Hai năm trở lại đây, nguồn cung dự án chung cư ở Hà Nội liên tục sụt giảm khiến giá bán tăng phi mã, bất chấp nền kinh tế còn khó khăn. Nhưng 9 tháng đầu năm, hơn 19.000 căn hộ mới đổ bộ thị trường, "chấm dứt chu kỳ khan hiếm nhà ở tại Hà Nội", theo nhận định của đơn vị nghiên cứu CBRE. Tuy nhiên, trái với mong mỏi của những người đang muốn mua nhà, giá bán không giảm mà còn xuất hiện nhiều mốc kỷ lục mới. Thậm chí những cơn sốt đất lan cả khu vùng ven.
Giá bán tăng vọt dù nguồn cung đã cải thiện đang tạo ra nghịch lý bất thường cho thị trường nhà ở.
Nguồn cung cải thiện về số nhưng kém đa dạng do "co cụm" ở một vài dự án, chủ đầu tư dẫn đến giá bán liên tục tăng, theo chuyên gia.
Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property, người đã quan sát thị trường địa ốc gần 15 năm - đánh giá năm 2024 có những diễn biến giống với giai đoạn 2014-2015, khi các luật mới liên quan bất động sản được thông qua. Nhưng 10 năm trước, nguồn cung căn hộ không chỉ cải thiện về số lượng mà còn tăng tính đa dạng, giúp thị trường nhanh chóng lấy lại nhịp phục hồi.
Khi đó, liên tiếp các dự án nhà ở phân khúc bình dân, trung cấp ra mắt, trải đều ở các quận, huyện, do nhiều chủ đầu tư phát triển, cả tư nhân và doanh nghiệp vốn nhà nước. Thậm chí hàng chục chủ đầu tư tay ngang hoặc mới thành lập cũng vào "đường đua".
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, nguồn cung mới ra mắt thị trường Hà Nội chủ yếu là các phân khu tiếp theo của khu đô thị hoặc dự án có quỹ đất chuyển nhượng thứ cấp, tập trung ở phía Tây và phía Đông thành phố. Còn số lượng dự án được phê duyệt mới vẫn "trên đầu ngón tay". Thị trường thiếu tính cạnh tranh khiến giá bán khó giảm, theo ông Toản.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội, cho biết phần lớn dự án mở bán mới nằm trong đại đô thị hiện hữu với mặt bằng giá đã neo cao. Chủ đầu tư khi tung ra sản phẩm mới sẽ tính toán kỹ tương quan giá bán với khu vực, nên những tòa mới khó có mức thấp hơn giai đoạn trước hoặc dự án xung quanh.
Chung cư mới giá cao vẫn bán chạy nên chủ đầu tư càng khó giảm giá khi tung dự án mới, một giám đốc đơn vị chuyên phát triển dự án căn hộ tại phía Tây cho biết. Kể từ khi thị trường bắt đầu lao dốc vào cuối năm 2022, chung cư trở thành điểm đến của dòng tiền đầu tư vì đáp ứng nhu cầu ở thực rất lớn, tạo dòng tiền cho thuê. Cùng đó, nhiều kênh tài chính thời gian qua có diễn biến bấp bênh càng thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển vào phân khúc an toàn, thanh khoản tốt như chung cư.
Vị này cho hay, trước khi công bố giá bán chính thức, chủ đầu tư sẽ tung giá rumor (giá dự kiến để đo lường mức độ quan tâm) và các sàn bắt đầu chạy booking (đặt chỗ trước) trong khoảng 1-3 tháng. Giá rumor được chủ đầu tư tham khảo và tính toán từ mặt bằng giá phân khu, dự án ra mắt trước đó và xung quanh để đảm bảo thu hút nhiều người mua, đặc biệt là nhóm đầu tư.
Vị này dẫn chứng, đầu quý II, một dự án quy mô khoảng 2.200 căn hộ tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm của chủ đầu tư Singapore tung giá rumor từ 66 triệu đồng một m2. Mức này được đánh giá khá cao so với mặt bằng xung quanh nhưng nhận hơn 4.000 đặt chỗ. Đến khi ra mắt chính thức, giá bán dự án đã tăng lên hơn 70 triệu đồng một m2. Đến quý III, giai đoạn hai của dự án tiếp tục ra mắt với giá tăng 20% so với giai đoạn một. Dự kiến giai đoạn ba của dự án ra mắt vào cuối năm sẽ tăng giá thêm 5% so với giai đoạn hai.
