Vì sao ngân hàng vẫn lãi lớn trong năm Covid?

Lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng thu lãi lớn trong năm qua.
Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn trong năm COVID? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TPBank.

Ngân hàng vẫn báo lãi lớn

Dù nền kinh tế vừa trải qua một năm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song theo kết quả ước tính sơ bộ, con số lợi nhuận của nhiều ngân hàng lại bất ngờ cho thấy khả năng xoay sở của lĩnh vực này.

Cụ thể, ở nhóm các ngân hàng quốc doanh, VietinBank là cái tên nổi bật với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của nhà băng này tăng hơn 40% so với năm trước, tương đương khoảng 16.450 tỷ đồng. 

Đáng chú ý trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn của VietinBank tăng 70% so năm 2019. 

Ngoài ra, ngân hàng ghi nhận thu nhập ngoài lãi tăng tới 35,2%, đưa tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1%. Trong đó, thu thuần dịch vụ tăng gần 12%, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 24%.

VietinBank còn cho biết đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Không có mức tăng trưởng "khủng" như VietinBank, nhưng Vietcombank vẫn tiếp tục giữ lợi nhuận ở mức cao với 23.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), theo tiết lộ của Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành.

Con số này dù không chênh lệch nhiều so với mức 23.122 tỷ đồng của năm 2019 và cũng là lần đầu tiên sau 5 năm không ghi nhận tăng trưởng, tuy nhiên dự kiến đây vẫn sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành.

Trên góc độ tài chính, lợi nhuận của Vietcombank có thể ở mức cao hơn nếu con số trích lập dự phòng cho nợ xấu giảm bớt. Trong năm 2020, ngân hàng đã trích lập dự phòng tới 380% trên số dư nợ xấu trong khi tại VietinBank chỉ ở mức 130%. Có lẽ đây là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống tính tới cuối năm 2020.

Ngân hàng vẫn lãi lớn trong năm COVID, vì đâu? - Ảnh 2.

Lợi nhuận các ngân hàng năm 2020. (Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Không chỉ tại nhóm ngân hàng quốc doanh, bức tranh kết quả kinh doanh của một số ngân hàng tư nhân cũng đang dần hiện lên nhiều gam màu sáng với những con số lợi nhuận kỷ lục.

Theo kết quả dự kiến, lợi nhuận trước thuế của MSB sẽ vào khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và vượt 74% kế hoạch đặt ra. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh tới thời điểm hiện tại.

MSB cho biết tổng thu nhập thuần tăng gần 52% so với năm 2019 lên 7.013 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi ròng 4.705 tỷ, tăng 57% so với năm trước. Tổng thu nhập ngoài lãi tăng đến 42%, đóng góp hơn 2.300 tỷ đồng.

Hay tại TPBank, ngân hàng cho biết trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế tăng 11% ước đạt hơn 4.200 tỷ đồng, vượt gần 8% so với kế hoạch năm. Đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay ở nhà băng này.

Dù chưa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ cả năm, tuy nhiên lũy kế 11 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ABBank đã đạt 1.378 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và vượt 8% so với cả năm 2019.

Bên cạnh những ngân hàng báo lãi lớn, vẫn có một số ngân hàng có lợi nhuận giảm sút, tuy nhiên mới chỉ chiếm số ít. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đã giảm 16% so với năm trước đạt 9.017 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế của Agribank giảm 8% với 12.869 tỷ đồng.

Lợi nhuận đến từ đâu?

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng báo lãi cao trong năm một phần đến từ việc lãi suất huy động đã giảm khá sâu, trong khi đó, lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. 

Điều này dẫn đến biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng càng được mở rộng, tạo điều kiện tăng lợi nhuận.

Báo lãi lớn năm COVID, ngành ngân hàng đã đồng hành đủ cùng các ngành nghề khác? - Ảnh 2.

NIM của các ngân hàng tăng trở lại vào quý III/2020. (Nguồn: FiinGroup).

COVID-19 xuất hiện đã làm đảo lộn nhiều chiến lược và kế hoạch của các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng trì trệ vào đầu năm, tuy nhiên đã phục hồi trở lại trong nửa cuối năm.

"Tính đến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12%. Dù con số này vẫn thấp so với mọi năm, tuy nhiên đây vẫn là một sự tăng trưởng tốt ", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Cùng với đó, các ngân hàng đã có sự xoay sở khá linh hoạt trong chiến lược kinh doanh  nhằm tăng thu nhập từ các mảng phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán,...

Theo khảo sát từ 21 ngân hàng (tổng dư nợ chiếm 64% toàn hệ thống), trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh truyền thống như thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ dịch vụ ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước (7,5% và 17,5%). Trong khi đó, thu nhập khác từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng đột biến hơn 166% so với cùng kì.

Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn trong năm COVID? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nhận định của ông Hiếu cùng một số công ty chứng khoán cho rằng con số lợi nhuận hiện tại có môt phần "ảo" chưa thể hiện hết được thực trạng của các ngân hàng. 

Nguyên nhân là nhiều khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại nhưng giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khiến chi phí dự phòng chưa được tính toán đầu đủ. 

 Theo FiinGroup, các ngân hàng Việt Nam chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ xấu bị ảnh hưởng bởi Covid.

FiinGroup chỉ ra chi phí dự phòng của các ngân hàng Mỹ tăng vọt trong giai đoạn Covid-19 bùng nổ trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu trong thời kỳ dịch bệnh của các ngân hàng Việt Nam không có sự thay đổi đột biến.

Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn trong năm COVID? - Ảnh 3.

Nguồn: FiinGroup.

"Phải chăng ngành ngân hàng chưa đồng hành đủ cùng các ngành nghề khác?"

Dù chưa công bố báo cáo tài chính cụ thể, nhưng theo ước tính của giới phân tích, tăng trưởng lợi nhuận của ngành tài chính ở mức cao hơn so với những ngành nghề khác trong năm 2020. 

Theo ước tính cả năm của FiinGroup, các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 10,2%. Trong khi đó, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phi tài chính niêm yết dự kiến giảm hơn 21% trong năm 2020.

Nhờ đâu ngân hàng lãi lớn trong năm COVID? - Ảnh 5.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Bizlive).

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong điều kiện bình thường, việc ngân hàng có lợi nhuận cao là vẫn có lợi có nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn như hiện tại mà các nhà băng vẫn lãi lớn, thì phải chăng ngành ngân hàng chưa đồng hành đủ cùng các ngành nghề khác, vị chuyên gia đặt vấn đề.

Xét một cách khách quan, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và hoạt động với mục tiêu lợi nhuận. Việc hi sinh lợi nhuận để hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp cũng là một quyết định khó khăn đối với ban lãnh đạo của mỗi ngân hàng.

Theo công bố từ một vài ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, Agribank, họ đã cắt giảm hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất, giảm phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tại Hội nghị triển khai triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời gian qua, nỗ lực điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của NHNN và các tổ chức tín dụng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. 

Theo đó, Thủ tướng cho rằng nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa. Thủ tướng mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.