Vì trận đấu với đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup, Thái Lan liên tục phá lệ

Để chuẩn bị cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam, bóng đá Thái Lan ít tuần gần đây liên tục phá lệ, thậm chí có những quyết định phá vỡ cả kỷ cương của nền bóng đá đất Chùa Vàng. Những sự việc cho thấy chưa hẳn người làm bóng đá Thái Lan là những nhân vật chuyên nghiệp.
Vì trận đấu với đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup, Thái Lan liên tục phá lệ - Ảnh 1.

Sanrawat Dechmitr, nhân vật khởi nguồn cho những tranh cãi của bóng đá Thái Lan gần đây.

Đầu tiên là câu chuyện phá vỡ truyền thống qua nhiều năm của King’s Cup, tổ chức bốc thăm lại các cặp đấu, mà chưa bốc thăm, nhiều người đã đoán được kiểu gì đội tuyển Thái Lan cũng đụng độ với đội tuyển Việt Nam tại bán kết.

Mới đây là việc Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) xoá án “treo giò” 8 trận cho tiền vệ tấn công Sanrawat Dechmitr của CLB Bangkok United, để Dechmitr kịp tập trung đội tuyển Thái Lan, tham dự King’s Cup.

Trước đó, Sanrawat Dechmitr từng đấm trộm vào bụng trọng tài trong một trận đấu tại Thai-League, một hành vi được cho là rất nghiêm trọng, có thể bị “treo giò” rất dài ở các nền bóng đá khác.

Nhưng bóng đá Thái Lan rất nhanh chóng xoá án cho Dechmitr, vì lo rằng không có lực lượng tốt nhất cho lần đụng độ với đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup.

Có vẻ như khát khao đánh bại đội bóng của HLV Park Hang Seo từ phía bóng đá Thái Lan quá lớn, những toan tính về mặt thương mại của họ cho trận đấu Thái Lan – Việt Nam, và cho cả King’s  Cup cũng quá lớn, khiến cho nhiều giá trị chuyên môn, giá trị truyền thống, và tính kỷ cương của cả một nền bóng đá bị che mờ.

Cầu thủ tấn công trọng tài là hành vi rất nghiêm trọng, nhưng vẫn được xí xoá cho qua, thì khác nào chính những nhà điều hành bóng đá Thái Lan đang tự chỉ ra những hạn chế của mình trong cách điều hành nền bóng đá, và tự chỉ ra rằng bóng đá Thái Lan cũng không quá chuyên nghiệp như người ta từng lầm tưởng.

Những động thái gần đây từ phía FAT cho thấy họ chủ yếu đối phó với dư luận (người hâm mộ vốn đang mất dần kiên nhẫn khi Thái Lan liên tục xếp sau các đội tuyển Việt Nam ở các giải quốc tế từ năm 2018), hơn là xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp, hoặc hướng đến những chiến lược lâu dài.

Thật khó tưởng tượng một nền bóng đá từng được xem là số 1 Đông Nam Á lại có đội tuyển quốc gia không được dẫn dắt bởi một HLV đúng tiêu chuẩn (HLV Sirisak Yodyardthai hiện tại của đội tuyển Thái Lan không đủ bằng cấp theo quy định của FIFA, để nắm đội tuyển ở các giải quốc tế) như nền bóng đá Thái Lan.

Cũng thật khó tưởng tượng một nền bóng đá vốn được cho là “anh cả” của Đông Nam Á, lại tiền hậu bất nhất về kết quả bốc thăm của một giải giao hữu, để sớm được hơn thua với một đội bóng khác trong khu vực, vốn mới chỉ chớm thành công trong hơn 1 năm qua.

Nhưng tất cả những nghịch lý vừa nêu dần đang được lý giải, khi nhìn vào cách điều hành yếu kém của FAT hiện giờ. Cung cách điều hành đang biến Thái Lan từ nền bóng đá số 1 khu vực trở thành nền bóng đá có nhiều quyết định khó hiểu nhất, rắc rối nhất khu vực!



chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.