Việt Nam đang đàm phán với các nước về việc nối lại đường bay

Các bộ, ngành của Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng nước ngoài về khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam đang làm việc với các nước về việc nối lại đường bay - Ảnh 1.

Tàu bay của Eva Air (Đài Loan) và Jetstar Pacific Airlines tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngày 16/7/2020, tại cuộc họp báo thường kì của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi liên quan tới việc nối lại đường bay tới một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam đã bước đầu được kiểm soát, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Các bộ, ngành của Việt Nam đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng nước ngoài về khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về việc dự kiến nối lại đường bay tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) từ giữa tháng 7/2020 trên cơ sở đảm bảo tuân thủ phòng dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đang trao đổi với cơ quan chức năng các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên để thống nhất các vấn đề kĩ thuật bay, tần suất và lộ trình cụ thể.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam trước mắt sẽ ưu tiên các đối tượng đang được phép nhập cảnh hiện nay bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lí doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao và công vụ, cùng một số trường hợp đặc biệt khác.

Người nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện kiểm dịch y tế và thực hiện cách li phù hợp theo qui định về phòng chống dịch.

Việt Nam đang làm việc với các nước về việc nối lại đường bay - Ảnh 2.

Tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways - hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

Trong tuần này, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án tổ chức các đường bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên gồm Quảng Châu (Trung Quốc) - Đà Nẵng; Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội; Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) - TP Hồ Chí Minh; Vientiane (Lào) - Quảng Ninh; Phnom Penh (Campuchia) - Cần Thơ. 

Trong giai đoạn đầu, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không khai thác với tần suất chỉ 1 chuyến/tuần/chặng nhằm sử dụng hiệu quả nhân lực (phi công, tiếp viên) đang thực hiện các chuyến bay quốc tế giải cứu công dân do Bộ Ngoại giao xây dựng.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các bên tăng tần suất, số đường bay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các hãng hàng không tăng tần suất khai thác.

Theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến mỗi tuần sẽ có từ 2.500-3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ, không kể các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ các địa điểm khác trên thế giới vào Việt Nam chở từ 1.000-1.500 hành khách.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.