'Vở diễn’ Eximbank

Đại hội đồng cổ đông lần 3 của Eximbank ngày 21/6 dù bất thành, song đã giúp mang tới nhiều hình dung khá rõ nét về những câu chuyện hậu trường ở nhà băng này.

Kịch bản hoàn hảo

Sau hai lần lỡ hẹn, những xung khắc căn bản giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa thể giải quyết, khiến viễn cảnh về một cuộc Đại hội thành công là không rõ ràng.

8h40, đến sát giờ khai mạc (9h) sáng ngày 21/6, nhiều cổ đông không khỏi lo âu, liên tục hướng ánh mắt lên màn hình máy chiếu, nơi thể hiện số lượng cổ đông và tỉ lệ cổ phần tham dự, chỉ "lẹt đẹt" ở khoảng 5-6%.

Sự căng thẳng không kéo dài quá lâu, khi biến số này nhảy liên tục, với biên độ vài phần trăm, thậm chí cả chục phần trăm, nhanh chóng vượt ngưỡng 51% và lên tới đỉnh điểm là 93,86%, với 199 cổ đông đến dự.

Cho tới lúc này, vẫn còn đó những hạt gợn, rằng Đại hội vẫn có khả năng không thành, nhưng rồi cho đến khi Trưởng BKS Trần Ngọc Dũng tuyên bố Đại hội đủ điều kiện bắt đầu, những tiếng thở phào mới xuất hiện đều hơn.

"Vở diễn" chính thức được khai màn sau khi Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh, quyền TGĐ Nguyễn Cảnh Vinh và Trưởng BKS Trần Ngọc Dũng lên bục ngồi vào 3 ghế của Đoàn chủ toạ.

'Vở diễn’ Eximbank - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai với bài phát biểu đã được chuẩn bị từ trước. (Ảnh: Nghi Điền).

Khi Đoàn chủ toạ còn chưa ấm chỗ, một cổ đông trung niên, đại diện cho 70 triệu cổ phiếu bất ngờ đứng lên và đọc bản "cáo trạng" dài 3 phút, yêu cầu làm rõ tư cách của Đoàn chủ toạ, mà cụ thể là tân Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh và quyền TGĐ mới được bổ nhiệm Nguyễn Cảnh Vinh. Tiếp đó, vị này đề nghị Phó Chủ tịch Đặng Anh Mai với tư cách Chủ toạ cuộc họp HĐQT ngày 15/5, giải trình trước toàn thể ĐHĐCĐ.

Ông Đặng Anh Mai, như chỉ chờ có vậy, đã có bài phát biểu cả chục phút, trần thuật lại diễn biến cuộc họp HĐQT hôm 15/5, và qua đó khẳng định việc bầu Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh và quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh là không hợp pháp và vô hiệu, đồng thời khẳng định chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật và ĐHĐCĐ.

Khi mà nhóm cổ đông được cho là ủng hộ bà Lương Thị Cẩm Tú (cựu CEO Nam A Bank, đang tranh chấp vị trí Chủ tịch Eximbank) dường như đang thắng thế, thì Đại hội bất ngờ xuất hiện một cụ già cùng một nhóm người đi vào khu vực định sẵn. Cụ già chính là ông Nguyễn Chấn, chồng cố doanh nhân Tư Hường (người sáng lập Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam A Bank), nhanh chóng được bố trí để phát biểu và đã có bài "luận tội" người con Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam A Bank với cáo buộc chiếm đoạt tài sản của ông.

Cụ già năm nay 96 tuổi chỉ nói trôi chảy được chừng 2 phút, trước khi không còn giữ được sự liền mạch trong từng câu chữ, và uỷ quyền cho người đại diện tiếp tục bài luận tội kéo dài tới 20 phút. Dù bị cổ đông la ó và phản đối vì nội dung dài và không liên quan tới Đại hội, người phụ nữ được uỷ quyền vẫn bình tĩnh hoàn tất bài phát biểu với sự cho phép của Đoàn chủ tọa.

Ở diễn biến rất đáng lưu ý, ngay trước ĐHĐCĐ Eximbank (sáng 21/6), Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ngày 20/6 đã khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Chấn. Thông tin này cũng đã được người đại diện của cụ già 96 tuổi truyền tải trước toàn thể ĐHĐCĐ Eximbank, và khiến nhiều người ngỡ ngàng.

