Trong bảng danh sách này, ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã có bước nhảy vọt “vượt mặt” Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - vốn chiếm giữ ngôi đầu bảng trong suốt thời gian dài - để trở thành đại học châu Á có thứ hạng cao nhất.
Đây cũng là lần đầu tiên một trường đại học của Trung Quốc bước lên ngôi vị cao nhất của bảng xếp hạng.
Top 10 trường đại học trong khu vực châu Á năm 2019
Về tổng thể, các trường của Trung Quốc cũng đang thể hiện xu thế đi lên ngày càng mạnh mẽ. Trung Quốc có 72 trường đại học lọt vào danh sách xếp hạng của Times Higher Education, tăng lên so với con số 63 trường của năm ngoái.
Tuy nhiên với bảng xếp hạng năm 2019, một lần nữa Nhật Bản là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội với 103 trường đại học, cao hơn con số 89 trường của năm 2018
Đặc khu kinh tế Hong Kong cũng ghi nhận thành công với 3 trường đại học lọt vào top 10, nhiều hơn bất cứ một vùng lãnh thổ hay đặc khu nào khác. Hong Kong cũng có 6 trường đại học lọt top 70.
Lần đầu tiên, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong lần đầu tiên dẫn đầu khu vực (xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng), thay thế cho Đại học Hồng Kông (xếp thứ 4).
Singapore là quốc gia nổi bật ở Đông Nam Á khi có 2 trường lọt vào top 10 là Đại học quốc gia Singapore (xếp thứ 2) và Đại học Công nghệ Nanyang (xếp thứ 6)
Ngoài ra, tại khu vực Đông Nam Á, các trường đại học hàng đầu quốc gia ở Indonesia, Malaysia đều có thứ hạng tăng. Chẳng hạn, Đại học Malaysia lần đầu xuất hiện trong top 40, leo 8 bậc lên vị trí thứ 38, trong khi Đại học Indonesia hiện xếp thứ 133, tăng lên từ top 201-250.
Không trường đại học nào của Việt Nam có mặt trong danh sách xếp hạng của tạp chí Times Higher Education.
Bảng xếp hạng năm nay bao gồm hơn 400 trường đại học của 27 quốc gia và khu vực, tăng hơn so với con số 350 trường đại học của bảng xếp hạng năm ngoái.
Bảng xếp hạng sử dụng 13 tiêu chí thẩm định, bao gồm 5 khía cạnh: giảng dạy, nghiên cứu, trích dẫn, tầm nhìn quốc tế và thu nhập ngành nghề.
Bảng xếp hạng Đại học Giáo dục Đại học châu Á 2019 sử dụng cùng 13 chỉ số hiệu suất như Bảng xếp hạng Đại học Thế giới, nhưng được tính lại để phản ánh các thuộc tính của các tổ chức châu Á.
Hiện nay trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng đại học, theo các tiêu chí và tính toán khác nhau. Bảng xếp hạng THE được đánh giá là nổi tiếng và uy tín hơn cả.
Trong một hội thảo về xếp hạng đại học ở Việt Nam đầu năm 2018, một số trường đại học như Duy Tân, Tôn Đức Thắng cho biết họ quan tâm với việc tham gia vào bảng xếp hạng này. Hiện tại, các trường đại học Việt Nam tham gia vào bảng xếp hạng QS.
Trước khi có bảng công bố xếp hạng năm 2019, đã xuất hiện thông tin tổ chức này vẫn đưa ra danh sách một số trường ở Việt Nam mà sinh viên nên theo học.
Các trường bao gồm: ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Cần Thơ, Đại học Duy Tân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong số các trường này, Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã từng lọt vào top 101-200 trong số 462 trường tham gia trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2019. Bảng xếp hạng này dựa theo tiêu chí đánh giá về sự ảnh hưởng của các trường đại học đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu.
THE Impact Rankings lại là bảng xếp hạng hoàn toàn mới của THE. 2019 là năm đầu tiên bảng xếp hạng này được áp dụng, dựa trên dữ liệu do các trường chủ động gửi về.
THE Impact Rankings hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals: SDGs) theo chuẩn của Liên Hợp Quốc. Bảng xếp hạng này gồm 11 tiêu chí SDGs (trong tổng số 17 SDGs theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc)