Việt Nam dự kiến có 400 - 500 sân golf đến năm 2030

Nhiều địa phương trên cả nước đã công bố quy hoạch sân golf thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Do đó, TS. Ngô Công Thành cho rằng cả nước có thể có 400 - 500 sân golf đến năm 2030.

(Ảnh minh họa).

Nghị định 52/2020 về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020. Theo nghị định này, nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf trong đó có việc tổ chức cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép,...

Tuy nhiên, Nghị định 52 cũng được đánh giá đã "cởi trói" cho việc đầu tư vào lĩnh vực golf với nhiều quy định thông thoáng hơn. Quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Cũng từ sau năm 2020, sẽ không có quy hoạch sân golf quốc gia.

Tại tọa đàm “Đầu tư ngành golf Việt Nam” diễn ra sáng 12/10, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau chính sách của Chính phủ về phát triển golf, mấy chục sân golf ở các địa phường ra đời. Đến thời điểm hiện tại, một doanh nghiệp có thể sở hữu 3 - 4 sân golf, thậm chí còn nhiều khu đất để tiếp tục phát triển golf tiếp.

"Bình Phước hiện chưa có sân golf nào và chúng tôi mong muốn có một sân golf ở đây. Khi đi các tỉnh miền núi, miền Trung hay Tây Nguyên, chúng tôi đều thấy có nhu cầu làm sân golf", vị này cho hay.

Ông Thắng cho biết thêm, một trong những bước tiến rất lớn trong quá trình phát triển golf ở Việt Nam là tư duy về sân golf của các lãnh đạo chính quyền. Các lãnh đạo từng cho rằng đi đánh golf là ăn chơi, mất thời gian, lãng phí,… nhưng giờ đây khi đến các địa phương thì các lãnh đạo, các doanh nhân đều nhắc đến golf như một môn thể thao.

Trong thời gian tới, để phát triển golf thành một ngành kinh tế, ông Thắng cho rằng cần có một nhận thức mới, một hành động mới trong việc đầu tư cũng như phát triển sân golf.

"Nhà nước cần có tầm nhìn lớn hơn về quy hoạch để làm sao có một bản đồ golf, để địa phương nào cũng có sân golf, để ai ai cũng muốn chơi golf. Đối với những vùng chưa phát triển, chính quyền cần có chính sách phù hợp hơn; còn với địa phương vùng sâu vùng xa có khách đến nhưng chưa có chính sách về sân golf cũng cần có những thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất", ông Thắng nhấn mạnh.

Còn theo nhận định của TS. Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư sân golf tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ bùng nổ vì ba lý do chính.

Một là hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đầu tư đối với ngành golf, bởi sau thời gian thuê đất 50 năm thì các nhà đầu tư sẽ được ưu tiên được thuê đất tiếp và đến một thời điểm thích hợp (nếu điều kiện thuận lợi) thì nơi đây sẽ biến thành các khu đô thị, khu công nghiệp.

Hai là bây giờ thủ tục đầu tư sân golf đã đơn giản hơn, không phải thông qua Thủ tướng hay các bộ. Dự án đã có trong quy hoạch sẽ được triển khai. Ba là nhu cầu chơi golf hiện nay đang tăng cao.

"Tôi cho rằng khả năng tới năm 2030, cả nước có thể đạt tới 400 - 500 sân golf. Cơ sở của khả năng này là hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước đã công bố quy hoạch sân golf và lộ trình rất rõ ràng", ông Thành nói.

Ông Thành dẫn chứng, Quảng Ninh hiện nay đang có 6 sân golf và dự kiến trong 5 - 7 năm tới sẽ làm thêm 16 sân golf mới; Hoà Bình đang có 5 sân golf đã có chủ trương phê duyệt và sẽ đầu tư thêm 16 sân nữa trong thời gian tới, như vậy tổng cộng tỉnh này sẽ có tới 21 sân golf.

Hay như tỉnh Hà Nam, tỉnh nhỏ thứ 2 tại Việt Nam cũng quy hoạch thành lập thêm 3 sân golf mới (loại 36 - 54 lỗ), cộng thêm một sân golf ở Kim Bảng thì tỉnh này sẽ có tổng cộng 4 sân golf.

Một số tỉnh thành khác cũng có quy hoạch xây dựng sân golf như Vĩnh Phúc dự kiến quy hoạch 40 dự án dịch vụ, du lịch, sân golf tập trung tại TP Phúc Yên và huyện Tam Đảo đến năm 2030, Bắc Giang quy hoạch làm 13 sân golf, Thái Nguyên quy hoạch làm 13 sân golf, Hải Dương quy hoạch làm 10 sân golf,...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.