Từ QL2 rẽ theo biển chỉ đường vào Việt phủ Thành Chương hướng về Sân Golf Hà Nội, chúng tôi phải hỏi đường khá nhiều bởi nhiều người khi nghe nhắc đến trại phong Đá Bạc lắc đầu không biết. Cuối cùng, chúng tôi tìm được con đường đất đỏ, lởm chởm ổ gà, bùn đất đỏ quyện vào bánh xe bởi trời hôm đó mưa lất phất. Con đường uốn lượn, xiêu vẹo theo vệt bánh xe và nổi lên toàn sỏi đá dẫn chúng tôi đến trại phong Đá Bạc bị bỏ hoang đã gần 4 năm nay.
Trại phong Đá Bạc được xây vào khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Nó được dùng làm nơi cư trú, chăm sóc cho các bệnh nhân mắc chứng phong (hủi).Nhưng đến năm 2013, do chính sách sápnhập các trại phong trên địa bàn TP.Hà Nội toàn bộ bệnh nhân ở trại phong Đá Bạc đã di dời chỉ còn 10 cụ ở lại tự lo cho cuộc sống của mình. Trong đó có 7 cụ về sống với gia đình bên ngoài còn 3 cụ sống lay lắt tại những căn nhà hoang nơi trại phong.
Nơi đây gồm một dãy nhà cấp 4, sơn màu vàng đậm nhưng qua thời gian trở nên nhợt nhạt, lạnh lẽo, bám màu rêu phong và 18 căn phòng nhưng nay chỉ còn lại vài căn có thể ở tạm tránh mưa nắng, còn lại hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát tiêu điều.
Vừa dựng chân chống xe ngoài sân, chúng tôi thấy một cụ bà vỗ tay, khuôn mặt vui tươi chào đón chúng tôi và liên tục gọi: “Bà Oanh ơi, bà Oanh. Các cháu đến thăm này”.
Bà Oanh lật đật từ trong nhà đi ra. Hai cụ bà liên tục hỏi chúng tôi đủ thứ chuyện. Bà Liên nói với chúng tôi: “Vui nhất là bất chợt thấy có người lạ ghé thăm. Các bà ở đây thèm được nghe tiếng nói cười, thèm được chuyện trò và nghe kể về thế giới bên ngoài”.
Trong khu trại phong Đá Bạc hoang tàn, đổ nát này chỉ còn lại ba bà Nguyễn Thị Sợi (71 tuổi, quê Vĩnh Phúc), Lê Thị Liên (81 tuổi, quê Gia Lâm, Hà Nội) và bà Khuất Thị Oanh (70 tuổi, Phú Thọ).
Ba người sống tại ba căn nhà hoang khác nhau, khi không có người ngoài đến thăm, ba người sống lặng lẽ trong căn phòng mình chọn. Bà Oanh thủ thỉ: “Mỗi người riêng một góc trời, nhìn thấy nhau suốt ngày, cũng chả có chuyện gì để nói, đó là những lúc buồn. Còn những lúc vui, chúng tôi lại tụ tập cùng nhau ăn bữa cơm”.
Khi được hỏi lý do ở lại nơi trại phong hoang tàn và tách biệt với khu dân cư, cuộc sống ở đây phải tự cung, tự cấp, các bà lan man kể. Nào là cho dù có sẵn tiền trong túi, bà cũng không thể tự đi mua bán vật dụng, phần vì sức khỏe yếu, phần vì không có phương tiện di chuyển. Rồi bà Oanh bảo: “Ông nhà tôi ở trên núi kia kìa. Tôi ở đây cho gần ông ấy. Rằm, mồng 1 còn lên thắp cho ông ấy nén nhang. Nếu đi thì biết bao giờ tôi mới có thể quay trở lại thăm ông ấy”.
Bà Sợi mắc căn bệnh phong khi đang thời thiếu nữ. Lúc đó, bà đã có một mái ấm riêng cho mình với người chồng hiền lành cùng một cô con gái. Thế nhưng, khi bà mắc bệnh phong thì căn bệnh như lời tuyên án khiến mái ấm đó chẳng còn. Người chồng hắt hủi bà đi lấy vợ khác rồi có con riêng.
Bà Sợi kể với chúng tôi nhưng như đang tự nói với mình: “Mình cũng chả oán hận gì ông ấy. Tuổi này rồi, còn gì để mà oán hận nữa? Ông ấy nuôi đứa con gái chung rồi gả chồng cho nó như vậy là tốt rồi. Thỉnh thoảng, những lúc ốm đau, con gái tôi cũng lên thăm nom nhưng chẳng được mấy bữa”.
Ẩn trong những câu chuyện buồn về cuộc đời, đâu đó trong ánh mắt bà Sợi vẫn ánh lên những niềm vui. Đó là khi có những đoàn thanh niên tình nguyện lên thăm. Chỉ có những lúc đó niềm vui mới trở lại với những mảnh đời bất hạnh nơi đây.
“Tôi cùng các bà ở đây luôn trông ngóng các đoàn thanh niên tình nguyện. Không phải là vì họ cho chúng tôi đồ đạc này nọ mà chỉ đơn giản là các cháu lên đây kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện bên ngoài kia. Hay chúng cùng với tôi nấu cơm, cùng ăn những bữa cơm ấm áp như gia đình mà bao lâu nay luôn thèm muốn”, bà Sợi chia sẻ.
Sống trong lãng quên
Dẫu biết rằng mỗi người ở trại phong có một số phận riêng, mỗi người mang một nỗi buồn khác nhau nhưng số phận của bà Liên là những nỗi buồn nối tiếp, không một ngày biết đến niềm vui. Năm bà lên 9 tuổi, cả cha và mẹ chết trong một trận dịch bệnh. Bà và người em trai được cho đi ở đợ. Một năm sau, bà nghe tin em trai qua đời.
