Liên quan đến tình trạng taxi đội lốt “chặt chém”, chiếm đoạt tiền của du khách nước ngoài tại khu vực trung tâm TP.HCM mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, các đơn vị liên quan đang vào cuộc để dẹp bỏ tình trạng này.
Cụ thể, thanh tra giao thông, trật tự đô thị, công an đã rà soát các taxi đội lốt, nâng khống cước, xử lý taxi dừng đỗ sai quy định.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, tình trạng taxi dỏm đội lốt các hãng taxi nhằm trộm cắp, nâng khống giá cước hoặc dùng các thủ đoạn khác chiếm đoạt tiền của du khách nước ngoài làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh TP.HCM, làm phức tạp thêm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các quận trung tâm.
Các taxi đội lốt nhắm vào du khách nước ngoài vì họ không phân biệt được taxi dỏm, tập trung ở khu vực chợ Bến Thành, đường Hàm Nghi, Công viên 23-9 (quận 1), các cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, rồi các bến xe, bến cảng, các địa chỉ du lịch, khách sạn, quán bar.
Có tài xế taxi bị cho nghỉ việc, móc nối tài xế taxi các hãng hoặc thuê xe giả dạng taxi đi kiếm ăn.
Riêng hãng taxi Vinasun, từ tháng 3/2017 đến nay đơn vị này ghi nhận có đến 22 trường hợp du khách phản ánh bị tài xế taxi giật ví, giật tiền, trộm cắp, nâng khống giá cước, “chặt chém” du khách.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh nhật ký hành trình, app của hãng, rà soát biển số, số hiệu… mà du khách phản ánh, đa số trường hợp không phải xe của Vinasun.
Lực lượng thanh tra giao thông xử lý tài xế dừng, đỗ sai quy định. (Ảnh: N.TÂN) |
Tài xế taxi dỏm tráo tờ 500.000 đồng của du khách thành tờ 20.000 đồng còn vu vạ “You Alibaba”. (Ảnh: NGUYỄN TÂN )(Ảnh cắt từ clip) |
“Tình hình trên ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu taxi chính thống nói chung, đặc biệt nó làm vẩn đục hình ảnh về văn hóa kinh doanh của TP.HCM, cần sớm tìm cách để dẹp bỏ” - ông Hỷ nói.
Theo ông Hỷ, từ năm 2016, thông qua Hiệp hội Taxi TP.HCM, hãng cùng thanh tra giao thông ghi hình taxi mù và cơ quan chức năng đã xử lý.
Hãng cũng từng kiện các cá nhân nhái taxi ra tòa yêu cầu chấm dứt việc giả danh, bồi thường thiệt hại.
Gần đây, hãng còn lập danh sách những trường hợp khách hàng khiếu nại bị cướp tiền, tài sản, bị lấy cước quá cao, thậm chí bị hành hung và báo cáo với công an, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch, Sở GTVT để các cơ quan này xử lý, thông báo cho người nước ngoài cảnh giác.
“Mỗi khi có khách phản ánh, chúng tôi đều kiểm tra, trả lời cho khách, thậm chí cho khách nhận dạng nhưng họ vẫn không tin chúng tôi cũng là nạn nhân” - ông Hỷ nói.
“Với tư cách doanh nghiệp, tôi đương nhiên phản đối việc taxi dỏm làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của Vinasun.
Với tư cách công dân, tôi mong cơ quan chức năng dẹp vấn nạn tồn tại từ lâu này để tránh gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh TP.HCM thân thiện, nghĩa tình mà chúng ta đang ra sức xây dựng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho TP.HCM” - ông Hỷ nói.
Phản cảm, ảnh hưởng hình ảnh TP.HCMVới những thông tin taxi dỏm tráo tiền, nâng giá màPháp Luật TP.HCM phản ánh, ông Nguyễn Minh Lý, Chánh Thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, cho hay đây cũng là một thực trạng mà ngành du lịch TP đang phải đối diện. “Những hình ảnh phản cảm này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ của ngành du lịch” - ông nói. Theo ông Lý, Sở cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Sở GTVT, Công an TP, UBND quận 1, Công ty Dịch vụ công ích quận 1 trong việc tuần tra, xử lý vi phạm để đảm bảo cho các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, khi nhác thấy lực lượng chức năng, họ chạy mất nên rất khó xử lý. Thời gian qua, Sở GTVT cũng đã phối hợp xử lý các bến cóc, xe dù, những điểm du khách hay đến. Sở cũng kiến nghị phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra tại các tuyến du lịch điểm, nơi tập trung đông du khách như nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập, chợ Bến Thành… để đảm bảo an toàn cho du khách, xây dựng được hình ảnh TP thân thiện. |
Chiêu trò ‘đồng 500.000 có ma’ của các taxi dù
Trong chớp mắt, tài xế taxi dù tráo tờ tiền 500.000 đồng của khách thành tờ 20.000 đồng rồi vu cho khách là ăn cướp! |