chục nghìn nhưng khi được nhập vào Nhật Bản, giá có thể lên tới 500.000 đồng/kg.

Vải thiều vào Nhật Bản được nâng tầm giá trị

Sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, quả vải thiều Việt Nam hiện đã chính thức xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản. Theo Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có ba doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi sang Nhật Bản là Công ty Xuất khẩu Ameii, Công ty Chánh Thu và Hệ thống Aeon. 

Theo kế hoạch xuất khẩu đã đăng kí, tại Nhật Bản, Sunrise farm và Yufruits Co Ltd là hai nhà nhập khẩu và phân phối chính sản phẩm quả vải tươi của Việt Nam trong niên vụ 2020.

Trao đổi với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho hay công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản bằng đường biển sau khi lô hàng đầu tiên được xuất theo đường hàng không.

"Hiện tại số lượng vải đang đi trên đường là khoảng 5 tấn và công ty chuẩn bị thêm 6 tấn nữa. Trung bình mỗi tuần Chánh Thu đi 2 container, khoảng 15 tấn sang thị trường Nhật Bản...Giá bán mà công ty Chánh Thu đang bán cho nhà nhập khẩu Nhật Bản là 8-12 USD/kg (184.000 – 276.000 đồng/kg) sau đó họ sẽ bán sỉ cho các hệ thống siêu thị Nhật Bản với giá có thể nâng lên rất nhiều", bà Vy thông tin.

So với các thị trường khác như Mỹ, Australia mà công ty Chánh Thu đang xuất khẩu thì giá bán tại thị trường Nhật cao hơn vì qui trình nhập khẩu khắt khe và nghiêm ngặt hơn.

"Thị trường bên ngoài từ 10.000 - 25.000 đồng/kg thì hiện tại công ty đang bao tiêu cho nông dân là 30.000 đồng/kg nhưng hiện tại chúng tôi đang mua với giá 35.000 -38.000 đồng/kg bởi mình đang bán được với giá tốt nên có thể chia sẻ với nông dân", đại diện công ty Chánh Thu cho hay.

Theo số liệu thống kê, trái vải Việt Nam đã có trên 40 quốc gia. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu vải, chiếm 19% thị phần thương mại trái vải toàn cầu.

Tại Nhật Bản đây là một loại quả quí do số lượng bán ra thị trường rất ít, được trồng chủ yếu tại Okinawa và Kagoshima (năm 2014 sản lượng đạt khoảng 13 tấn được trồng trên diện tích khoảng 11 ha, Kagoshima 8,2 tấn đạt 62%, Miyazaki đạt 3,6 tấn 27%, Okinawa đạt 1,5 tấn, chiếm 11%).

Theo đó, thay vì chỉ bán với giá chưa đến 100.000 đồng/kg tại Việt Nam thì khi được nhập vào Nhật Bản giá có thể lên tới 500.000 đồng/kg. Có thể thấy, rõ ràng giá trị của trái vải thiều Việt Nam đang được nâng lên, được định vị lại ở một tầm cao mới khi chính thức có mặt tại các thị trường khó tính như Nhật Bản.

"Năm nay là năm đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản nên mình phải rất nghiêm túc về chất lượng xuất khẩu. Năm nay không phải là năm lấy lợi nhuận mà là năm xây dựng thương hiệu nên kể cả doanh nghiệp và nông dân đều phải tuân thủ theo nguyên tắc sản xuất để khi các doanh nghiệp mang sản phẩm đến Nhật sẽ đánh dấu được thương hiệu và chất lượng của Việt Nam", bà Ngô Tường Vy chia sẻ.

Giá đắt đỏ nhưng vẫn được người tiêu dùng mạnh tay chi tiền

Là người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, chị Phương Ng. đã chia sẻ những hình ảnh đầu tiên của trái vải Việt Nam ngay khi loại trái này được bày bán trong siêu thị Nhật Bản.

"Vải trong siêu thị được đóng vào hộp với mỗi hộp chỉ khoảng 7 - 10 trái thôi nhưng giá thành đã tới cả trăm nghìn. Mặc dù khá đắt nhưng lần đầu tiên vải quê nhà mới được nhập khẩu trực tiếp sang đây nên tôi cũng sẵn lòng ủng hộ", chị Ng. chia sẻ.

Bay sang Nhật Bản, giá vải thiều Việt tăng gấp 10 lần, giá trị được định vị ở tầm cao mới - Ảnh 1.

Vải thiều được đóng hộp 200g, mỗi hộp như vậy có giá hơn 100.000 đồng. Ảnh: NVCC.

Bay sang Nhật Bản, giá vải thiều Việt tăng gấp 10 lần, giá trị được định vị ở tầm cao mới - Ảnh 2.

Mỗi hộp vải chưa đầy 10 quả nhưng được đóng gói cẩn thận và đẹp mắt trong hộp. Ảnh: NVCC.

Có thể thấy, tại các siêu thị Nhật Bản, vải thiều được đóng thành từng hộp nhỏ 200g và có giá khuyến mãi là 489 yên, tương đương khoảng 105.000 đồng còn giá gốc là 537 yen, khoảng 120.000 đồng. 

Như vậy, mỗi kg vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật Bản có giá khoảng 500.000 đồng, gấp hơn 10 lần so với giá trong nước.

Hiện một số siêu thị trong nước như Big C, Co.op mart đang bày bán vải thiều Bắc Giang với giá ưu đãi thu hút người tiêu dùng.

Bay sang Nhật Bản, giá vải thiều Việt tăng gấp 10 lần, giá trị được định vị ở tầm cao mới - Ảnh 3.

Vải thiều tại thị trường trong nước giá bán ưu đãi chỉ khoảng 25.000 - 40.000 đồng/kg. Ảnh: Như Huỳnh.

"Ở Việt Nam, mỗi lần ăn vải là cả kg thì sang đây chỉ có thể tính bằng trái", chị Ng. chia sẻ vui khi so sánh với vải thiều tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mức giá đó hoàn toàn hợp lí, phù hợp với mức tiêu dùng ở Nhật Bản và khá cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại nhập từ nước khác.

Trước đó, ngày 19/6, 2 tấn vải thiều của Việt Nam đã được xuất sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Ngày 20/6, lô vải thiều trên đã tới Nhật được bày bán tại các quầy hàng ở siêu thị Nhật.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang), các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều tươi của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản cho biết ngay trong ngày mở bán đầu tiên tại các hệ thống siêu thị ở Thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ hết sau vài giờ.

Hiện các siêu thị ở Nhật Bản chỉ giữ lại một ít để quảng bá tại các sự kiện. Bước đầu, phía các doanh nghiệp và khách hàng tiêu dùng của Nhật Bản đánh giá cao về sản phẩm này như đạt yêu cầu về chất lượng, ăn ngon, quả vải tươi, màu sắc vỏ đẹp…

Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay. Riêng tỉnh Bắc Giang sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 100 tấn vải thiều tươi của huyện Lục Ngạn bằng đường biển và hàng không.

Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng chuyên gia Nhật Bản xem xét, hướng dẫn và giám sát chặt sẽ qui trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản quả vải thiều tươi trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính này.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.