Bộ Công Thương họp khẩn đối phó với nguy cơ thiếu điện

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu không được chậm trễ hơn được nữa việc thi công, hoàn thiện tại các dự án điện trọng điểm. Trường hợp không đáp ứng được về tiến độ, nếu nhập khẩu điện thì phải tính trước nguồn nhập và giá cả. "Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Vừa kết thúc phiên chất vấn Quốc hội với các vấn đề của nóng ngành công thương, trong đó nổi bật là tình trạng thiếu điện hiện hữu ngay trong năm 2019, Bộ Công Thương đã triệu tập cuộc họp khẩn đánh giá hiện trạng và đưa ra giải pháp cấp bách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm.

Tại cuộc họp khẩn hôm qua, 11/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: "Tình hình đang rất cấp bách, và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa".

Thiếu điện cao nhất vào năm 2023

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023, nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn.

IMG_7724

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo người đứng đầu ngành công thương, nguyên nhân là điều kiện thời tiết bất lợi và cực đoan, các thuỷ điện không đủ tích nước, khiến Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp.

Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ phải nhập 20 triệu tấn than và tăng lên 35 triệu tấn vào 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.

Các năm 2019-2020, hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do gần như không có dự phòng nguồn điện nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.

Các năm 2021-2025, dù phải huy động tối đa nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải, và sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỉ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỉ kWh (năm 2022).

Bộ Công Thương dự báo mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023, với khoảng 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỉ kWh năm 2024 và 3,5 tỉ kWh năm 2025.

"Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ"

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn thừa nhận thời gian qua còn nhiều dự án chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đến đời sống dân sinh. Điều này đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra tại phiên chất vấn hôm 6-7/11.

Ông yêu cầu các các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lí, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lí ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.

v-15565153254151843911149-crop-1556515330511470291289

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nếu các dự án điện không kịp tiến độ, có thể tính toán phương án nhập khẩu. (Ảnh: EVN).

Đồng thời, các đơn vị phải đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu. 

Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì giải pháp thay thế là gì. 

Nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối thế nào.

Nếu sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu, có những vướng mắc khó khăn hay cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách gì…

Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Uỷ ban quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung giải quyết vướng mắc, nhất là về vốn, nguồn ngoại tệ.

"Bộ Công Thương sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về nguy cơ thiếu điện, đưa ra các giải pháp về cơ chế để giải quyết. Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thủ tướng: Cách chức lãnh đạo cơ quan để xảy ra thiếu điện

Kết thúc 3 ngày chất vấn trước Quốc hội, chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải trình thêm về vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm về tình hình thiếu điện trong các năm tới.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là không được để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Để làm được điều đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải đẩy nhanh các dự án điện trọng điểm, không được để chậm trễ nữa, đặc biệt là các dự án lớn.

"Tôi từng nói lãnh đạo đơn vị nào, cơ quan nào không đảm bảo nguồn cung điện thì sẽ mất chức chứ không bình thường. Tôi yêu cầu thực hiện đúng nhiệm vụ mà Thủ tướng giao, không để nước tới chân mới nhảy, không để thiếu điện. Chúng ta phải xây dựng nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đảm bảo cơ cấu nguồn điện cho phát triển. Điện hiện nay không chỉ là kinh tế mà ảnh hưởng rất nhiều mặt đời sống.

Theo đó, các cơ quan phụ trách phải đảm bảo chất lượng điện, đặc biệt là mức độ an toàn về điện cho người dân sử dụng hiệu quả, đảm bảo lợi ích quốc gia, đưa ra mức giá rẻ cho người tiêu dùng.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.