"Mỗi một dự án ra mắt sẽ 'cắm' một mốc giá cho khu vực. Điều này lý giải khu vực phía Tây và phía Đông - khu vực tập trung nhiều dự án mới thời gian qua - lập mặt bằng mới", vị này nhận định.
Giá nhà tăng, một phần có tác động từ hoạt động găm hàng, đầu cơ để đẩy giá của một số sàn giao dịch và môi giới. Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết trong bối cảnh nhu cầu đầu tư dâng cao, giỏ hàng mới khi mở bán còn bị một số sàn giao dịch và môi giới "cộng thêm giá" khi giao dịch với khách hàng. Số tiền chênh này không cố định mà phụ thuộc sức nóng của thị trường, có thể 5-20% giá bán.
Ông dẫn chứng tại một dự án thấp tầng ở tỉnh Hưng Yên, vào thời điểm thị trường sôi động, ngoài giá bán của chủ đầu tư khoảng 7-8 tỷ đồng một căn, khách mua còn phải trả thêm tiền chênh khoảng 750 triệu đồng, tương đương 10%. Tuy nhiên, khi thị trường hạ nhiệt, khoản chênh này cũng giảm xuống còn 250 triệu đồng.
Cùng đó, một số chủ đầu tư cũng góp phần đẩy giá nhà ở bằng cách "đưa ra giá chào bán cao", nâng mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức trung bình các dự án bất động sản. Tại khu vực chỉ có số ít, thậm chí một dự án mở bán, chủ đầu tư có thể nâng giá để thu lợi, do không có cạnh tranh và giá tham chiếu.
Tương tự, Chủ tịch HoREA cũng cho biết có trường hợp dự án theo mục tiêu ban đầu là nhà ở bình dân hoặc trung cấp, sau đó lại được chủ đầu tư chuyển sang phân khúc cao hơn, thậm chí "thổi phồng" là nhà ở cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận. Điều này, theo ông, làm tăng tình trạng đầu cơ, găm giữ, làm méo mó thị trường và tiêu tốn nguồn lực lớn của xã hội.
Chi phí đầu tư, xây dựng, nhân công tăng cao là một nguyên nhân khách quan khiến giá dự án mới ngày càng đắt. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng thực tế các khoản chi phí xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công, chi phí tài chính, quản lý đều leo thang trong hai năm qua. Ông Châu dẫn số liệu của Bộ Xây dựng về chỉ số giá xây dựng công trình nhà ở cả nước năm 2023 đã tăng gần 3% so với năm 2022 và tăng 13% so với 2020. Chưa kể, quá trình phát triển một dự án nhà ở thương mại còn phát sinh những khoản không tên để dự phòng. Giá trị các khoản dự phòng không hề nhỏ, do không hợp lệ nên không được tính vào chi phí đầu tư.
"Tuy nhiên khoản này chủ đầu tư vẫn tính vào giá bán và người mua nhà phải gánh chịu", ông Châu cho hay.
Một số ý kiến cho rằng sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, bảng giá đất điều chỉnh cũng khiến giá dự án mới tăng cao. Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA cho rằng bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện nay được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư. Do đó, những dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã ra sổ, gồm phần lớn dự án, phân khu mở bán thời gian qua, sẽ không chịu tác động của bảng giá mới.
Dù vậy, ông Châu nói bảng giá đất điều chỉnh có thể tạo tâm lý ăn theo, kích đẩy thị trường khi doanh nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân. Điều này có thể khiến giá nhà tăng. Chủ tịch HoREA cho rằng cần có biện pháp kiểm soát giới "đầu nậu", cò đất tránh tình trạng lợi dụng việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh để thổi giá đất nhằm trục lợi bất chính.
Theo các chuyên gia, ngoài việc tháo gỡ pháp lý các dự án hiện hữu, hy vọng tăng nguồn cung nhà ở đang được đặt vào nghị quyết thí điểm mở rộng loại đất làm dự án nhà thương mại vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Ông Lê Hoàng Châu, cho rằng dự thảo nghị quyết nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận tự nguyện, "thuận mua vừa bán" giữa người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
"Phương thức thỏa thuận sẽ góp phần tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở thương mại, từ đó góp phần kéo giảm giá nhà", ông Châu cho hay.