Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu thuần giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 952 tỷ đồng.
Trong kỳ, Vinaconex ghi nhận gần 452 tỷ đồng lãi chuyển nhượng từ các công ty thành viên, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 27%. Bên cạnh đó, công ty còn có khoản lãi 43 tỷ đồng (cùng kỳ là 26 tỷ) từ tiền gửi cho vay.
Cũng trong quý, doanh nghiệp tiết giảm được 77% tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Do đó tính chung quý I, Vinaconex báo lãi sau thuế 345 tỷ đồng, gấp gần 5,4 lần kết quả cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận 341 tỷ đồng.
Theo giải trình, lợi nhuận quý I tăng chủ yếu do công ty thu được lợi nhuận cao từ việc chuyển nhượng khoản vốn đầu tư tại một số công ty con.
Cụ thể, ngày 7/1, Vinaconex đã chuyển nhượng 17,4 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (NEDI2, mã: ND2), giảm tỷ lệ sở hữu từ 73,24% xuống 38,24%. Nếu ước tính theo giá ND2 đóng cửa phiên 7/1 tại 29.000 đồng/cp, thương vụ này có giá trị khoảng 508 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 3, Vinaconex đã thoái toàn bộ 4,9 triệu cổ phần, tương ứng 70% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (Vinahud, mã: VHD) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Năm 2021, Vinaconex đặt mục tiêu 12.230 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, tăng 41% so với thực hiện năm 2020 nhưng dự kiến lãi sau thuế giảm 40% còn 1.008 tỷ đồng.
Như vậy kết thúc quý I, công ty đã thực hiện 8% và 34% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vinaconex tăng 1.888 tỷ đồng lên 21.497 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng đã giảm 42% còn 1.890 tỷ, bằng 8% tổng tài sản.
Chiếm 45% cơ cấu tổng tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 31% so với đầu năm, trong đó phần lớn là khoản phải thu từ các công ty liên kết.
Đáng chú ý, Vinaconex ghi nhận mức nợ xấu hơn 2.644 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi khoảng 1.068 tỷ đồng.
Cuối kỳ, nợ phải trả trên tổng nguồn vốn là 0,64 lần, trong khi đầu năm là 0,58 lần. Mức tăng của nợ phải trả chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng 1.218 tỷ đồng.
Tổng nợ đi vay của công ty ghi nhận hơn 4.574 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, trong đó vay trái phiếu hơn 693 tỷ đồng. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu huy động tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu để phục vụ hoạt động kinh doanh, tăng quy mô vốn.
Tính đến ngày 31/3, vốn điều lệ của Vinaconex là 4.417 tỷ đồng. Theo kế hoạch thông qua năm nay, công ty dự kiến tăng vốn lên 5.000 tỷ thông qua chào bán gần 58,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm cuối I là 2.488 tỷ đồng, tăng 331 tỷ so với ngày 1/1 đầu năm.