Vì sao Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết bị bắt giam?

Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết Trần Hoàng Khôi, Trưởng Phòng TN-MT Phạm Thanh Thái và chuyên viên phòng này để điều tra các sai phạm đất đai.
avatar_1568378635911

Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận bắt giam ông Trần Hoàng Khôi trưa ngày 12/9. (Ảnh: H.Linh)

Ngày 12/9, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đã tiến hành khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trần Hoàng Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận) để điều tra các sai phạm liên quan đến quản đất đai, theo điều 229 của Bộ luật Hình sự.

Cùng thời điểm này, Cơ quan CSĐT cũng tiến hành bắt giam Trưởng Phòng TN-MT TP Phan Thiết Phạm Thanh Thái, và chuyên viên Phòng Phòng TN-MT TP Phan Thiết là ông Lê Hoàng Anh Tân để điều tra các dấu hiệu vi phạm về đất đai theo quy định.

Bắt giam nguyên Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết Trần Hoàng Khôi

Sai phạm có "hệ thống"?

Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Thuận về sai phạm đất đai tại TP Phan Thiết nêu: “Có biểu hiện tùy tiện trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm ở các xã Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP Phan Thiết giai đoạn 2011 - 2020 đã được tỉnh phê duyệt, dẫn đến các sai phạm có hệ thống”.

Theo kết luận thanh tra, UBND TP Phan Thiết đã không thực hiện việc thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân không đúng theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, UBND TP Phan Thiết đã có quyết định cho chuyển đổi 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815 m2, chuyển từ đất nông nghiệp sang đất sang đất ở tại các xã Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp.

Trong giai đoạn nói trên, UBND TP Phan Thiết còn cố ý làm trái các quy định của nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất không đúng thực tế; Thay đổi, điều chỉnh thông tin bất thường, luôn xác định thấp hơn quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra của UBND tỉnh Bình Thuận chỉ rà soát lại trong 5 trường hợp là các ông bà M.V.T., N.T.N.T., P.C. , P.H..T và Đ.H.P., với việc điều chỉnh thông tin không đúng thực tế, gây thất thoát của nhà nước số tiền 5,7 tỉ đồng.

Vì sao Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết bị bắt giam? - Ảnh 3.

Cơ quan CSĐT tiến hành đọc lệnh bắt giam Trưởng Phòng TN-MT TP Phan Thiết Phạm Thanh Thái. (Ảnh: H.Linh)

Cụ thể, trường hợp ông M.V.T. có 6 hồ sơ xin chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn tại xã Thiện Nghiệp. Năm 2017, UBND TP Phan Thiết cho ông M.V.T. chuyển mục đích sang đất ở 6 thửa, với tổng diện tích 41.472 m2. Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai có phiếu chuyển thông tin địa chính đối với 6 thửa đất trên sang Chi cục Thuế Phan Thiết để tính tiền sử dụng đất.

Thế nhưng, phiếu chuyển thông tin sang Chi cục thuế chỉ thể hiện các thửa đất ở vị trí 2, khu vực 3, không thể hiện rõ ràng thông tin vị trí 6 lô đất nông nghiệp này trước khi chuyển mục đích làm căn cứ để tính giá đất.

Dù thiếu thông tin nhưng Chi cục Thuế Phan Thiết không chuyển trả lại cho Chí nhánh Văn phòng đăng kí đất đai theo quy định, mà áp dụng luôn để tính giá đất phải nộp là 591 triệu đồng.

Sau này, Chi cục Thuế kiểm tra lại thì phát hiện một thửa đất diện tích 25.886 m2 được tính “0 đồng” là không đúng với quy định . Sau đó, việc tính lại tiền đất của ông M.V.T. lên đến 1,4 tỉ đồng (thay vì ông này chỉ nộp cho nhà nước 591 triệu đồng).

Đoàn Thanh tra cũng đã phát hiện hàng chục nghìn mét vuông đất với chiêu “0 đồng”, các cơ quan tham mưu và UBND TP Phan Thiết đã gây thất thoát của nhà nước hàng tỉ đồng tiền sử dụng đất.

Vì sao Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết bị bắt giam? - Ảnh 4.

Bắt giam chuyên viên Phòng TN-MT TP Phan Thiết Lê Hoàng Anh Tân. (Ảnh: H. Linh)

Sai phạm của cơ quan tham mưu hay của người đứng đầu chính quyền?

Theo quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận được đọc công khai cho các bị can thì các ông Phạm Thanh Thái và Lê Hoàng Anh Tân (Trưởng phòng và chuyên viên Phòng TN-MT TP Phan Thiết) đã tham mưu cho Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết 132 tờ trình, với 132 thửa đất, tổng diện tích 170.987 m2 từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn tại 3 xã Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm, trái với các quy định của Điều 52, Luật đất đai 2013.

Người trực tiếp kí các quyết định cho chuyển đổi nói trên không chỉ có ông Trần Hoàng Khôi, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết mà còn có ông Đỗ Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (thời điểm xảy ra vụ án, hiện nay ông Điệp đương kim là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, kiêm Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết).

Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận cho rằng hành vi của các bị can vừa bị khởi tố là vi phạm Khoản 3, Điều 229 của Bộ luật Hình sự, nên đã khởi tố, bắt giam để điều tra.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên vào ngày 30/5, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định để xảy ra các sai phạm về quản lí đất đai tại TP Phan Thiết, trước hết thuộc về trách nhiệm của Thành ủy, HĐND và UBND TP Phan Thiết. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng còn có trách nhiệm của Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, bên cạnh việc điều tra, xử lí đúng quy định của Cơ quan điều tra, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc, xem xét xử lí trách nhiệm từng cán bộ, đảng viên vi phạm. Hiện nay, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra nhiều cán bộ liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại TP Phan Thiết.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.