CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu thuần 19.977 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, The CrownX - nền tảng bán lẻ hiện đại gồm VinCommerce và Masan Consumer Holdings, góp 12.533 tỷ đồng doanh thu, chiếm gần 63% tổng doanh thu.
Trong đó, riêng mảng hệ thống bán lẻ VinCommerce (VCM), trong kỳ ghi nhận biên EBITDA hợp nhất đạt 1,8%, tăng 660 điểm cơ bản so với cùng thời điểm năm ngoái. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp chuỗi này có lãi.
Biên EBITDA dương chủ yếu nhờ cải thiện biên lợi nhuận thương mại, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.
Cụ thể, công ty đã hoàn tất đàm đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược, chiếm 40% doanh thu của chuỗi, giúp tăng biên lợi nhuận thương mại - yếu tố đóng góp 60% trong việc tăng biên EBITDA. VCM mục tiêu tăng lợi nhuận thương mại lên 2,5% - 3,0% cho năm tài chính 2021.
Doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi chiến lược tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng. Đơn cử trong quý, chi phí vận hành trung bình của mỗi điểm bán/tháng tiếp tục giảm gần 10% đối với VinMart+ và gần 20% đối với VinMart.
Masan Group cũng thí điểm thành công mô hình chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ châm hàng tự động tại TP HCM và chuẩn bị triển khai trên quy mô toàn quốc. Trong quá trình thử nghiệm, tỷ lệ sẵn có của hàng hóa đã cải thiện rõ rệt, đạt mức 96% so với mức 80% ở giai đoạn trước thí điểm, đồng thời duy trì mức tồn kho ổn định.
Do đó, cuối kỳ, chuỗi siêu thị mini VinMart+ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương (LFL - like for like) 4,1%. Trong khi, doanh thu/m2 trên cơ sở LFL của siêu thị VinMart giảm (15,8)%.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết kết quả kinh doanh quý I/2021 của VinCommerce đã khẳng định năng lực của Masan trong việc vận hành nền tảng bán lẻ quy mô và mang lại lợi nhuận.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, hướng đến phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng vào năm 2025. Mục tiêu đến cuối 2021, số lượng điểm bán lẻ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi Masan sáp nhập. Điểm khác biệt duy nhất là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận", ông Quang chia sẻ.
Như vậy, sau khi đóng cửa hơn 700 điểm bán hoạt động không hiệu quả để cải thiện biên lợi nhuận trong năm 2020, Masan sẽ quay lại theo đuổi chiến lược mở rộng để giành thị phần trên phạm vi toàn quốc.
Trước khi về tay Masan, VinCommerce sở hữu 3.022 điểm bán (VinMart/VinMart+). Tính đến hết quý I/2021, con số này giảm xuống còn 2.334 điểm bán. Như vậy, với mục tiêu trên Masan cần mở mới 668 điểm bán từ nay đến cuối năm.
Trong chiến lược dài hơi 5 năm với mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng, Masan cho biết công ty sẽ tự vận hành khoảng 10.000 cửa hàng và có trong tay 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình.
Vừa qua, Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.