'Vở diễn’ Eximbank - Ảnh 2.

Cụ ông Nguyễn Chấn bất ngờ có mặt và làm thế trận tại ĐHĐCĐ Eximbank nhanh chóng xoay chiều. (Ảnh: Nghi Điền).

Thế trận tại Đại hội sau đó nhanh chóng đổi chiều, khi các chất vấn của Sumitomo Mitsui (SMBC) - cổ đông lớn nhất của Eximbank với tỉ sở hữu lệ 15% không được ghi nhận, Micro nhiều thời điểm không lên tiếng, hoặc không được bộ phận kĩ thuật cung cấp kịp thời, dẫn đến vị này phải nói "chay". 

SMBC, cũng như một số cổ đông khác, trong đó có một nữ cổ đông nắm 45 triệu cổ phần, yêu cầu chất vấn về tính pháp lí của Đoàn chủ toạ, cũng không được tạo điều kiện phát biểu, như cái cách đối với cụ ông Nguyễn Chấn.

Đại hội sau đó phải dừng lại, do số cổ đông nắm hơn 55% cổ phần phủ quyết quy chế tổ chức.

Sự "ngây thơ" của cổ đông nhỏ 

Eximbank là ngân hàng tư nhân có truyền thống bậc nhất trong làng buôn tiền. 

Theo quan sát nhiều năm nay của người viết, có một tỉ lệ không nhỏ các cổ đông cao niên thường xuyên có mặt trong các kì Đại hội, năm này qua năm khác. 

Đứng lên phát biểu sáng 21/6 vừa qua, một cổ đông lớn tuổi quen mặt gần như cầu khẩn các thành viên trong HĐQT cùng đoàn kết để đưa Eximbank vượt qua giai đoạn khó khăn này, mà trước nhất là tìm kiếm đồng thuận để có thể tiến hành Đại hội suôn sẻ. Lời nói gan ruột của vị cổ đông này đến sau khi công bố tỉ lệ phủ quyết quy chế Đại hội lên tới hơn 55%, đồng nghĩa Đại hội vào lúc đó nhiều khả năng tiếp tục bất thành.

'Vở diễn’ Eximbank - Ảnh 3.

Vị cổ đông lớn tuổi này đã nhiều năm tham dự ĐHĐCĐ, đề nghị HĐQT Eximbank thống nhất và một lòng đưa Ngân hàng thoát khỏi khó khăn. (Ảnh: Nghi Điền).

Với các cổ đông nhỏ, họ đã quá mệt mỏi với tình trạng nội bộ đấu đá, tranh chấp quyền lực ở cấu trúc thượng tầng tại Eximbank. 

Không giành quyền phát biểu, song một nữ cổ đông nói giọng Bắc, thu hút chú ý cả một góc hội trường khi yêu cầu giải tán ban lãnh đạo: "Làm ăn không ra gì, Đại hội tốn kém mỗi lần tiền tỉ mà mãi không xong, tiền của cổ đông chúng tôi chứ của ai". 

Lời nói có phần mất bình tĩnh của nữ cổ đông này không khỏi khiến các cổ đông khác xót xa. Từ một nhà băng top đầu, Eximbank một thập kỉ nay gần như dậm chân tại chỗ và đi xuống đáng kể trong nhiệm kì HĐQT 2015-2020.

Những mệt mỏi, bức xúc với cổ đông nhỏ là dễ thấu cảm được, nhưng họ cần biết rằng những phát biểu từ tận đáy lòng gần như không có tác động đến các quyết định của lãnh đạo Eximbank.

Lưu ý rằng trong Đại hội lần 1 ngày 26/4, có xấp xỉ 199 cổ đông tham dự nhưng chỉ đại diện cho 57,62% cổ phần, trong khi cũng đúng bằng từng ấy cổ đông trong phiên 21/6 sở hữu tới 93,9%. Chênh tới 37% cho thấy cơ cấu sở hữu của Eximbank đã là rất cô đặc, với phần nhiều cổ phiếu rơi vào tay các nhóm cổ đông lớn. Việc Đại hội có được tiến hành hay không phụ thuộc ý chí của các nhóm này.

