Sở hữu chuỗi bán lẻ với hàng nghìn cửa hàng từ điện thoại, điện máy đến bách hóa, Thế Giới Di Động đang ôm khối nợ hơn 21.000 tỉ đồng

Tính đến cuối tháng 9/2019, tổng nợ phải trả của Thế Giới Di Động là 21.064 tỉ đồng, tăng 1.925 tỉ so với cuối năm 2018. Trong đó, tổng vay ngắn và dài hạn là 10.034 tỉ đồng, tăng gần 3.000 tỉ đồng.

Ngoài kết quả kinh doanh được báo cáo rất thuận lợi với 77.763 tỉ đồng doanh thu thuần hợp nhất, lãi ròng tăng 36% chạm mốc 3.000 tỉ đến hết tháng 9/2019, báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) còn hé lộ một bức tranh khác về "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài, trong đó có con số nợ nghìn tỉ. Theo báo cáo, Thế Giới Di Động đang có khoản nợ lên đến 21.064 tỉ đồng. Nợ 9 tháng đầu năm đã vượt con số tổng nợ của cả năm tài chính 2018.

Nợ ngắn hạn của Thế Giới Di Động gần 20.000 tỉ đồng

Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ của Thế Giới Di Động là 21.064 tỉ đồng, tăng 1.925 tỉ so với cuối năm ngoái. 

img7338-2-15678289584501787478256-2

Sở hữu chuỗi bán lẻ với hàng nghìn cửa hàng, Thế Giới Di Động cũng đang ôm khối nợ hơn 21.000 tỉ đồng. (Ảnh: P.Minh).

Khoản nợ này chủ yếu là nợ ngắn hạn, với 19.943 tỉ đồng, tăng 2.014 tỉ đồng. Đáng chú ý, giá trị vay ngân hàng ngắn hạn chiếm đến 8.913 tỉ đồng, tương đương gần 50% tổng nợ ngắn hạn. 

So với cuối năm ngoái, nợ vay ngắn hạn của Thế Giới Di Động trong 9 tháng đầu năm 2019 đã tăng thêm đến 3.077 tỉ đồng, tương đương mức tăng 53%.

Hiện Thế Giới Di Động đang có khoản vay ngắn hạn tại 13 ngân hàng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là HSBC Việt Nam, với 1.778 tỉ đồng . Cùng với HSBC Việt Nam, có 3 ngân hàng cho Thế Giới Di Động vay trên 1.000 tỉ là Sumitomo Mitsui Banking Corporation với 1.249 tỉ đồng, Mizuho Bank với 1.144 tỉ đồng và ANZ Việt Nam với 1.017 tỉ đồng. 

Tổng nợ vay của 4 ngân hàng trên là 5.188 tỉ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài còn có một loạt khoản vay tại các ngân hàng trong nước như Vietcombank, BIDV, MBBank…

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-13 lúc 11

Nhóm ngân hàng cho Thế Giới Di Động vay hàng nghìn tỉ đến hết tháng 9/2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong khi đó, báo cáo thể hiện nợ dài hạn của Thế Giới Di Động giảm nhẹ từ 1.210 tỉ đồng xuống còn 1.121, tương đương mức giảm 7%. Toàn bộ khoản nợ này đều đến từ các khoản vay dài hạn, là trái phiếu phát hành cho các công ty bảo hiểm và chứng khoán.

Như vậy, tổng nợ vay của Thế Giới Di Động đến hết tháng 9 lên đến 10.034 tỉ đồng, tăng 2.990 tỉ so với cuối năm tài chính 2018, tương đương mức tăng 42%. Tổng nguồn vay này chiếm 47,6% số nợ phải trả và 31% tổng nguồn vốn của Thế Giới di Động.

Dù nợ tăng gần 2.000 tỉ so với đầu năm 2019, lên 21.064 tỉ đồng, nhưng tổng vốn của Thế Giới Di Động trong 3 quý đầu năm cũng tăng cao, lên 32.353 tỉ đồng, tức tăng 15% so với đầu năm, tương đương với 4.231 tỉ đồng. Nếu so với vốn chủ sở hữu đạt 11.300 tỉ đồng thì nợ tại doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đã gần gấp đôi mức vốn chủ sở hữu.

