Văn hóa chung cư: Nghìn chuyện bi hài, cười ra... nước mắt

Sáng 2/7, tại chung cư CT8C (Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội), một củ khóa bị cư dân từ tầng trên ném thẳng xuống sân chơi chung khiến một cụ ông xém chút nữa là tử vong. Những tình huống dở khóc dở cười với người ở chung cư đang khiến dư luận... dậy sóng.

Chung cư ngày càng trở thành lựa chọn của đa số người dân đô thị, nhưng sống ở chung cư cũng lắm chuyện “dở khóc, dở cười”. Khi ở “chung” thì những va chạm giữa cư dân với ban quản trị, cư dân với khách, cư dân với chính cư dân tòa nhà... nếu không được giải quyết tốt sẽ trở thành những xung đột.

Từ 1001 chuyện bi hài ở chiếc thang máy…

Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Hà Nội có gần 700 tòa chung cư, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.200 tòa chung cư. Con số này cho thấy có hàng trăm nghìn hộ dân hiện đang sinh sống ở các tòa chung cư tại các thành phố lớn.

Mỗi khu chung cư lại có những hộ dân đến từ nhiều vùng miền, quê quán khác nhau, nghề nghiệp khác nhau… Vì thế, sẽ có những cách hành xử thể hiện trình độ dân trí rất khác nhau trước những va chạm phát sinh trong cuộc sống.

Đơn cử như việc sử dụng thang máy – điều mà bất cứ người dân nào sống ở chung cư cũng phải đối mặt hàng ngày khi ra vào căn hộ của mình.

thangmay

Rác thải vứt ngay trong thang máy ở một chung cư tại Hà Nội được người dân chia sẻ cảnh báo trong cộng đồng cư dân...

Bởi lẽ, mỗi khi cho con nhỏ ăn, thang máy lại trở thành nơi cho trẻ em bấm nghịch (ấn số tất cả các tầng, đứng chặn cửa chơi trốn tìm...) khiến thang cứ đóng, mở liên tục tại nhiều tầng hoặc liên tục trong trạng thái bận khiến nhiều người muốn dùng thang thì phải đợi chờ cả tiếng đồng hồ.Tại một chung cư ở Linh đàm (Hà Nội), việc nhiều bà, nhiều mẹ sử dụng thang máy để dỗ cho con ăn hàng ngày khiến không ít cư dân khác không khỏi... khó chịu.

Không chỉ vậy, thức ăn thừa, sữa nước, khăn giấy, thấm chí cả vết nôn mửa của trẻ do bị ép ăn đôi khi rơi rớt hết ra thang, bốc mùi khó chịu khiến nhiều cư dân khác không khỏi... ngán ngẩm.

Văn hóa xếp hàng cũng là đề tài được nói đến nhiều. Chuyện xếp hàng để ra vào thang máy chung cư cũng lắm chuyện khiến người trong cuộc... bức xúc. Bởi, ra vào thang máy ra sao cho văn hóa; đi đứng trong thang sao cho văn minh, tránh những hành động ồn ào ảnh hưởng tới người khác thì không phải ai... cũng để ý.

Ví dụ, nhiều chung cư do số người sử dụng đông nhất là giờ cao điểm (buổi sáng đi làm hay chiều tan sở về), khi người trong thang máy còn chưa ra ngoài hết thì những người đợi thang máy đã vội xông vào, để rồi va đập vào nhau khiến hai bên to tiếng, cãi cọ không cần thiết.

Đáng chú ý, tình trạng hàng loạt những vụ “phóng uế” ra thang máy thời gian gần đây bị phát lộ cũng khiến những người muốn ở chung cư đang phải suy nghĩ lại.

Cụ thể, tại một chung cư được xếp vào loại hiện đại ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), cư dân nơi đây từng phải đau đầu để tìm ra hung thủ thường xuyên tiểu tiện ra thang máy. Chuyện là, một người đàn ông của tòa nhà thường xuyên đi uống rượu về đêm. Cứ mỗi lần say là người này lại thản nhiên tè bậy ra thang máy, vì tưởng đó là... nhà vệ sinh!?

Cũng lại có trường hợp khác, mẹ đón con 2 tuổi đi học về, con đòi đi vệ sinh khi tháng máy chưa kịp lên đến phòng. Người mẹ đã hồn nhiên cho con đi tè luôn trong cabin thang máy, dù biết có camera giám sát. Thật hết thuốc chữa!

Đặc biệt mới đây, dư luận Hà Nội lại được phen dậy sóng trước việc hai người phụ nữ (một người che camera cho người kia) tiểu tiệnngay trong thang máy tại một chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng.

