Nhân sự kiện Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad cầm lái chạy thử xe VinFast Lux SA2.0 do Việt Nam sản xuất, cùng nhìn lại ngành công nghiệp ô tô và sự vươn lên mạnh mẽ của các hãng xe nội địa Malaysia.
Ngành công nghiệp ô tô Malaysia đánh dấu bước khởi đầu từ năm 1926, khi Ford Malaya được thành lập tại Singapore với tư cách là nhà phân phối các sản phẩm của Ford trong khu vực.
Tuy nhiên, nền công nghiệp ô tô của Malaysia chỉ thực sự được hình thành kể từ khi Volvo Cars thành lập một nhà máy lắp ráp tại Shah Alam, Selangor vào năm 1967.
Đến năm 1984, tức sau gần 2 thập kỉ chỉ đi lắp ráp, Proton - công ty ô tô nội địa đầu tiên của Malaysia được chính thức thành lập với sứ mệnh thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.
Theo sau đà tiến của Proton, vào năm 1992 một hãng xe nội địa khác của Malaysia là Perodua cũng được lập ra với hoạt động ban đầu là lắp rắp những chiếc xe hơi mini.
Những mẫu xe đầu tiên do Malaysia tự sản xuất. (Ảnh: Marii).
Công nghiệp ô tô đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi Malaysia từ một quốc gia nông nghiệp sang công nghiệp, chuyển sang các hoạt động kinh tế có giá trị cao, cải thiện mức sống cũng như việc làm lương cao hơn.
Khi tiếp tục phát triển, ngành công nghiệp ô tô đã tạo ra nhiều việc làm có giá trị cao, bao gồm các kĩ sư sản xuất, kĩ thuật viên robot cũng như các nhà thiết kế sản phẩm, quy trình và công cụ.
Ngành này đã sử dụng hàng nghìn lao động Malaysia trong cả hai lĩnh vực sản xuất và hậu mãi, tạo ra một tác động quan trọng đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp đầu tàu, như thép và hóa chất, cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ, bao gồm cả công nghệ thông tin và dịch vụ bảo trì.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, Malaysia đã có chính sách ô tô quốc gia, viết tắt là NAP, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2006. Để năm 2009, chính sách này được điều chỉnh để tập trung tăng cường khả năng của ngành công nghiệp ô tô trong nước, và tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các khoản đầu tư.
Proton cũng tự nâng mình lên để trở thành một trong số ít các nhà sản xuất ô tô chính thức trong khu vực ASEAN. (Ảnh: Motortrader).
Chính sách NAP thứ hai được công bố vào năm 2014, nhấn mạnh vào các sáng kiến xanh, mở rộng thị trường, nâng cao toàn diện hệ sinh thái ô tô và phát triển công nghệ, vốn nhân lực, chuỗi cung ứng.
Mục tiêu cuối cùng của NAP 2014 là giúp Malaysia trở thành một trung tâm phương tiện tiết kiệm năng lượng khu vực (EEV) vào năm 2020.
Chính sách EEV hợp lí hóa các nỗ lực tạo ra nguồn nhân lực lành nghề, thúc đẩy đầu tư, tăng cường công nghệ và thúc đẩy di động bền vững, tất cả đều được chú trọng để tạo ra một nền kinh tế có giá trị cao.
Riêng hai hãng xe hơi nội địa của Malaysia, gồm Proton và Perodua đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp xe hơi nước này.
Proton cũng tự nâng mình lên để trở thành một trong số ít các nhà sản xuất ô tô chính thức trong khu vực ASEAN.
Những nỗ lực của Proton và Perodua, cũng như việc tăng đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô khác, đã dẫn đến một hệ sinh thái ô tô mạnh mẽ bao gồm hơn 25 nhà sản xuất và lắp ráp xe, 600 nhà cung cấp địa phương và 50.000 cơ sở hậu mãi, duy trì hơn 600.000 việc làm.
Ngành công nghiệp ô tô Malaysia là nhà tiên phong duy nhất của Đông Nam Á ủng hộ và phát triển các hãng xe hơi nội địa, cụ thể là Proton và Perodua.
Năm 2002, Proton đã giúp Malaysia trở thành quốc gia thứ 11 trên thế giới có khả năng thiết kế, chế tạo và sản xuất ô tô hoàn chỉnh từ đầu.
Năm 2002, Proton đã giúp Malaysia trở thành quốc gia thứ 11 trên thế giới có khả năng thiết kế, chế tạo và sản xuất ô tô hoàn chỉnh từ đầu. (Ảnh: Paultan).
Ngành công nghiệp ô tô Malaysia cũng kết hợp với một số công ty liên doanh trong và ngoài nước, lắp ráp nhiều loại xe từ bộ dụng cụ hoàn toàn nhập khẩu.
Điều thú vị là, ngành công nghiệp ô tô ở Malaysia chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, và chỉ có vài nghìn xe được chế tạo hoàn chỉnh để xuất khẩu hàng năm.
Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu các bộ phận và linh kiện ô tô do Malaysia sản xuất đã tăng trưởng đáng kể trong thập kỉ qua, đóng góp hơn 11 tỉ RM vào GDP của Malaysia trong năm 2016.
Cùng nhìn lại quá trình vươn lên của hai hãng xe nội địa Malaysia để hiểu tại sao họ có thể thành công trong chiến lược nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô, vốn bị cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe phương Tây.
Công ty ô tô nội địa đầu tiên của nước này là Proton, đang vận hành ba nhà máy sản xuất tại Malaysia, với tổng công suất tối đa hàng năm là 360.000 chiếc.
Nhà máy Proton ban đầu ở Shah Alam được xây dựng vào năm 1985, sau đó được bổ sung bởi nhà máy MVF nhỏ hơn vào năm 2000. Nhà máy Proton thứ ba gần Tanjung Malim, bắt đầu hoạt động vào năm 2004, và được xây dựng như một phần của Dự án thành phố Proton.
Nhà máy đầu tiên của Proton bắt đầu hoạt động vào giữa năm 1985, với mẫu xe hơi ban đầu có tên là Proton Saga.
Mẫu xe hơi đầu tiên mà Proton sản xuất, đa phần được hoàn thiện từ các linh kiện nhập khẩu, với bộ dụng cụ, động cơ và linh kiện lắp ráp hoàn toàn được nhập từ các cơ sở của Mitsubishi tại Nhật Bản.
Thành phần nội địa hóa trong Proton Saga 1985 đứng ở mức 18%, chỉ với 13 bộ phận linh kiện đến từ sản xuất trong nước.
Những mẫu xe Proton đầu tiên với tỉ lệ nội địa hóa chỉ 18%. (Ảnh: Proton).
Đến giữa năm 1989, tức chỉ sau 4 năm, tỉ lệ nội địa hóa trên mẫu xe của Proton đã tăng lên 69%, với hơn 453 linh kiện do Proton sản xuất, và hơn 35 bộ phận có nguồn gốc địa phương từ 56 nhà cung cấp trong nước.
Vào tháng 6/1989, Proton bắt đầu lắp ráp động cơ tại Nhà máy động cơ và truyền tải chuyên dụng của họ.
Việc xây dựng khu nhà máy mới được hoàn thành vào năm 2000.
Mẫu xe đầu tiên được sản xuất trong nhà máy mới. (Ảnh: Proton).
Nhà máy mới này được xây dựng liền kề với nhà máy Proton ban đầu, có chi phí lên tới 400 triệu USD và đã sản xuất mẫu xe đầu tiên có tên là Proton Waja.
Nhà máy được trang bị công nghệ phù hợp với các hoạt động lắp ráp hiện đại, như lắp ráp mô-đun và điều khiển đường tự động (ALC).
Sau đó, Proton đã triển khai xây dựng các khu phức hợp và mở rộng sản xuất.
Khu phức hợp Tanjung Malim của Proton lớn hơn năm lần so với khu phức hợp Shah Alam của họ, và được xây dựng với chi phí 1,8 tỉ USD Australia, được khánh thành vào năm 2004.
Khu phức hợp tại Tanjung Malim đã thuê 2.000 công nhân, nổi bật với 180 robot và có tỉ lệ tự động hóa lên tới 60%. Nó được coi là nhà máy sản xuất ô tô tiên tiến nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bên ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mẫu xe hơi hiện tại đang được sản xuất tại Khu phức hợp tại Tanjung Malim. (Ảnh: Proton).
Proton ban đầu được sở hữu phần lớn bởi HICOM, với cổ phần thiểu số được nắm giữ bởi các thành viên của Tập đoàn Mitsubishi.
Đến năm 2005, Mitsubishi đã thoái vốn cổ phần của họ tại Proton cho Khazanah Nasional. Vào năm 2012, Proton đã được DRB-HICOM mua lại hoàn toàn.
Năm 2017, DRB-HICOM đã bán 49,9% cổ phần của Proton cho Geely.
Hãng xe nội địa thứ hai của Malaysia có tên là Perodua, đang vận hành hai nhà máy sản xuất tại Malaysia, với tổng công suất tối đa hàng năm là 350.000 chiếc.
Nhà máy Perodua đầu tiên ở Serendah bắt đầu hoạt động vào năm 1994, sau đó được bổ sung bởi một nhà máy liền kề lớn hơn vào năm 2014. Công ty con Perodua Manufacturing (PMSB) điều hành các hoạt động tại nhà máy cũ, trong khi Perodua Global Manufacturing (PGMSB) vận hành nhà máy mới được xây dựng.
Nhà máy đầu tiên của Perodua bắt đầu hoạt động vào tháng 7/1994, với mẫu xe đầu tiên là Perodua Kancil 660cc.
