Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu ý kiến như vậy khi chủ trì hội nghị chuyên đề về phát triển ngành cơ khí Việt Nam (do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức) mới đây.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị chuyên đề phát triển ngành cơ khí Việt Nam (Ảnh: Hồng Hạnh).
Ông khẳng định: "Quan điểm của Chính phủ là phát triển ngành ô tô phải gắn với nội địa hóa. Mỗi ô tô giá trị như một căn nhà, không thể không nội địa hóa ô tô. Phát triển ngành ô tô cũng đứng trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng".
Trong ngành cơ khí, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là một trong 3 phân ngành chủ chốt quan trọng. Đây cũng là ngành có yêu cầu rất cao về thương hiệu, công nghệ, thị trường và vốn đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năng lực sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn còn chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, sản xuất xe khách đến cỡ vừa và xe tải nhẹ mới chỉ ở mức trung bình. Xe du lịch hiện mới chỉ tiến hành lắp ráp cho các hãng toàn cầu là chủ yếu. Tỷ lệ sản xuất trong nước đối với xe con là xấp xỉ 18%, xe khách là 50%, xe tải là 25%.
Việt Nam 100 triệu dân, không thể chỉ nhập ô tô về tiêu dùng.
Riêng xe nông dụng và xe chuyên dùng, ngành ô tô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguồn cung hiện nay cũng đang không đáp ứng đủ cho nhu cầu xe cá nhân ngày càng tăng cao.
Từ phía doanh nghiệp, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, cho hay việc số lượng xe xuất xưởng tăng hàng năm của VAMA đã đáp ứng gần 80% nhu cầu xe du lịch và 60% nhu cầu xe thương mại tại Việt Nam. Chỉ trong năm 2018, các nhà sản xuất ô tô của VAMA đã đóng góp ngân sách 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, với tình hình thuế xe nguyên chiếc nhập khẩu trong ASEAN về 0%, xe sản xuất trong nước đang rất khó khăn và không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.
Những hạn chế khách quan của ngành ô tô Việt Nam từng được đề cập nhiều, đã được ông Toru Kinoshita nhắc lại: dung lượng thị trường ô tô Việt Nam quá bé, chỉ bằng 1/4-1/5 so với Thái Lan, Indonesia. Sản lượng thấp là khó khăn lớn nhất. Đơn cử như xe Toyota Vios tại Việt Nam sản xuất chỉ bằng 1/8 so với Thái Lan. Quy mô sản xuất như vậy khiến cho chi phí sản xuất xe ở Việt Nam vẫn luôn cao so với khu vực.
Vì sản lượng thấp nên công nghiệp hỗ trợ cho ô tô không phát triển được. Các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu linh kiện CKD để sản xuất ô tô, chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu.
Sự bất lợi này khiến cho chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Indonesia từ từ 10-12%.
Do đó, Chủ tịch VAMA khẩn thiết kiến nghị các chính sách của Chính phủ cần phải kéo dần khoảng cách này xuống, giảm giá thành cho xe nội, bảo hộ xe trong nước vừa đủ để cạnh tranh được với xe nhập khẩu.
Ông cũng tiếp tục đặt kì vọng vào việc Chính phủ sẽ ban hành ưu đãi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không đánh vào phần giá trị tạo ra trong nước.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất một loạt các giải pháp ưu đãi cho ngành cơ khí nói chung, trong đó, có nhiều đề xuất lớn cho ngành ô tô. Đề xuất mới nhất là chính sách kích cầu thị trường.
Bộ trưởng Công Thương đề xuất nhiều giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tại Hội nghị phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra ngày 24/9/2019 (Ảnh: Hồng Hạnh).
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất ô tô nội địa. Đây là giải pháp đã có bài học kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ triển khai phương án quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên cả nước nhằm giảm chi phí logistics, khuyến khích giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, tạo thị trường cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô thông qua việc đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội và TP HCM.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhắc lại một loạt các giải pháp về đầu tư và thuế phí đã được kiến nghị tới Chính phủ trong tháng 8 vừa qua.
Cụ thể: Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc; trong đó đặc biệt là nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5 - 10 năm.
Đồng thời, Bộ đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.
Về đất đai, các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn được miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất và giảm 50% tiền thuê đất trong 07 năm tiếp theo.
Đối với các dự án sản xuất lớn trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các dự án này (bao gồm cả ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và ô tô điện), như hỗ trợ về hạ tầng, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực..., và đặc biệt là hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ động cơ, hộp số, hệ thống ECU điều khiển, pin (cho ô tô điện).
Gói kiến nghị ưu đãi khủng này cũng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các nhà sản xuất ô tô lớn như Thaco Trường Hải, Toyota, Vinfast và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Trước các kiến nghị này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Chính phủ sẽ xem xét kiến nghị của các nhà sản xuất xuất ô tô để tăng tỷ lệ nội địa hóa, các doanh nghiệp tham gia ngày càng cao vào chuỗi giá trị toàn cầu, kì vọng tham gia ở mức 40-50%”.