Theo Sở Công thương Đồng Nai, hiện tỉnh này đang triển khai đầu tư 27 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 1.500 ha. Tuy nhiên, đến nay mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, Báo Đồng Nai đưa tin.
4 CCN đã hoàn thành gồm CCN gốm sứ Tân Hạnh (TP Biên Hòa), CCN Phú Cường (huyện Định Quán), CCN Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) và CCN Phú Thạnh - Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch).
Trên thực tế, nhiều CCN dù có doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng. Nhiều CCN khác dù đã có quy hoạch nhưng vướng công tác giải phóng mặt bằng nhiều năm nên vẫn chưa hoàn thành.
Nguyên nhân là thủ tục đầu tư xây dựng CCN rất phức tạp, trong khi các thủ tục, chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển CCN lại chưa phát huy hiệu quả. Một số CCN có một phần diện tích là đất lúa, đất rừng, đất công do nhà nước quản lý, một số khác lại vướng đất cao su.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kết nối đến các CCN còn thiếu, vị trí quy hoạch CCN cũng chưa hấp dẫn, do đó triển vọng để nhanh chóng hoàn thành xây dựng CCN không cao.
Báo Đồng Nai dẫn lời đại diện Sở Công thương cho biết, nhà đầu tư chưa mặn mà với các CCN vì diện tích nhỏ, chỉ từ 30 - 75 ha. Một số dự án khi hoàn tất hạ tầng, chủ đầu tư chỉ còn lại diện tích đất để cho thuê rất ít, lợi nhuận thấp.
Bên cạnh đó, do giá đất tăng cao, tiền bồi thường bị đẩy lên khiến chi phí đầu tư tăng. Phần hỗ trợ của nhà nước lại tương đối thấp (20 tỷ đồng mỗi CCN) so với số tiền đầu tư.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản về việc bãi bỏ quyết định thành lập CCN Bàu Trâm tại TP Long Khánh. Theo quy hoạch, dự án được đầu tư bởi CTCP Bất động sản Dịch vụ Công nghiệp Đại Phong, tổng mức hơn 264 tỷ đồng, tiến độ thực hiện ba năm từ ngày phê duyệt.
Đến tháng 9/2020, CCN Bàu Trâm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc cấp chủ trương, thủ tục đầu tư cụm công nghiệp. Đến nay, sau hơn một năm ban hành quyết định thành lập, UBND tỉnh Đồng Nai đã xóa cụm công nghiệp này khỏi quy hoạch.