Giống như Proton, Perodua được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ Nhật Bản trong giai đoạn phát triển ban đầu. (Ảnh: Perodua).
Giống như Proton, Perodua được hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ Nhật Bản trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Sản phẩm Perodua dựa trên Daihatsu, một hãng xe hơi Nhật Bản, nền tảng Engineered.
Vào tháng 12/2012, Perodua đã công bố kế hoạch cho một nhà máy hoàn toàn mới, sẽ được xây dựng liền kề với nhà máy ban đầu của họ ở Serendah.
Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 3/2013 và hoàn thành vào cuối năm 2014. Nhà máy Perodua mới được xây dựng với chi phí là 1,3 tỉ RM, được mô phỏng theo Daihatsu Motor Kyushu (DKC), nhà máy Nakatsu 2 tại Nhật Bản.
Việc Perodua mô phỏng nhà máy tại Nhật nhằm mục đích giảm tỉ lệ sai sót, lỗi trên các sản phẩm ô tô, và để tạo ra những hoạt động thân thiện với môi trường hơn.
Vào tháng 5/2014, Perodua và Daihatsu đã tiết lộ kế hoạch cho một nhà máy sản xuất động cơ hoàn toàn mới trị giá 600 triệu RM, sẽ được xây dựng tại Sendayan.
Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 10/2014 và đi vào hoạt động bắt đầu từ tháng 5/2016, đang tiến hành sản xuất động cơ 1NR-VE và 2NR-FE cho Perodua Bezza và Toyota Vios trên thị trường Malaysia.
Ngoài ra, Perodua có 10% cổ phần trong nhà máy sản xuất truyền dẫn Akashi Kikai (AKIM), cũng tại Sendayan. Nhà máy này đang cung cấp hộp số tay và tự động cho các mẫu xe hơi của Perodua.
Với những định hướng đúng đắn, ngành công nghiệp ô tô Malaysia tiếp tục đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước này.
Năm ngoái, ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp 4,2% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia.
Tăng trưởng chung vẫn tiếp tục, và mặc dù tổng khối lượng công nghiệp (TIV) trong năm 2018 đã vượt qua năm 2017, các lĩnh vực khác trong ngành vẫn cho thấy tiềm năng có thể phát triển lớn hơn, theo Viện ô tô, Robotics và IoT của Malaysia (MARii).
Trong số đó là lĩnh vực xuất khẩu linh kiện ô tô, đã đạt mức cao lịch sử 12,1 tỉ USD trong năm 2018, tăng đáng kể từ 4,7 tỉ RM được ghi nhận trong năm 2014.
Những giá trị đạt được của ngành công nghiệp ô tô Malaysia trong năm 2018. (Nguồn Marii).
Mặc dù tổng khối lượng công nghiệp (TIV) và tổng khối lượng sản xuất (TPV) tăng lên 603.664 đơn vị và 572.471 đơn vị tương ứng năm ngoái, cơ quan thương mại quốc tế và công nghiệp (MITI) cho rằng ngành công nghiệp ô tô Malaysia nên hướng ra ngoài, giảm sự phụ thuộc chính vào thị trường nội địa.
Hiện tại theo thống kê của Paultan, gần 50% xe ô tô bán ra tại Malaysia là của 2 thương hiệu nội địa nước này. Do đó có thể thấy, cả Proton và Perodua đã chiếm lĩnh được thị trường xe hơi trong nước lớn đến mức nào.
Năm ngoái, tổng cộng 64.839 việc làm đã được tạo ra trong ngành công nghiệp ô tô Malaysia, bao gồm cả trong lĩnh vực sản xuất và hậu mãi, mặc dù dự báo cho năm nay sẽ có con số thấp hơn một chút (59.942).
Thị phần các hãng xe tại Malaysia năm 2017, trong đó các hãng xe nội địa chiếm hơn 50%. (Ảnh: Paultan)
Malaysia cũng đang xúc tiến thành lập các dự án sản xuất pin lithium-ion , không chỉ cho thị trường ô tô, khi nó phát triển và mở rộng, ngành công nghiệp mới sẽ đưa Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực sản xuất pin lithium-ion, và mục tiêu là giúp Malaysia trở thành trung tâm sản xuất của khu vực trong lĩnh vực mới này.
Dự kiến trong năm nay, sáng kiến thử nghiệm sản xuất xe tự hành (AVTB) cũng như một trung tâm tương tác EV (EVIC) cùng một trung tâm nghiên cứu ứng dụng diesel sinh học cũng sẽ được triển khai tại Malaysia.
Ông Ong Kian Ming, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế của Malaysia, cho biết những kết quả trên là một tín hiệu rõ ràng, cho thấy rằng ngành công nghiệp ô tô được dẫn dắt bởi sự nỗ lực của chính phủ Malaysia, đang nổi lên như một đối thủ nặng kí trong thị trường khu vực và toàn cầu.