Tuổi thơ bà là chuỗi ngày lam lũ cơ cực nhưng vẫn đói khổ. Năm lên 15 tuổi, bà tình cờ phát hiện mình bị bệnh phong. Bạn bè thấy vậy không còn ai chơi cùng, tất cả mọi người đều xa lánh. Ai cũng sợ lây bệnh phong, căn bệnh mà trước đây người ta vô cùng khiếp hãi.
Bà Liên được đưa lên trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) điều trị. Từ đó, bà trở thành người biệt xứ, không còn họ hàng thân thích. Sau khi chữa khỏi, bà được cho trở về quê hương. Nhưng có quê đó mà giờ về có ai còn biết mình nữa đâu, bà xin ở lại trại phong làm hộ lý.
Năm 25 tuổi, hưởng ứng phong trào của trại phong, bà kết hôn với một người đàn ông ở đó và sinh một cậu con trai. Cuộc hôn nhân giữa 2 người cùng cảnh ngộ cũng buồn tẻ, ảm đạm như chính cuộc đời họ.
Năm con trai lên 7 tuổi, vì muốn con thoát khỏi tai tiếng về bệnh phong, vợ chồng bà phải cho con để người ta nhận nuôi. "Chúng tôi lấy nhau, ở cùng nhau nhưng cũng buồn. Hai bên không còn người thân, con ruột cũng đi ở với bố mẹ nuôi nên mục đích sống không còn", bà Liên nói.
Bà bảo, từ khi biết mình bị phong, cuộc sống của bà toàn là những chuỗi ngày buồn bã, chưa lúc nào thật sự vui vẻ. Nó giống như cái cảm giác bị tách ra, ném khỏi thế giới này, không còn ai quan tâm, không còn động lực nào để phấn đấu vì dù có trở nên giàu có, giỏi giang hay xinh đẹp cũng chẳng biết để làm gì.
Hơn nửa đời người lưu lạc qua các trại phong, cuộc đời bà Liên cứ thế trôi qua, không tương lai, không niềm vui, chỉ toàn thấy một màu buồn. Bà bảo: “Hoàn cảnh của tôi sống vô gia cư, chết vô địa táng. Quê hương thì có nhưng nếu mà cho tôi về thì chỉ có một con đường xuống sông xuống biển”.
Đến cuối đời, bà chỉ có một ước nguyện duy nhất là được làm một cái chứng minh nhân dân. Bà bảo rằng, lúc đang thì con gái thì mắc bệnh phong, người ta hắt hủi, đành phải đi biệt xứ, đâu có gốc tích gì để làm chứng minh nhân dân. “Cháu chụp cho bà một bức ảnh đẹp để bà xin làm chứng minh nhân dân. Bà chỉ có khao khát được cầm chiếc chứng minh nhân dân, nhỡ đâu sau này được đi máy bay, đi tàu thì sao”, bà Liên cười.
Niềm vui của ba mảnh đời nơi trại phong Đá Bạc là những con chó, con mèo, hay giàn bầu, giàn mướp. Bà Sợi nuôi 2 chú cún con đen tuyền. Lúc buồn, bà gọi chúng lại nói chuyện, vuốt ve. Bà coi những chú chó như bạn nhưng điều khiến bà buồn nhất là cứ nuôi lớn, chúng lại bị bắt trộm. Bà nuôi hết lứa này đến lứa khác, chăm bẵm chỉ để nghe tiếng chúng sủa bên cạnh cho vui tai.
Còn với bà Oanh, bà có một con mèo và một con chó con. Bà ngồi vuốt ve con mèo rồi bảo: “Tôi không có con, con chó, con mèo này là con của tôi”. Bên cạnh phòng bà Oanh là phòng bà Liên, cây mướp đang vươn lên giàn, hứa hẹn sẽ đem lại cho cụ giàn mướp sai trĩu.
Nhiều năm qua, cuộc sống của những người còn sót lại nơi trại phong vẫn luôn lầm lũi, buồn tẻ, cô quạnh. Hàng ngày, các bà sống nhờ rau xanh, đậu, lạc và muối vừng, cơm trắng. Thỉnh thoảng, những đoàn hảo tâm mang theo gạo, đường, mắm, muối lên giúp bữa ăn của họ bớt kham khổ.
Khi nắng chiều vừa tắt, cũng là lúc sương trên núi đang xuống, nơi đây chìm trong bóng đêm yên tĩnh, tối hết cả con đường dẫn vào trại, các lối đi quanh sân và trong từng gian phòng, ánh đèn yếu ớt, vàng vọt càng làm mọi thứ trở nên im ắng và buồn tẻ.
Cuộc sống ở đây là một thế giới khác, thế giới của những người già cô đơn, sống để chờ chết. Các bà đều sống ở đây qua nửa thế kỷ, ngoài kia là sự phát triển vùn vụt, còn ở đây, mọi thứ như ngưng lại và chìm dần lụi tàn. Các bà bảo, chúng tôi chỉ biết đến thế giới ngoài kia thông qua vô tuyến và những người “lạ” ghé thăm kể lại.
* Những năm trước, trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) từng có hơn 100 bệnh nhân mắc căn bệnh phong.
Từ 1.3, kê đơn thuốc cần xuất trình chứng minh nhân dân của bố hoặc mẹ
Từ ngày 1.3, khi kê đơn thuốc trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân ... |
Có được cấp lại Chứng minh nhân dân 9 số?
Công dân mất Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ CCCD thì khi công dân có yêu cầu, cơ ... |
Giết chủ nhà vì không đòi được chứng minh nhân dân
Đòi lại CMND không được Long và Thọ đã bàn cách giết chủ nhà và cướp xe máy bỏ trốn. |