Vì sao tôm hùm rớt giá thê thảm?

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc xuất khẩu tôm hùm bị ngưng trệ. Bán thì lỗ mà không bán lại càng lo hơn khi mùa mưa bão đang cận kề. Đó là tình cảnh chung của người nuôi tôm hiện nay.
Tôm hùm rớt giá thê thảm - Ảnh 1.

Người nuôi thu hoạch tôm hùm xanh ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). (Ảnh: Lê Trâm/Báo Phú Yên).

Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch tôm hùm thương phẩm nhưng nhiều người nuôi tôm đang phải đối mặt với thua lỗ nặng do giá tôm giảm sâu. Tôm hùm không còn là món ăn xa xỉ chỉ dành cho giới nhà giàu như trước.

Theo Zing, khảo sát của tại các cửa hàng kinh doanh hải sản cho thấy giá niêm yết đều giảm khoảng 30% so với đầu năm.

Tôm hùm rớt giá thê thảm - Ảnh 2.

Bảng giá niêm yết mới nhất tại một cửa hàng chuyên kinh doanh hải sản trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội.

Chủ cửa hàng chuyên kinh doanh hải sản trên đường Trần Thái Tông, Hà Nội cho biết, giá tôm hùm baby loại 0,3-0,4 kg/con giá chỉ còn 680.000 đồng/kg. Cửa hàng này cũng kinh doanh thêm tôm hùm baby loại 0,4-0,6 kg/con, giá 780.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Trước đây tôm hùm tươi sống chỉ nhập cho các nhà hàng, khách sạn sang trọng, ít khi thấy bán ở chợ bởi giá cao từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh và 1,5 – 1,8 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng tôm xuất khẩu ngày càng giảm nên phải đẩy mạnh thị trường nội địa với giá vừa phải.

Cùng với tôm hùm, giá các mặt hàng hải sản tươi sống khác nói chung đều giảm mạnh khoảng 10-40% so với hồi đầu tháng 5.

Cụ thể, tôm hùm Alaska loại 0,5-1,4 kg/con mua sống mang về có giá 785.000 đồng/kg, loại 1,5-3 kg/con giá 845.000 đồng/kg, tôm hùm bông loại dưới 1 kg/con có giá xấp xỉ 1 triệu đồng/kg, cua Alaska loại 2-4 kg/con 1,84 triệu đồng/kg. Cua huỳnh đế loại 0,5-1kg/con có giá 1,35 triệu đồng/kg. Cua Bắc Mỹ cũng chỉ còn 685.000 đồng/kg cho loại 0,7-1kg/con.

Cá tầm có giá 265.000 đồng/kg, tôm sú giá dao động 415.000-515.000 đồng/kg, ghẹ giá 530.000 đồng/kg, sò huyết to loại 70-80 con/kg giá 265.000 đồng/kg, hàu sữa loại 8-12 con/kg giá 48.000 đồng/kg.

Theo Zing, tại một cửa hàng chuyên bán hải sản tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), dù giá tôm hùm xanh size 0,3-0,4 kg/con chỉ còn 600.000 đồng/kg nhưng cũng rất ít khách mua.

Tại một cửa hàng kinh doanh hải sản tại quận Bình Thạnh, TP HCM, tôm hùm tươi loại 0,2-0,4 kg/con có giá 550,000 đồng/kg, tôm hùm tươi loại 0,7-1,2 kg/con có giá 800,000 đồng/kg, tôm hùm tươi loại lớn 1,8- 3 kg/con có giá 1.100.000 đồng/kg.

Vì sao tôm hùm rớt giá thê thảm? - Ảnh 3.

Ảnh quảng cáo giảm giá tôm hùm trên website của chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh hải sản ở TP HCM.

Tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước, hiện tôm hùm bông (hay còn gọi tôm Sao) được thương lái mua tại chỗ với giá 800.000 đồng/kg đối với tôm hùm đạt cỡ từ 1 kg/con trở lên, loại 2 từ 8 lạng đến dưới 1 kg giá khoảng 700.000 - 750.000 đồng, chỉ bằng một nửa so với thời điểm tiêu thụ tốt nhất. Trong khi đó, giá tôm hùm xanh cũng giảm mạnh, còn 450.000 - 500.000 đồng/kg, VOV cho biết.

Theo tính toán của người nuôi tôm hùm, để nuôi được 1kg tôm hùm bông thương phẩm đến giai đoạn xuất bán thì chi phí khoảng 1,1 triệu đồng. Như vậy, với mức giá 800.000 đồng/kg, người nuôi lỗ đến 300.000 đồng/kg.

Lỗ vốn, nhiều ngư dân bán tôm xong vẫn không đủ trả nợ vay ngân hàng. Trong khi các giải pháp gỡ khó cho vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu chưa có hiệu quả thì ngoài kia, mưa bão đã cận kề, rủi ro có thể ập đến với người nuôi tôm bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên khuyến cáo: “Phải xuất bán cho được tôm đến kích cỡ thương phẩm, tránh thiệt hại bởi khi mùa mưa sẽ có lũ, sẽ có nước ngọt, bão sẽ có sóng, gió gây tổn thất cho người nuôi tôm”.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 8, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 180 nghìn tấn, trị giá 800 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 2,1% về trị giá so với tháng 8/2019. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,237 triệu tấn, trị giá 5,19 tỉ USD, giảm 5,41% về lượng và giảm 5,64% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Các chuyên gia dự báo, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 có thể đạt 8,26-8,3 tỉ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.