'Gót sen ba tấc' và đôi chân gãy gập của phụ nữ Trung Quốc | |
Những 'gót sen' kỳ dị của hủ tục bó chân ở Trung Quốc |
Tục bó chân được cho là xuất phát từ thời nhà Tống và kéo dài trong gần 10 thế kỷ. Ảnh: AFP/Getty |
"Gót sen ba tấc", hay bàn chân gót sen nhỏ xinh được hình thành sau quá trình bẻ gập các ngón chân ép vào lòng bàn chân và buộc chặt bằng những sợi vải nhỏ xinh, từng được coi là "tấm hộ chiếu" bắt chuộc để phụ nữ có một cuộc hôn nhân và đời sống tốt đẹp hơn.
Trong xã hội phong kiến, người ta tin rằng đức hạnh và phẩm giá của người phụ nữ được thể hiện qua những bàn chân gót sen tí hon. Có nguồn tư liệu cho rằng người phụ nữ có đôi chân nhỏ sẽ giúp phụ nữ bước đi uyển chuyển và mềm mại như cánh sen hồng, hay tăng sức quyến rũ trong mắt nam giới. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho thấy tục bó chân có thể giúp họ thăng hoa trong đời sống tình dục, thỏa mãn nhu cầu của nam giới.
"Theo quan niệm truyền thống, phong tục làm đẹp này tồn tại để làm hài lòng đàn ông. Họ được cho là dễ bị cuốn hút trước những cô gái có bàn chân nhỏ", CNN dẫn lời Laurel Bossen, đồng tác giả cuốn sách "Bound Feet, Yound hands", cho hay.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Bossen chỉ ra rằng tập bó chân gót sen đã bị hiểu nhầm nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Theo nghiên cứu, những bé gái bó chân không có cuộc sống an nhàn, đặc biệt là ở vùng thôn quê, nơi những bé gái 7 tuổi đã bắt đầu dệt vải, se sợi và làm nhiều công việc bằng tay khác.
Bossen chỉ ra rằng tục bó chân kéo dài trong nhiều năm vì có lý do kinh tế rõ ràng. Đây là cách nhằm đảm bảo các bé gái ngồi nguyên một chỗ để làm các công việc kéo dàng hàng giờ mỗi ngày như dệt sợi, may quần áo, dệt chiếu, thêu giày hay đan lưới đánh cá, vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Tục làm đẹp này chỉ chấm dứt khi các mặt hàng nhập khẩu đa dạng lấn át đồ thủ công.
Bossen, giáo sư danh dự ngành nhân chủng học Đại học McGill tại Montreal, Canada, cùng Hill Gates, giáo sư Đại học Michigan, Mỹ, đã phỏng vấn gần 1.800 người cao tuổi ở nhiều địa phương vùng nông thôn Trung Quốc, thế hệ bó chân cuối cùng, để tìm hiểu về thời điểm và nguyên nhân tục làm đẹp này mai một dần.
Họ phát hiện ra rằng, tục bó chân gót sen kéo dài nhất ở những nơi sản phẩm dệt thủ công có giá trị kinh tế cao, nhưng mai một dần khi các sản phẩm rẻ hơn được sản xuất từ nhà máy bắt đầu thống lĩnh thị trường.
Các bé gái biết se chỉ dệt vải từ năm 6-7 tuổi, cùng thời điểm chúng phải bó chân.
"Mẹ bó chân cho tôi từ năm tôi 10 tuổi. Ở tuổi đó, tôi cũng bắt đầu dệt vải. Mỗi lần bà bó chân, tôi đều đau phát khóc", một cụ bà sinh năm 1933 kể lại.
Tục bó chân được cho là có từ thời nhà Tống (960-1279) và lan rộng tới mọi tầng lớp, từ những người giàu có ở thành thị đến khu vực nông thôn. Đến thế kỷ 19, nó trở nên phố biển ở khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, tập tục đau đớn này dần biến mất từ đầu thế kỷ 20.
Bossen hy vọng rằng nghiên cứu của bà sẽ đem lại bài học cho cuộc đấu tranh chống lại các hủ tục vẫn đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều phụ nữ khác như cắt âm vật.