Việt Nam nên loại bỏ bớt các chính sách ưu đãi thuế là một trong những khuyến nghị của ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế của Oxfam tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019 sáng 13/11. Oxfam là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số.
Chuyên gia này dẫn số liệu của OECD cho thấy ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại Việt Nam tương đương với khoản thất thu bằng 1% GDP. Điều này tương ứng với khoản thất thoát khoảng 50.000 tỉ mỗi năm - số tiền mà theo ông đủ để xây mới 25 bệnh viện 1.000 giường.
"Khi nguồn ngân sách thu thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên, hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục bị cắt giảm. Oxfam tin rằng Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia", chuyên gia này nói.
Ông Johan Langerock, chuyên gia Oxfam tại diễn đàn ngày 13/11. (Ảnh: VEPR).
Các chính sách ưu đãi thuế như giảm thuế suất cho doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), miễn thuế thu nhập cá nhân được Việt Nam cũng như nhiều nước xem là cách để thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo ông Johan Langerock, đây không chỉ là vấn đề ở cấp độ quốc gia như Việt Nam mà hiện có một cuộc đua xuống đáy khốc liệt về các sắc thuế cho doanh nghiệp trong khối ASEAN.
"Các công ty trong ASEAN đã và đang trả mức thuế suất ngày càng thấp trong thập kỉ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn với cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích, trong khi các dịch vụ công thiết yếu cho người dân thường chưa được đầu tư phát triển đúng mức", chuyên gia của Oxfam cho hay.
Ngoài bỏ một số ưu đãi thuế, khuyến nghị thứ hai Oxfam gửi tới Việt Nam với vai trò chủ tịch ASEAN trong năm 2020 là bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực.
Nêu quan điểm về các vấn đề này sau đó, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, các ưu đãi thuế 10 năm gần đây đã giảm rất mạnh, các điều chỉnh đều dựa trên việc rà soát ưu đãi thuế trước đây.
Còn ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đặt câu hỏi: "Nếu 10-20 năm trước không có các ưu đãi này, liệu có doanh nghiệp nào đầu tư vào Việt Nam? Và nếu họ không đầu tư thì Việt Nam liệu có đạt được các chỉ tiêu kinh tế như hiện nay".
Bởi vậy, ông Thành cho rằng, vấn đề ưu đãi thuế sẽ có 2 mặt. Trong đó một là gây giảm thu ngân sách, nhưng cũng là chi phí cơ hội bởi nếu không có ưu đãi sẽ không thu hút được nhà đầu tư và Việt Nam khó đạt các mục tiêu tăng trưởng cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Để tăng nguồn thu ngân sách, bên cạnh những giải pháp về chi tiêu, quản lí thuế, Thạc sĩ Hồ Ngọc Tú, Ban Chính sách công, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đề cập tới thuế tài sản. Việc chưa áp dụng thuế này theo ông, dẫn đến một phần nguồn thu tiềm năng bị bỏ qua và những người thu nhập cao, có nhiều tài sản chưa phải chịu gánh nặng về thuế.
"Việc nghiên cứu để áp dụng thuế tài sản hiện nay là hoàn toàn đúng đắn nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo tính công bằng trong quản lí thuế. Đây là sắc thuế mang tính chất lũy tiến, tức là người càng có nhiều tài sản là nhà đất sẽ phải nộp nhiều tiền thuế hơn", chuyên gia này nói.