Bác sĩ Vũ Minh Duy |
Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo y sĩ, chàng thanh niên Vũ Minh Duy không ngần ngại gật đầu ngay khi người dì ruột đang phục vụ tại trại Phong Bến Sắn đề nghị về giúp trại. Vào thời điểm 1996, người bệnh phong vẫn bị xã hội kỳ thị rất nặng nề. Bệnh nhân trong trại gần như bị cô lập, chỉ quẩn quanh trong khu vực khoảng 90 mẫu được bao quanh bởi bốn bức tường cao.
Anh kể, ngày đầu cũng có chút lo lắng, không phải vì sợ lây lan mà vì đây là công việc anh chưa từng làm bao giờ và không biết phải bắt đầu như thế nào. Nhưng khi nhìn các biến chứng và sự mặc cảm của bệnh nhân thì tất cả tan biến hết nơi chàng y sĩ trẻ.
“Họ thật đáng thương. Nhiều người do di chứng làm mắt không nhắm được, mù dần do khô giác mạc. Có người chỉ bị một vết loét nhỏ, lâu dần ăn sâu vào xương phải tháo chi. Rồi những người da mặt căng ra, mũi sụp xuống trông đau khổ vô cùng. Còn thân nhân của họ một năm chỉ thăm nom một hoặc hai lần, thậm chí nhiều năm trời không thăm viếng dù cách trại vài chục cây số. Ở bên những người bất hạnh này, mình tự nhủ phải làm một việc gì đó để họ được sống tốt hơn”, bác sĩ Duy nhớ lại.
Luôn hết lòng chăm sóc bệnh nhân. |
Đang tuổi thanh xuân nhưng anh đã gác lại những buổi hẹn hò, những tối cà phê cùng bạn bè hay những trận banh nảy lửa để ở cùng bệnh nhân. “Công việc ở trại làm không xuể. Thêm nữa mình vừa học vừa làm nên quên hết mọi chuyện, cuối tuần mới về thăm gia đình”, bác sĩ Duy cười.
Từ nỗ lực, cống hiến và sự tận tụy, anh được Ban Giám đốc gởi đi học khóa bác sĩ. Với bằng cấp chuyên môn, nhiều bệnh viện lớn tại thành phố đánh tiếng mời chàng bác sĩ trẻ nhưng giàu kinh nghiệm về cộng tác. Tuy lương và đời sống ở trại còn thấp, vậy mà hễ ai đề cập anh rời Bến Sắn, anh đều cười xòa và lắc đầu từ chối, kể cả nhiều lần bà xã khuyên anh nên về TPHCM làm việc hoặc mở phòng mạch tư để vợ chồng được ở gần nhau, kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn hơn.
“Sau khi nghe tôi kể công việc tại trại phong, về những hoàn cảnh éo le của người bệnh kém may mắn, vợ tôi đã hiểu và thông cảm với tôi hơn. Sau đó, cô ấy còn bị tôi lôi kéo về đây làm việc khoảng 3 năm trước khi chuyển công tác đi nơi khác”, bác sĩ Duy cho biết.
Nhắc đến bác sĩ Duy - trưởng khoa Ngoại, người lớn người trẻ trong trại đều có chung một ấn tượng về một vị thầy thuốc dong dỏng cao, có nụ cười, ánh mắt cảm thông và tấm lòng tận tâm với người bệnh. Nhiều người còn nhớ trong một lần tháo khớp cho bệnh nhân, garo cầm máu bất ngờ bị bung ra, máu từ chân bắn tung tóe khắp cả phòng, trong khi mọi người hoảng loạn né tránh, chính bác sĩ Duy dùng cả thân mình xiết chặt chân bệnh nhân để y tá bắt lại garo.
Sau vụ đó, ai cũng nói bác sĩ này “dại” vì có thể bị lây nhiễm nhưng anh chỉ cười nhẹ tênh và giải thích : “Nếu không cầm máu kịp, bệnh nhân hẳn phải mất mạng”. Bác sĩ Phạm Thị Tuyết Diễm, phục vụ trại phong Bến Sắn cho biết thêm: “Tôi vào sau bác Duy một năm và từng đó thời gian, tôi thấy anh luôn hòa đồng với đồng nghiệp, yêu thương và phục vụ bệnh nhân hết mình. Đặc biệt, bác Duy rất khiêm tốn, ít khi nào nói về thành tích cá nhân cho dù công việc gặp rất nhiều khó khăn, áp lực”.
Gắn bó với trại hơn 20 năm, bác sĩ Duy luôn xem bệnh nhân là người thân của mình. |
Dù kinh qua nhiều ca khó và tiên liệu được bệnh tình nhiều ca nặng có thể tử vong nhưng chàng bác sĩ giàu lòng nhân này vẫn cảm thấy có lỗi và tự trách mỗi khi có một bệnh nhân trong trại qua đời. Để rồi sau đó, anh tìm tòi thêm tài liệu học hỏi và nỗ lực nhiều hơn khi thăm khám và chăm sóc bệnh nhân. Bà Vũ Thị Tài và chồng ở trại từ năm 1982 nhận xét: “Bác Duy tốt lắm, bệnh nhân cần gì cũng giúp. Chồng tôi bệnh nặng cứ lên khoa nằm suốt nhưng có bác Duy tận tình thăm khám nên ông ấy vẫn còn ở cạnh tôi”.
Theo vị bác sĩ này, người bệnh mới nhập trại rất hiếm, đa số là người cũ, họ sống ở trại ít cũng 10 năm, nhiều thì hơn 50 - 60 năm nên coi nhau như người trong nhà. Đôi khi họ quát mắng bác sĩ, điều dưỡng như con cháu nếu chăm sóc và chữa trị thiếu chu đáo. Và đó cũng là một áp lực đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ ở đây hằng ngày phải phục vụ tốt hơn để những cô chú này hài lòng. “Tôi thấy họ bị xa lánh, luôn mang mặc cảm nên bản thân cố gắng góp phần xoa dịu, để mọi người sống phần đời còn lại trong yêu thương và bớt đau đớn thể xác”, anh chia sẻ.
Hai mươi năm sống và chia sẻ gánh nặng bệnh tật với người phong Bến Sắn, bác sĩ Vũ Minh Duy luôn coi trại là ngôi nhà thứ hai và bệnh nhân của mình như thân nhân. Ở đây, anh thấy mình được sống cho đi và sống thanh thản nhưng vẫn luôn phấn đấu để làm tốt hơn ngày hôm qua.
Hiện anh đang theo học Chuyên khoa I tại bệnh viện Da Liễu TPHCM để có thể nâng cao chuyên môn và giúp cho bệnh nhân ngày càng hữu hiệu hơn. Nhiều thế hệ bác sĩ đến với trại một thời gian ngắn rồi ra đi hoặc từ chối khi được đề nghị về giúp trại, vậy mà bác sĩ Duy vẫn chỉ một suy nghĩ sẽ phục vụ ở trại đến khi nào “bị bắt” về.
Khu điều trị phong Bến Sắn được thành lập năm 1959, hiện Sở Y tế TPHCM quản lý. Khu điều trị có gần 400 bệnh nhân và khoảng 120 người là con, cháu của họ. Nhiều năm nay, Bến Sắn luôn thiếu nhân sự chuyên môn, hiện chỉ có 5 bác sĩ đang phục.