Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 và quận 2, TP HCM. Dự án khởi công từ tháng 2-2015 và dự kiến hoàn thành tháng 4-2018. Đến nay, sắp hết tháng 6-2019 mà hình dáng cây cầu này vẫn chưa thấy đâu.
Báo cáo cập nhật của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đến cuối tháng 5/2019 cho thấy dự án cầu Thủ Thiêm 2 chỉ đạt 18% khối lượng, trong khi khâu giải phóng mặt bằng phía đầu quận 1 vẫn rất chậm. Trước đó, hôm 24/5, Sở GTVT họp với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh cùng các đơn vị liên quan rà soát lại tiến độ, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư tổng hợp các khó khăn, đề xuất cụ thể những nội dung liên quan từng mốc tiến độ hoàn thành công trình, hạng mục công trình.
Trên cơ sở này, Sở GTVT sẽ báo cáo chính quyền TP tìm hướng tháo gỡ. Riêng các vấn đề pháp lý trong điều chỉnh dự án, hợp đồng cũng được yêu cầu nêu cụ thể để lên phương án giải quyết.
Trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 1 hiện còn vướng 6 hộ dân và 4 đơn vị, gồm Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Tổng Công ty Ba Son, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 và Bộ Tư lệnh Hải quân. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là những vị trí chưa có mặt bằng lại là nơi thi công 2 nhánh cầu chính kết nối trụ tháp dây văng, vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Tại đầu quận 2, qua ghi nhận, nhà thầu đã thảm bê-tông nhựa phần đường dẫn. Phần cầu chính từ mố S5 đến trụ S1 (bao gồm trụ tháp S2 và nhịp dây văng) đã thi công hoàn thành mố S5, trụ S4, trụ S3, bệ trụ tháp S2 (giữa sông) và cọc khoan nhồi trụ S1. Về phần trụ tháp chính S2 ở giữa sông, nhà thầu cũng đang lắp đặt cốt thép và ván khuôn leo đốt đầu tiên. Song song đó, khâu sản xuất dầm thép cũng được triển khai gấp rút, đã nhập vật tư thép tấm từ nước ngoài, đang gia công tại nhà máy. Các khâu chuẩn bị khác như nhập hàng cáp dây văng, gối cầu cũng đang được triển khai.
Vào tháng 5 vừa qua, phía quận 1 mới bắt đầu thi công trên đường Tôn Đức Thắng, xây dựng cầu dẫn tuyến chính, cầu dẫn nhánh N1, N2 và tường chắn. Tại những vị trí có mặt bằng, việc thi công cũng đang được gấp rút thực hiện như một số hạng mục mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ nút giao đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Trung Ngạn, đã cơ bản hoàn thiện. Theo nhà đầu tư, nếu chính quyền TP HCM bàn giao mặt bằng đúng thời hạn thì dự kiến hợp long cầu vào dịp 30-4-2020 và đưa vào khai thác từ tháng 9/2020.
Sau hơn 4 năm khởi công, phía bờ quận 1 mới bắt đầu thi công công trình cầu Thủ Thiêm 2
Hiện nay, với tốc độ phát triển tại khu Đông TP, nhu cầu đi lại đang liên tục gia tăng, nhiều trục đường chính ra vào trung tâm TP liên tục quá tải. Tại các quận 2, 9, Thủ Đức và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…, khi ra vào khu trung tâm TP, ngoài các trục chính là tuyến xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, lưu lượng xe đang ngày càng tăng cao trên đường Mai Chí Thọ bởi như "xương sống" trên hành lang Đông - Tây.
Ngoài hướng lưu thông thuận tiện nhất là qua hầm sông Sài Gòn, trên trục đường Mai Chí Thọ hiện chỉ có vài nhánh chính kết nối ra vào khu trung tâm như đường Trần Não, Lương Định Của, Nguyễn Cơ Thạch... Chưa kể, tại khu vực trên còn đối mặt nguy cơ kẹt xe thường xuyên khi hàng loạt dự án bất động sản lớn với các cao ốc, chung cư... quy mô hàng ngàn căn hộ đang hình thành.
Mặt khác, hiện giao thông ở nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh đang trong tình trạng quá tải và là một trong những vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TP HCM. Vì vậy, cầu Thủ Thiêm 2 được kỳ vọng sẽ giảm tải rất lớn cho tình trạng kẹt xe tại khu vực này.
Theo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, trước áp lực giao thông liên tục gia tăng, đơn vị đã phải thực hiện hàng loạt giải pháp điều tiết ở hầm Thủ Thiêm như tăng cường phân làn, linh hoạt điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở các nút giao trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt…
Bên cạnh đó, bố trí lại làn xe lưu thông qua hầm cho phù hợp theo hướng tăng bề rộng làn đường xe máy, giảm bề rộng làn đường ôtô. Tuy nhiên, những biện pháp chỉ mang tính chất tạm thời; để giải quyết căn cơ, cần nhanh chóng thực hiện các dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4.
Trao đổi với phóng viên, TS - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận để giảm áp lực giao thông tại khu vực trên cũng như tạo đà phát triển kinh tế, ít nhất cần 3 cây cầu và phải nhanh chóng thực hiện. Trong đó, với 2 dự án cầu Thủ Thiêm 2, ông Hiển đánh giá là thực sự cấp bách bởi sẽ tạo ra sự kết nối giao thông trong điều kiện tốc độ đô thị hóa ở quận 2, 7 và 1 đang rất nhanh.
"Vấn đề là những dự án này đều liên quan rất lớn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng cùng các lợi ích về bất động sản, vì vậy cần phải tính toán để có phương án khả thi" - ông Đinh Thế Hiển đánh giá.
Cần quy hoạch đồng bộ
TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận một số giải pháp về hạ tầng hiện nay tại khu vực trên vẫn mang tính đối phó bởi quy hoạch trước đây đã thiếu đồng bộ, bao gồm cả quy hoạch chung và riêng tại từng khu vực.
Ông Hiển dẫn chứng như cầu Phú Mỹ, trước khi xây dựng kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông, tăng sự kết nối giữa các quận 2, 4 và 7 nhưng khi có cầu thì đường xung quanh lại thiếu, kẹt xe vẫn xảy ra. Vì vậy, trong quy hoạch cần có tầm nhìn về khả năng kết nối cũng như thực hiện đồng bộ chứ không phải là những giải pháp nhất thời.