Cổ đông nhỏ lẻ, trên thực tế chỉ nắm vài ba phần trăm cổ phần. Nhưng họ có lẽ không phải những người buồn nhất. Mà sự thất vọng đến cùng cực chắc hẳn phải là những người Nhật tại Eximbank. Định chế tài chính hàng đầu Đông Á bỏ 225 triệu USD mua 15% vốn Eximbank từ năm 2008. Khoản đầu tư này hiện theo thị giá trên sàn HoSE vào khoảng 145 triệu USD, tương đương khoản lỗ khoảng 80 triệu USD, chưa kể chi phí cơ hội suốt 11 năm qua là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, vị thế của SMBC chưa bao giờ tương xứng với vai trò cổ đông lớn nhất tại Eximbank, mà Đại hội ngày 21/6 vừa qua đã lột tả không thể rõ nét hơn. 

Đại diện của tập đoàn Nhật Bản nhiều lần yêu cầu phát biểu nhưng không được Đoàn chủ toạ đáp ứng, hoặc nếu có thì không có Micro hay Micro không lên tiếng. Những chất vấn về tính pháp lí của Đoàn chủ toạ, bao gồm việc bầu mới Chủ tịch HĐQT và quyền TGĐ, dĩ nhiên cũng bị "lờ" đi.

Một trong những "cá mập" tài chính hàng đầu châu Á còn bị "tì đè" đến vậy, thì các cổ đông nhỏ lẻ, liệu còn hi vọng gì về việc thay đổi cấu trúc thượng tầng ở Eximbank?

'Vở diễn’ Eximbank - Ảnh 4.

Đại diện của SMBC chất vấn Đoàn Chủ toạ Đại hội. (Ảnh: Nghi Điền).

Cả một thập kỉ qua, thực tế sân chơi ở Eximbank chỉ dành cho các nhà tài phiệt trong nước, từ giai đoạn Bầu Kiên, Trầm Bê rồi sau này đến các nhóm Âu Lạc, Hoàn Cầu. Người vui tính ví von Eximbank như "cô gái đẹp", "chàng trai" nào cũng mơ ước nhưng không thể với tới được. Người thiếu tích cực hơn lại đưa ra nhận xét rằng bất cứ nhóm nào muốn toàn quyền sở hữu Eximbank đều không có cái kết "đẹp". 

Với Bầu Kiên và ông Trầm Bê là câu chuyện vào tù ra tội, với Hoàn Cầu là bố con tố cáo nhau, phải bán phần nhiều tài sản trả nợ, trong khi nhóm Âu Lạc cũng không mấy khá hơn khi tình hình kinh doanh liên tục đi xuống.

Trong bối cảnh đó, xuất hiện các nhóm nhà đầu tư mới đang muốn thế chân những Âu Lạc, Hoàn Cầu để "dạm ngõ cô gái đẹp" Eximbank, đó là nhóm liên quan tới Tập đoàn Thành Công của đại gia đất Bắc Nguyễn Anh Tuấn (liên doanh Huyndai Thành Công), mà theo chia sẻ của một lãnh đạo Eximbank, là đã sở hữu tới 30% cổ phần ngân hàng này, và một nhóm khác liên tục mua gom cổ phần EIB trên sàn chứng khoán. 

Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, đã có chừng 500 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn Eximbank được giao dịch thoả thuận, với khối lượng đặc biệt lớn trong tháng 4.

Các nhóm này, rất có khả năng đều chưa nắm giữ cổ phần trong ít nhất 6 tháng, đủ để đề cử người vào HĐQT. Do vậy, ĐHĐCĐ Eximbank, nếu có thêm một lần, thậm chí vài lần lỡ hẹn, cũng không phải diễn biến quá bất ngờ. Và các cổ đông nhỏ lẻ, có lẽ cũng không nên quá buồn.

Nên nhớ rằng, trong một bối cảnh tương tự vào năm 2015, với sự xuất hiện của nhóm Âu Lạc hay Hoàn Cầu, việc bầu mới HĐQT nhiệm kì 2015-2020 đã phải "cò quay" suốt từ tháng Tư cho tới tận cuối năm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.