Thế Giới Di Động "đốt tiền" cho mở rộng chuỗi

Tổng nợ vay của Thế Giới Di Động tăng nhanh có thể lí giải bằng việc doanh nghiệp này liên tục mở rộng cửa hàng thuộc các hệ thống bán điện thoại thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh từ đầu năm đến nay.

Tính đến cuối tháng 9, tổng số điểm bán thuộc các chuỗi khác nhau của Thế Giới Di Động đã lên 2.706 cửa hàng, tăng 522 cửa hàng so với cùng kì năm ngoái. 

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-13 lúc 11

Chuỗi Bách Hoá Xanh đang có tốc độ mở rộng nhanh nhất. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tốc độ mở rộng chuỗi trong năm 2019 cũng có sự khác nhau. Theo đó, mảng ra đời sau cùng là Bách Hóa Xanh chuyên về thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng đang có tốc độ tăng nhiều nhất. 9 tháng qua đã có thêm đến 379 cửa hàng, cán mốc 788 điểm kinh doanh.

Hệ thống các cửa hàng kinh doanh điện thoại và điện máy (thegioididong.com, Điện Máy Xanh, tính luôn các cửa hàng Điện thoại Siêu rẻ vừa mở), có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. 9 tháng qua mới tăng 143 cửa hàng. Do đã được chú trọng đầu tư trước đó nên đến cuối tháng 9, tổng điểm bán của 2 chuỗi này đạt 1.918 cửa hàng.

Quý III/2019 được xem là quý có tốc độ mở rộng kỉ lục của Thế Giới Di Động. Có tới 257 cửa hàng mới phát triển chỉ trong 3 tháng, trung bình mỗi ngày có đến gần 3 cửa hàng được mở mới.

Với tốc độ mở rộng chuỗi thuộc hạng "khủng" so với các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ, điện máy và hàng tiêu dùng, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp của Thế Giới Di Động tăng mạnh cũng là điều dễ lí giải. 

bhx-1553509755690296553737-crop-1553509762346973405921-15643879185381097517293-15666398287881473219856

TGDĐ đang muốn tiếp tục mở chuỗi Bách Hoá Xanh. (Ảnh: Phúc Minh).

Tỉ lệ hai loại chi phí này trên doanh thu tăng từ mức 10% năm 2014 lên 13% năm 2018. Đáng chú ý, quý III/2019, tỉ lệ chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp trên doanh thu thuần của MWG đã tăng vọt lên 15,3%.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng thừa nhận nguyên nhân là tốc độ mở rộng chuỗi quá nhanh. Các cửa hàng mới cần được chuẩn bị nguồn lực đầy đủ trước khi khai trương, nhưng không kinh doanh đủ tháng, nên tỉ lệ chi phí vận hành trên doanh thu của các cửa hàng này trong tháng khai trương cao hơn các cửa hàng đã hoạt động ổn định. 

Tiếp tục "đốt tiền" mở chuỗi, Thế Giới Di Động có giảm được nợ vay?

Trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư vừa diễn ra tháng 10/2019 tại TP HCM, CEO Thế Giới Di Động - ông Trần Kinh Doanh, cho biết số lượng điểm kinh doanh toàn hệ thống hiện nay vẫn chưa phải là con số mà doanh nghiệp mong muốn.

Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục mở rộng các điểm kinh doanh, chú trọng nhất là nhân rộng chuỗi Bách Hóa Xanh ra phạm vi cả nước. Thời gian qua, đây cũng là ưu tiên số 1 của doanh nghiệp.

img6940-1565332859288864042651-3

Cửa hàng Điện thoại siêu rẻ 20 m2 của TGDĐ. (Ảnh: Phúc Minh).

Việc tăng cường mở rộng hệ thống nhằm thực hiện mục tiêu trở thành một "đế chế" bán lẻ không chỉ tại Việt Nam mà còn có tên tuổi trên thế giới, như mong muốn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, rất có thể khiến khoản nợ vay của Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Ngoài "đốt tiền" vào 3 chuỗi hiện có là thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh, trong quý III/2019, Thế Giới Di Động cũng cho thấy tham vọng trong việc muốn thâu tóm các thị trường và phân khúc khác như điện thoại siêu rẻ, đồng hồ, mắt kính, trung tâm laptop…

Các mô hình mới này chỉ trong giai đoạn thử nghiệm và lãnh đạo doanh nghiệp cũng thừa nhận chưa mang lại hiệu quả tốt trong giai đoạn đầu.