Ngày 4/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì kì họp lần thứ 42, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.
Với sự chứng kiến của hai vị Thủ tướng, Việt Nam và Lào đã kí kết hàng loạt hợp đồng liên quan đến ngành điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kí liên tiếp hai hợp đồng mua bán điện. Với Công ty TNHH Năng lượng Chạ-lơn Sê-kông là hợp đồng mua bán điện đối với các Nhà máy thủy điện Nặm Kong 2,3 và Nam E-Moun.
Cụ thể, từ năm 2022, EVN sẽ mua điện tại Nậm Emoun và Nậm Kông 3 gần 632 triệu kWh mỗi năm. Riêng dự án Nậm Kông 2 sẽ bắt đầu cấp điện cho Việt Nam từ năm sau, với sản lượng mỗi năm hơn 263 triệu kWh.
Với Tập đoàn Phông-sắp-thạ-vi, EVN sẽ mua tổng sản lượng điện hơn 596 triệu kWh mỗi năm với Nhà máy thủy điện Nặm San 3A và Nặm San 3B thuộc cụm Nhà máy thủy điện Nặm Mô. Việc mua điện sẽ bắt đầu từ năm 2022.
Sau khi hợp đồng đi vào thực tiễn, tổng cộng, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập gần 1,5 tỉ kWh điện từ Lào, để đảm bảo cung ứng điện, bên cạnh các nguồn điện trong nước. Chủ trương mua điện trên đã được Thủ tướng chấp thuận trong năm vừa 2019. Việc đàm phán các hợp đồng mua bán điện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, lượng điện thiếu hụt sẽ lên đến 3,7 tỉ kWh vào năm sau. Con số này sẽ tăng lên gần 10 tỉ kWh trong năm 2022. Đến năm 2023, Việt Nam đối mặt với bài toán 15 tỉ kWh điện bị thiếu hụt. Lãnh đạo Bộ từng chia sẻ với báo chí, khả quan nhất, cả nước chỉ có thể tiết kiệm 5-8% điện, nên chỉ còn cách bù nguồn điện hiện thời là mua thêm từ Lào, Trung Quốc.
Theo lộ trình, lượng điện thiếu hụt sẽ giảm xuống còn 7 tỉ kWh vào năm 2024 và 3,5 tỉ kWh vào năm 2025. Nhưng, Bộ Công Thương xác định rõ việc nhập khẩu điện từ các nước lân cận chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án năng lượng lớn trong nước.
Ngoài ra, biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư nghiên cứu phát triển nhà máy điện than 2.000 MW tỉnh Khammouan, Lào giữa Công ty TNHH Quản lý đầu tư xây dựng HT và Công ty TNHH Phát triển điện lực và bất động sản Lạn-xạng, cũng được kí kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới và khu vực năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp, hai nước Việt - Lào đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ngày càng phát triển.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước, bày tỏ tin tưởng kì họp sẽ tạo ra động lực mới cho quan hệ hai nước.
Hai bên hài lòng về kết quả triển khai chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế có nhiều tiến triển tích cực, trở thành điểm sáng trong quan hệ, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 vượt mốc 1 tỉ USD, đạt 1,2 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái.
Việt Nam tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào, với gần 430 dự án và tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ USD. Một số dự án kết nối giao thông chiến lược đang được tích cực triển khai.
Việt Nam và Lào cũng sẽ phối hợp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2020 tăng ít nhất 10-15%. Hai nước láng giếng cũng tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa 2 nền kinh tế, đặc biệt trong hợp tác giao thông, năng lượng, quản lí sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên,…