Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư lí tưởng, an toàn trong mắt nhà đầu tư Mỹ

Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, sản xuất công nghệ cao… Đây đều là những lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành nơi đầu tư lí tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón tại Việt Nam

Ngày 18/11, Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2020 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ và hành trình phía trước" do Bộ Công thương, UBND TP HP HCM và Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phối hợp tổ chức đã diễn ra tại TP HCM.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển hướng quan tâm hơn tới Việt Nam để phát triển chuỗi mô hình cung ứng mới. 

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành nơi đầu tư lí tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Theo số liệu thống kê lũy kế đến tháng 9 năm nay, Mỹ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ về vốn FDI tại Việt Nam, với 1.063 dự án trong hơn 20 lĩnh vực, tổng vốn đăng kí là 9,4 tỉ USD.

Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam, như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G...

Ông Hải cho rằng đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy trao đổi về những vấn đề phát triển thương mại chiến lược quan trọng trong tương lai.

Đồng thời đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn. 

"Với thế mạnh về công nghệ, tài chính cũng như kinh nghiệm quản lí, các nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón tại Việt Nam, đặc biệt là hoạt động đầu tư tại các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo; các lĩnh vực liên quan đến sản xuất phục vụ xuất khẩu, logistics...", Thứ trưởng khẳng định.

mỹ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Như Huỳnh).

Đồng quan điểm, bà Marie Damour, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM nhấn mạnh, với tốc độ phát triển vượt bậc những năm qua của Việt Nam, cơ hội đầu tư của nhà đầu tư Mỹ cũng trải rộng ở tất cả ngành nghề, từ chăm sóc sức khỏe, hàng không, đến nông nghiệp, giáo dục. 

Trong đó, 4 lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất là năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và sản xuất công nghệ cao.

“Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, sản xuất công nghệ cao… Đây đều là những lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ của hai bên", bà Marie Damour nhấn mạnh.

Kêu gọi doanh nghiệp chủ động hợp tác đầu tư

Còn theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm, TP HCM là địa phương có lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất cả nước. 

Năm 2019, xuất khẩu của thành phố vào Mỹ đạt hơn 6,7 tỉ USD, tăng 23%; trong 11 tháng của năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu cũng đạt 6,1 tỉ USD, tăng hơn 1 % so với cùng kì. 

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố vào Mỹ bao gồm: dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử, sản phẩm gỗ, túi xách…

Và thành phố đang chú trọng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ trong việc triển khai 3 đề án lớn, gồm đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông và trung tâm tài chính quốc tế. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đang mời gọi doanh nghiệp Mỹ tham gia hiện thực hóa tầm nhìn, đưa TP HCM trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực.

Việt Nam sẽ trở thành nơi đầu tư lí tưởng, an toàn trong mắt nhà đầu tư Mỹ - Ảnh 2.

Toàn cảnh Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ năm 2020 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ và hành trình phía trước". (Ảnh: Như Huỳnh).

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, về bản chất, nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. 

Hiện Mỹ nhập khẩu lượng lớn sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại, thiết bị điện tử. 

Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, công nghệ nguồn, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu... từ Mỹ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh của nền kinh tế.

Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi và cùng Mỹ nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Mỹ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu sang Mỹ. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thiết lập Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (Washington DC) và các Chi nhánh tại San Francisco (California), tại Houston (Texas) và Trung tâm Xúc tiến thương mại đặt tại TP New York. 

Các cơ quan này đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối với các đối tác tại địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh tại thị trường Mỹ.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.