Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết doanh nghiệp đã phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Trong tháng 10, EVN đã huy động khoảng 400 triệu kWh điện chạy dầu, gồm các tổ máy của Ô Môn, Cà Mau, Thủ Đức, Phú Mỹ 21, Phú Mỹ 1, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2.
Dự kiến 2 tháng cuối năm, EVN sẽ tiếp tục huy động 1,45 tỉ kWh điện chạy dầu. Nếu tính lũy kế năm 2019, tổng sản lượng dầu dự kiến sẽ huy động là 2,57 tỉ kWh. Nhưng EVN cam kế đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cuối năm 2019.
Trong thông báo phát đi ngày 13/11, EVN không cho biết mức giá cụ thể của việc phát điện chạy đầu, mà chỉ nói rằng: "Đây là nguồn điện có chi phí rất cao".
Tuy nhiên, trong các thông báo trước đó, EVN từng nhắc đến mức giá của nguồn điện này. Giá điện chạy dầu có thể lên đến 5.000 đồng/kWh. Như vậy, ước tính, tổng số tiền bỏ ra để huy động 2,57 tỉ kWh điện chạy dầu khoảng 12.850 tỉ đồng.
"Đối với năm 2020, tính toán cân bằng cung cầu điện đến nay cho thấy, việc cung cấp điện vẫn có thể được đảm bảo, nếu không có những yếu tố cực đoan, bất thường. Tuy nhiên, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể ở mức rất lớn, lên tới 8,6 tỉ kWh", đại diện EVN cho biết.
Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết nguyên nhân của việc phải huy động nguồn phát điện chạy dầu giá cao là sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm mạnh, do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kì nhiều năm.
Mực nước chết trên nhiều hồ thủy điện là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung năng lượng. (Ảnh: EVN).
Trong khi một số hồ thủy điện ở miền Nam và Tây Nguyên có lưu lượng nước tương đương trung bình nhiều năm thì nhiều hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ đến nay nước về vẫn thấp hơn rất nhiều so với các năm trước, bất chấp gần đây có 2 cơn bão số 5 và số 6 gây mưa diện rộng.
EVN dẫn chứng mực nước hồ Lai Châu thấp hơn 10,5 mét so với năm 2018; hồ Sơn La thấp hơn 15,7 mét; hồ Hòa Bình thấp hơn 8,2 mét; hồ Hủa Na thấp hơn 12,3 mét; hồ Cửa Đạt thấp hơn 11,2 mét…
Tổng sản lượng điện huy động từ thủy điện 2 tháng cuối năm dự kiến chỉ đạt 10,6 tỉ kWh, thấp hơn 2,4 tỉ kWh so với kế hoạch năm. Ước tính cả năm 2019, tổng sản lượng thủy điện chỉ đạt 65,3 tỉ kWh, thấp hơn 9,9 tỉ kWh so với kế hoạch năm.
Ngoài thủy điện, việc cung ứng than cho phát điện cũng đang gặp nhiều khó khăn, nguồn khí trong nước suy giảm. Công suất các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và gió chỉ chiếm khoảng 2,5%.
EVN cho biết doanh nghiệp đã tập trung huy động cao sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đồng thời huy động cả những nguồn điện chạy dầu giá cao, đảm bảo cung đủ cho 2 tháng cuối năm.
Cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan liên quan, về tình hình thiếu điện các năm tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa".
Theo đó, giai đoạn 2019-2020, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.
Bộ trưởng Công Thương cho biết thiếu điện nhiều nhất vào năm 2023. (Ảnh: Thanh Niên).
Các năm 2021-2025, dù phải huy động tối đa nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải, và sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam, với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022).
Bộ Công Thương dự báo mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023, với khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ kWh năm 2025.
Tuy nhiên, các dự án trọng điểm về cung cấp điện hiện nay đang chậm tiến độ, tiếp tục gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đời sống dân sinh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lí, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lí ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.
Trong trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì cần giải pháp thay thế. Nếu nhập khẩu điện thì phải tính được ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối... Nếu sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu quan điểm không được để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt. Bộ Công Thương có nhiệm vụ phải đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm, đặc biệt là các dự án lớn đang chậm tiến độ.
Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định về việc lãnh đạo đơn vị hoặc cơ quan nào không đảm bảo nguồn cung điện thì sẽ mất chức.