Vẫn 'tắc' mặt bằng đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn

Mặc dù là dự án cấp bách phải hoàn thành trong tháng 9/2020 nhưng đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại Nghệ An và Thanh Hóa.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lục Việt Nam (EVN), ông Lê Thanh Định, Phó Giám đốc Ban Quán lí dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết trên toàn tuyến Dự án đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn đã bàn giao được 220/221 vị trí; đào móng được 217 vị trí; đúc móng được 213 vị trí; dựng cột được 178/221 vị trí và đang kéo dây các khoảng néo.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn vướng mắc vị trí móng số 28 tại xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn. Mặc dù hộ gia đình đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng từ tháng 6/2020, đến nay đã thi công xong móng nhưng không cho lắp dựng cột, với lí do yêu cầu bồi thường diện tích 69,1 m2 là đất ở (nguồn gốc đất xác nhận là trồng cây lâu năm).

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất chính là về hành lang tuyến. Tại phường Mai Lâm (thị xã Nghi Sơn) còn 12 hộ tại các khoảng cột 23-24, 24-25 chưa nhận tiền, do đang tranh chấp đất với rừng phòng hộ. 

Tại xã Trường Lâm, 10 hộ chưa phê duyệt phương án bồi thường, trong đó 5 hộ có đất thuộc diện di dân năm 1995 chưa được phê duyệt phương án bồi thường đất ở. 

Ngày 27/7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương bồi thường, hỗ trợ cho 5 hộ di dân. Hội đồng bồi thường đã hoàn thiện thủ tục và trình thẩm định phương án từ ngày 5/8 đến nay vẫn chưa phê duyệt. Ngoài ra còn có 22 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Đối với tỉnh Nghệ An, tại các khoảng cột 60-61 (tuyến 1) và khoảng cột 58-59 (tuyến 2), còn 3 hộ dân xã Quỳnh Vinh và phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) có nhà, công trình xây dựng trái phép trên đất trong hành lang. Các hộ dân đề nghị được đền bù, hỗ trợ đất và tài sản trên đất. 

CPMB đã đăng kí cắt đường dây 110kV cấp điện cho Nhà máy Xi măng Tân Thắng 2 đợt (từ ngày 10/7- 15/7 và từ 15/7 đến 20/7) để thi công kéo dây, tuy nhiên vì 3 hộ dân cản trở nên việc thi công kéo dây đến nay vẫn không thể thực hiện.

Ngoài ra có 10 hộ thuộc thị xã Hoàng Mai đã nhận tiền bồi thường cây theo quyết định phê duyệt và thống nhất bàn giao mặt bằng từ ngày 22/6, nhưng đến nay vẫn không tận thu cây cối và cản trở không cho đơn vị thi công rải kéo dây. Các hộ yêu cầu được hỗ trợ đất trồng cây lâu năm (nguồn gốc sử dụng đất của các hộ là đất trồng cây hàng năm).

Tại huyện Quỳnh Lưu, còn 34 hộ dân chưa kí phương án bồi thường, lí do các hộ đề nghị được bồi thường, hỗ trợ diện tích đất ảnh hưởng trong hành lang theo hiện trạng thực tế là đất trồng cây lâu năm. 

Huyện Nghĩa Đàn còn 70 hộ dân tại 21 khoảng cột chưa đồng ý phương án bồi thường (đặc biệt 13/15 hộ dân phải di dời nhà). Hội đồng bồi thường đã lập và công khai phương án (dự thảo) đến tận hộ gia đình để lấy ý kiến, đến nay chỉ mới có 24 hộ có đất và cây trồng đã đồng ý kí, 46 hộ chưa kí, do chưa thống nhất về đơn giá bồi thường.

Tại thị xã Thái Hòa còn 9 hộ dân chưa hoàn thiện xong thủ tục phê duyệt phương án bồi thường, vướng mắc do các hộ dân chưa thống nhất đơn giá bồi thường và chưa ký phương án bồi thường.

Dự án đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn khó về đích trong tháng 9 - Ảnh 1.

CPMB kiểm tra tiến độ thi công TBA 500kV Nghi Sơn và đường dây đấu nối. (ẢNh: EVN).

Để hoàn thành đóng điện công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, CPMB kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hoàn thiện phương án bảo đảm an ninh trật tự để thi công lắp dựng cột hoàn thành trong tháng 8/2020 và thi công kéo dây hoàn thành trước ngày 15/9. 

Đồng thời, khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường của các khoảng cột còn lại trên địa bàn xã Trường Lâm để trả tiền cho các hộ dân, bàn giao mặt bằng thi công triển khai kéo dây trước ngày 25/8.

Thành lập các tổ công tác để tổ chức đối thoại và tuyên truyền, vận động 35 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường theo các quyết định phê duyệt. Phối hợp với Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các vướng mắc tồn tại và phát sinh trong quá trình thi công trên tuyến.

CPMB cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp với các Sở và UBND các huyện, thị xã có liên quan để bàn và thống nhất một số nội dung vướng mắc trong công tác BT-GPMB theo kiến nghị của UBND các huyện, thị xã. 

Đối với UBND các huyện, thị xã, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An cần tiếp tục đối thoại, tuyên truyền, vận đồng tới các hộ dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công dự án. 

Đối với các hộ dân đã thực hiện đầy đủ các thủ tục của pháp luật nhưng không đồng thuận đề nghị xây dựng phương án cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công lắp dựng cột trong tháng 8/2020.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.