Vì sao giá vàng tăng cao nhất trong 5 năm qua?

“Giá vàng tăng là do nhà đầu tư lo ngại bất ổn và nhiều người tìm đến đầu tư vào vàng vì họ cho rằng đó là kênh an toàn”.


Vì sao giá vàng tăng cao nhất trong 5 năm qua? - Ảnh 1.

Giá vàng trong nước tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. (Ảnh: Tư liệu).

Đó là ý kiến của chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ với TBKTSG Online về việc giá vàng trong nước tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Vàng tiếp tục tăng mạnh 200.000 đồng/lượng, lên mức 38,35 - 38,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) - đạt đỉnh trong 5 năm qua. Còn tỉ giá trung tâm giữa tiền đồng và đô la Mỹ giảm 10 đồng so với hôm qua.

 Cụ thể, 8 giờ 30 sáng 21/6, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 38,35 - 38,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 38,35 - 38,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 170.000  đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên liền trước.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 21/6, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.385 đô la/ounce, tăng 41 đô la so với ngày hôm qua.

Theo ông Hiển, phân tích đầu năm, giá vàng năm nay sẽ ổn định, đến cuối năm khó đạt qua 1.300 đô la/ounce. Tuy nhiên, hôm nay giá vàng thế giới đạt quanh ngưỡng 1.385 đô la/ounce. Ông Hiển đánh giá mức tăng này là rất mạnh.

Ông Hiển cho rằng thoạt nhìn, có thể có nhận định rằng do ảnh hưởng của đồng đô la. Khi đô Mỹ giảm thì giá vàng tăng vì giá vàng và đô la thường nghịch chiều nhau.

Nhưng thực chất, theo chuyên gia này, giá vàng hiện nay ảnh hưởng bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là kinh tế, thường dựa trên kinh tế Mỹ. Thứ hai là bất ổn chính trị.

Về mặt kinh tế, khi kinh tế Mỹ suy giảm thì đồng đô suy giảm, chứng khoán giảm. Nhà đầu tư sẽ chuyển qua đầu tư vàng.

Về yếu tố bất ổn chính trị, nếu thế giới bất ổn thì nhà đầu tư cũng quay sang trữ vàng. Trong một tuần qua, rõ ràng đồng đô la có giảm nhưng đó không phải là yếu tố chính để vàng tăng giá. Vì đô la giảm nhưng chỉ số chứng khoán vẫn tăng. Mà chứng khoán Mỹ thì dựa vào căn cứ của nền kinh tế.

“Tính từ tháng 8 năm ngoái, chứng khoán Mỹ có những lúc giảm nhưng xu thế chung là vẫn tăng. Tức là kinh tế Mỹ ổn nên chứng khoán tăng. Như vậy, giá vàng hiện nay tăng không có yếu tố từ đô la giảm”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

“Trong tuần qua, có 2 sự kiện liên quan đến chính trị. Thứ nhất, đó là đe dọa bất ổn của Trung Đông khi Mỹ và Iran căng thẳng. Thứ hai, Trung Quốc thăm Triều Tiên trước khi dự G20. Triều Tiên cũng đang có những động thái sau một thời gian có vẻ như đang giảm về vũ khí hạt nhân”, vị chuyên gia này diễn giải.

Ông Đinh Thế Hiển nhận định, giá vàng tăng trong tuần qua, chủ yếu là do nhà đầu tư lo ngại những bất ổn có thể xảy ra giữa các quốc gia. Họ tin rằng, đầu tư vào vàng sẽ an toàn hơn các kênh khác.

Một nhà phân tích khác là Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ quan điểm với TBKTST Online rằng giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Và giá vàng thế giới đang bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED quyết định không tăng lãi suất và bỏ khả năng có thể sẽ giảm lãi suát trong thời gian sắp tới. Động thái này khiến giá trị đồng đô la suy giảm và từ đó đẩy giá vàng lên. Đó là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá vàng thế giới tăng và kéo theo vàng trong nước cũng tăng.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra nhiều biến động về thương mại, đầu tư, kinh tế trên toàn cầu. Hai bên chưa đi đến thỏa thuận và còn phải chờ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, tại thời điểm này thì cuộc chiến ngày càng trở nên căng thẳng. Vì vậy, giá trị đồng đô la bị ảnh hưởng. Khi làm giá trị đồng đô la giảm, người ta đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn cho nhiều nhà đầu tư.

Nguyên nhân tiếp theo, có thể là khủng hoảng chính trị. “Hôm qua, Iran đã bắn may bay không người lái của Mỹ. Sắp tới đây, cần xem chính phủ Mỹ có động thái như thế nào. Tình hình hiện tại rất căng thẳng, từ khủng hoảng tiền tệ, quân sự chính trị thế giới”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.