Lí do khá hài hước, trong quá trình chờ chủ hộ xuống đón, do không nhịn được việc đi vệ sinh nên đã lấy sàn thang máy là nơi..."thả hồn theo gió". Ngay sau đó chủ nhà đã phải đứng ra nhận trách nhiệm và chấp nhận nộp mức phạt là 2 triệu đồng. Nhưng câu chuyện bi hài trên khiến nhiều người cảm thấy xấu hổ cho một bộ phận sống giữa thủ đô văn minh thanh lịch.

Trước đó, chung cư USilk City (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Khi đến căn hộ thuộc khu chung cư này chơi, một phụ nữ đã tiểu tiện ngay trước phòng kỹ thuật – sảnh thang máy tầng hầm B1 -102. Sau khi bị camera ghi lại được, Ban quản lý tòa nhà đã lập biên bản nhắc nhở (không phạt) và yêu cầu vị khách này phải vệ sinh sạch sẽ khu vực vừa phóng uế...

… đến ẩn họa rác “bay” tại chung cư

Chuyện bi hài chung cư không chỉ nóng quanh chiếc thang máy, những nhức nhối về ý thức của một bộ phận cư dân khi vứt rác không đúng nơi quy định, ném đồ từ trên cao xuống sân chơi chung… cũng đang trở thành nỗi nhức nhối tại nhiều khu chung cư.

vutrac

Hình ảnh rác thải bị ném từ tầng trên cao xuống đất ở một khu chung cư Hà Nội được người dân chia sẻ ...


Dù đã được quy định rất rõ trong các bản nội quy, quy tắc ứng xử của các khu chung cư, hay lên án trên các diễn đàn của cộng đồng cư dân song thực trạng rác thải, thậm chí vật dụng cứng, nguy hiểm đến tính mạng như chai bia, dao, kéo… bị ném, vứt từ các tầng cao xuống vẫn xảy ra.

Không dừng tại đó, tình trạng xả rác bừa bãi, ném tàn thuốc qua cửa sổ xuống giếng trời hay bãi xe, khạc nhổ trên lối đi chung hay cầu thang bộ, vẽ bậy bẩn lên tường hành lang và trong thang máy… không những gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới môi trường sống, mà còn là một mối đe dọa về phòng cháy, chữa cháy.

Ví dụ, cư dân chung cư HH Linh Đàm nhiều phen hú hồn khi "được" cả bộ dao thớt từ trên tầng cao của một căn hộ ném xuống sân chơi chung. Rất may mắn đã không có ai bị thương sau "món quà" trời ơi đất hỡi ấy.

Mới nhất, sáng 2/7, tại chung cư CT8C (Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội), một củ khóa bị cư dân từ tầng trên ném thẳng xuống sân chơi chung khiến một cụ ông bị thương nặng vùng đầu. Rất may ổ khóa trượt qua vùng nguy hiểm khiến nạn nhân không tử vong.

Còn vô số những bi hài từ chuyện "rác bay", "củ đậu bay" như vậy, chưa nói tới việc nhiều người tiện tưới cây ngoài ban công đã "ưu ái" tương thẳng cả chậu nước tưới cây, thậm chí cả nước lau nhà xuống phía dưới đã không còn là... hi hữu.

Văn hóa chung cư: Nghìn chuyện bi hài, cười ra... nước mắt - Ảnh 3.

Sáng 2/7, tại chung cư CT8C (Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội), một củ khóa bị cư dân từ tầng trên ném thẳng xuống sân chơi chung khiến một cụ ông.

Đáng nói, việc phát hiện, xử lý những trường hợp nêu trên lại gặp khó khi tòa nhà có quá nhiều tầng cao. Việc lắp máy quay ghi hình cũng không kiểm soát hết được một bộ phận dân cư thiếu ý thức.

Vẫn biết, chung cư đồng nghĩa là sống chung (chung hạ tầng, chung tiện ích), nhưng đâu đó văn hóa làng xã với nếp sống tùy tiện vẫn theo nhiều người. Ở một số chung cư, ý thức của cư dân dường như cũng không theo kịp tầng cao của chung cư!

Thiết nghĩ, để xây dựng được văn hóa chung cư tốt, một môi trường sống an toàn, gắn kết yêu thương thì cần rất nhiều sự nỗ lực của từng người dân, bởi nếu bạn không có ý thức thì tai họa sẽ có ngày tìm đến chính bạn và gia đình từ những hành vi tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.