Viwaseen nắm loạt quỹ đất tại nội thành Hà Nội, cổ phần đang được định giá cao

Ngoài triển vọng tại mảng cấp nước do nhu cầu thị trường, hiện Viwaseen cũng quản lý hàng loạt khu đất tại nội thành Hà Nội, Hải Phòng và ngoại thành TP HCM, đồng thời triển khai các dự án nhà ở, văn phòng trên các khu đất này.

Đấu giá trọn lô với giá khởi điểm cao gấp 1,6 lần thị giá cổ phiếu

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo sẽ tổ chức phiên đấu giá trọn lô gần 57 triệu cổ phần (tương đương 98,16% vốn điều lệ) của Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (CTCP) (Viwaseen, mã chứng khoán: VIW) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.

Đáng chú ý, giá khởi điểm của lô cổ phần là gần 1.349 tỷ đồng, tương đương 23.683 đồng/cp, cao gấp 1,6 lần thị giá cổ phiếu VIW trên thị trường chứng khoán tại thời điểm hiện tại. SCIC cho biết, mức giá này căn cứ trên chứng thư thẩm định giá xác định giá trị phần vốn góp của SCIC tại Viwaseen tại ngày 30/6/2021. 

Viwaseen được thành lập vào năm 2005, trên cơ sở tổ chức lại các công ty độc lập trực thuộc Bộ Xây dựng gồm Waseenco (thành lập năm 1975), Waseco (thành lập năm 1975) và Wase (thành lập năm 1997). Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh các hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường…

Đến năm 2014, Viwaseen chính thức cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, vốn điều lệ khi đó là hơn 580 tỷ đồng, không đổi cho đến hiện tại. Đến tháng 1/2018, cổ phiếu VIW của Viwaseen chính thức giao dịch trên thị trường Upcom với giá tham chiếu 10.500 đồng/cp. 

Sau gần 5 năm, thị giá cổ phiếu VIW đang ở mức 15.000 đồng/cp. 

Sở hữu hàng loạt khu đất tại nội thành Hà Nội, Hải Phòng

Nói về triển vọng tương lai của Viwaseen, SCIC cho rằng lĩnh vực hoạt động cốt lõi sẽ tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu đầu tư hệ thống cấp thoát nước tại các dự án nhà ở, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp cũng như nhu cầu sử dụng nước sạch tại hộ gia đình tăng cao. 

Bên cạnh đầu tư mảng cấp nước, Viwaseen cũng tham gia vào mảng bất động sản với thông qua việc quản lý 4 khu đất ở Hà Nội và triển khai dự án nhà ở, văn phòng trên các khu đất này (tính tới thời điểm cuối năm 2021).

Trong đó, khu đất tại số 48 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm (diện tích 8.209 m2) được dùng để xây dựng dự án Tổ hợp nhà để ở bán kết hợp văn phòng và dịch vụ thương mại (Viwaseen Tower). Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2019, hiện đang thực hiện quyết toán vốn đầu tư toàn bộ dự án. 

 Dự án trên khu đất số 48 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội của Viwaseen. (Ảnh: Batdongsan.com.vn).

Khu đất tại số 52 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa (1.282 m2) được dùng để xây dựng dự án Tòa nhà văn phòng công ty. Hiện, dự án đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và đang được đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư. 

Khu đất tại số 56 - 58 Hạ Đình, quận Thanh Xuân (12.555,7 m2) dùng để làm dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và văn phòng kết hợp nhà ở để bán tại số 56 - 58 Hạ Đình, quận Thanh Xuân với diện tích 12.555,7 m2. 

Dự án đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 từ tháng 1/2017, song vẫn chưa triển khai các bước tiếp theo do vướng pháp lý. Hiện, khu đất làm dự án này đang được sử dụng làm nhà xưởng, kho bãi của Viwaseen. 

Bên cạnh đó, công ty cũng có khu đất tại Quốc lộ 1A, huyện Thanh Trì (10.270,5 m2) và hiện được sử dụng làm nhà xưởng, kho bãi. Song khu đất đã hết thời hạn thuê từ năm 2016 và chưa hoàn thành công tác gia hạn.

Ngoài ra, tại Hải Phòng, Viwaseen cũng quản lý hai khu đất tại quận Dương Kinh (19.233,64 m2) và tại quận Hải An (2.500 m2), hiện đang sử dựng làm nhà máy xử lý nước cung cấp cho các Khu công nghiệp Đình Vũ và Khu công nghiệp Deep C1&2. 

Tại khu vực miền Nam, công ty cũng sở hữu dự án Khu phức hợp cao ốc văn phòng, thương mại, dịch vụ và nhà ở tại phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TP HCM thông qua công ty con là Waseco. Đơn vị này được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án từ tháng 7/2016, song đến nay, dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất do vấn đề pháp lý tại khu vực này.

Lợi nhuận hồi phục, song vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2015 - 2017

Về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp chính vào doanh thu của Viwaseen là từ mảng xây dựng, bên cạnh đó là các mảng cung cấp dịch vụ, bán hàng và bất động sản. Trong đó, bất động sản từng là mảng đóng góp lớn thứ 2 trong giai đoạn 2018 - 2019, song đã giảm cả về giá trị lẫn tỷ trọng trong tổng doanh thu kể từ năm 2020.

6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ mảng xây dựng chiếm tỷ trọng 78,36% trong cơ cấu doanh thu của Viwaseen, tiếp theo đó là doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu bán hàng hóa, lần lượt là 11,93% và 9,28%, mảng bất động sản chỉ chiếm 0,4%.

 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần công ty đạt 424 tỷ đồng, tăng 36% so với kết quả bán niên năm 2021, qua đó báo lãi sau thuế 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lỗ gần 10,4 tỷ đồng.

So sánh với khoản lỗ hơn 11 tỷ đồng trong hai quý đầu năm 2020, có thể thấy, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm của công ty đã dần diễn biến tích cực qua các năm 2021 và 2022. Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2021 cũng tăng gấp 15 lần so với năm 2020, song vẫn chưa hồi phục về mức cao như trong giai đoạn năm 2015 - 2017. 

Giai đoạn 2018 - 2019, trái ngược với diễn biến lợi nhuận do chênh lệch tại khoản thu nhập khác, doanh thu thuần ghi nhận ở mức cao so với giai đoạn trước nhờ bật tăng ở mảng xây dựng. Thời điểm này, công ty vừa bắt đầu giao dịch cổ phiếu tại thị trường Upcom.

Sang năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận của Viwaseen chạm đáy trong vòng 5 năm trước khi tăng trở lại vào năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. 

Tag:
chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.