Nóng đại hội cổ đông Eximbank: Cổ đông yêu cầu xem xét tư cách chủ tọa của Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh, nghi ngờ có lợi ích nhóm

Ngay khi đại hội bắt đầu, cổ đông đã nhốn nháo, nhiều cổ đông yêu cầu xem xét tư cách Chủ tọa điều hành đại hội của ông Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh, nghi ngờ có lợi ích nhóm tại nhà băng này trong thời gian qua.

Theo lịch 8h30 đại hội cổ đông của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ bắt đầu, nhưng mãi đến 9h18', đại hội mới được khai mạc. Vào thời gian này, Đại hội được thông báo diễn ra với sự có mặt của 199 cổ đông, đại diện 1.154.310.881 cổ phần (tương đương tỉ lệ 93,89%), tham dự.

Cổ đông phản ứng đoàn chủ tịch, phản ứng Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh

Ngay khi đại hội giới thiệu đoàn chủ tịch điều hành đại hội, gồm Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh, quyền Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh và Trưởng ban Kiểm soát Trần Ngọc Dũng, cổ đông Trần Ngọc Vinh đã phản ứng, yêu cầu xem xét tư cách trưởng đoàn Chủ tịch của ông Cao Xuân Ninh. 

Cổ đông này cũng yêu cầu xem xét lại việc bầu ông Ninh vào ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank ngày 20/5 vừa qua.

IMG_6686

Cổ đông yêu cầu xem xét tư cách trưởng đoàn Chủ tịch của ông Cao Xuân Ninh. (Ảnh: Phúc Minh).

Cụ thể, cổ đông Trần Ngọc Vinh nêu trước đó, vào ngày 15/5, TAND TP HCM ra quyết định ngưng biện pháp khẩn cấp tạm thời với nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch HĐQT, đồng nghĩa công nhận bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức Chủ tịch, ông Lê Minh Quốc không còn Chủ tịch HĐQT.

Cổ đông này bức xúc cho rằng khi không còn là Chủ tịch thì ông Quốc dựa trên cơ sở pháp lí nào lại ra Nghị quyết 231 ngay trong phiên họp 15/5 theo lời triệu tập của Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai và ông Hoàng Tuấn Khải, để đưa ra các quyết định sau đó. Việc này là coi thường cổ đông và vi phạm pháp luật Việt Nam.

"Hiện nay, chúng ta lưu ý việc lợi ích nhóm trong tổ chức tín dụng. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, quyền lợi cổ đông, tôi đề nghị ông Đặng Anh Mai giải trình để xem xét vai trò của ông Cao Xuân Ninh là trưởng đoàn", cổ đông này cho biết.

Cũng theo cổ đông này, nếu tòa án đã ngưng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngăn chặn nghị quyết bầu bà Tú làm Chủ tịch, thì nghiễm nhiên bà Tú sẽ là Chủ tịch. Việc bầu Chủ tịch với ông Cao Xuân Ninh là không đúng, "coi thường cổ đông chúng tôi, điều này cũng đã được cổ đông chiến lược có văn bản phản ứng. Tôi đề nghị xem xét tư cách Chủ tịch HĐQT của ông Cao Xuân Ninh", cổ đông này phản ứng.

ninh

Chủ tịch Cao Xuân Ninh yêu cầu cổ đông nếu có ý kiến có thể bố trí phòng riêng và cán bộ có trách nhiệm của Eximbank ghi nhận. Ý kiến này bị cổ đông phản ứng gây gắt. (Ảnh: Phúc Huy).

Cổ đông SMBC khẳng định không tin tưởng tổ kiểm phiếu

Đại diện Tập đoàn tài chính Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông chiến lược, sở hữu 15% vốn Eximbank, cũng phản ứng gây gắt, đề nghị được phát biểu. Cổ đông này lớn tiếng khiến Chủ tịch Cao Xuân Ninh đứng lên phản ứng, yêu cầu  nghiêm túc, không được to tiếng, nếu không sẽ có biện pháp để đảm bảo đại hội diễn ra.

Trật tự lặp lại, đại diện đến từ SMBC cho biết đã nhiều lần gửi văn bản về việc không đồng ý với các Nghị quyết của HĐQT Eximbank, nhưng không được giải quyết thấu đáo. Người này yêu cầu ngân hàng tuân thủ đúng điều lệ và pháp luật Việt Nam. Các vị trí quan trọng của Eximbank như Chủ tịch HĐQT ảnh hưởng rất quan trọng đến hoạt động ngân hàng, quyền lợi của cổ đông, trong đó có SMBC. 

Đại diện một cổ đông khác đề nghị bầu lại đoàn Chủ tịch ngay tại đại hội, bằng cách biểu quyết, để đảm bảo tư cách đoàn chủ tịch. Đề nghị này được nhiều cổ đông tán thành.

Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh khẳng định, đại hội được tổ chức đúng quy định của pháp luật, điều lệ ngân hàng. Đoàn chủ tịch cũng đã được bầu đúng quy định, đảm bảo tư cách. Trước khi tiến hành đại hội, HĐQT cũng đã tổ chức rà soát tất cả các vấn đề về quản trị, đảm bảo các nghị quyết ban hành tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn và hiệu quả, cũng như rà soát, đảm bảo công tác tổ chức đại hội cổ đông thường niên đúng quy định pháp luật, quy định ngân hàng theo chỉ đạo của Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước tại TP HCM (Cục 2).

"Tư cách Chủ tịch HĐQT của tôi là hợp pháp. Hôm nay, tôi chủ tọa đại hội này là phù hợp. Và nếu quý vị không đồng ý thì có thể khởi kiện ra tòa. Tôi khẳng định như vậy. Cũng có 1 cổ đông khởi kiện, nhưng tòa đã đình chỉ thụ lí vụ việc. Như vậy, nghị quyết 231 (Nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT Cao Xuân Ninh - PV) đã được thừa nhận từ phía xã hội và nội bộ, cơ quan quản lí. Tôi chủ trì đại hội này là phù hợp, đúng theo quy định pháp luật", ông Ninh nói. 

smbc

Đại diện SMBC cũng yêu cầu cho cổ đông được quyền bầu lại đoàn chủ tịch, vì diễn những phản ứng của cổ đông khẳng định đoàn chủ tịch không được cổ đông tôn trọng, tin tưởng. (Ảnh: Phúc Huy).

Đến 10h45, quy chế tiến hành đại hội cổ đông, ban kiểm phiếu, ban kiểm soát vẫn chưa được cổ đông thông qua. Có đến 55,09% số cổ đông không đồng ý, hơn 5% không có ý kiến. 

Các cổ đông khác bức xúc cho rằng họ đến đại hội để được nghe HĐQT, ban điều hành ngân hàng thông qua kế hoạch kinh doanh, nhưng việc tổ chức "như cái chợ". 

Phần lớn ý kiến đều yêu cầu đoàn chủ tịch tôn trọng cổ đông, bầu lại đoàn chủ tịch. Đại diện SMBC cũng yêu cầu cho cổ đông được quyền bầu lại đoàn chủ tịch. Vì diễn biến những phản ứng của cổ đông khẳng định đoàn chủ tịch không được cổ đông tôn trọng, tin tưởng.

Đại diện SMBC khẳng định lí do không thông qua quy chế, không đồng ý ban kiểm phiếu và tổ giám sát kiểm phiếu là vì không tin tưởng tổ kiểm phiếu.

Chủ tịch Cao Xuân Ninh "dọa" hoãn đại hội một lần nữa

Hơn 11h, Đại hội của Eximbank cũng chưa diễn ra. Nhiều cổ đông bức xúc bỏ về.

quy chet

Hơn 55% cổ đông không đồng ý thông qua quy chế đại hội, không đồng ý với danh sách ban kiểm phiếu.

Ông Cao Xuân Ninh phát biểu: "Hội đồng quản trị chúng tôi cảm thấy xấu hổ, để cho tình trạng lộn xộn của ngân hàng diễn ra thời gian qua. Chúng tôi thấy đau lòng khi Eximbank từ top 5 ngân hàng TMCP lớn nay rớt xuống top 3 ngân hàng TM yếu từ dưới lên. Tôi được bầu làm chủ tịch là hợp pháp, hợp lệ, được công nhận. Nhưng nay, các cổ đông có nhiều ý kiến, không đồng tình, vì nhiều lí do nào đó. 

Và như thế chúng ta không đủ tỉ lệ phiếu để thông qua quy chế tiến hành đại hội. Việc này rất đáng tiếc. Tôi đề nghị Trưởng ban kiểm soát xin ý kiến cổ đông một lần nữa. Nếu không đảm bảo thì tôi đành tuyên bố dừng đại hội một lần nữa.

Nhiều cổ đông khác yêu cầu bỏ qua các bức xúc, để tổ chức đại hội, vì sự phát triển của ngân hàng, quyền lợi của cổ đông, đưa ngân hàng trở lại vào top NHTM tốt như trước, không thể hoãn một lần nữa tốn thời gian, công sức và tiền của. 

 "Gần như là lần thứ ba đình và hoãn. Quá lắm rồi, không thể đình nữa. Đặc biệt, việc đình thế này ảnh hưởng nhiều nhất đến những cổ đông chúng tôi", một cổ đông cho biết. Trong khi đó, một cổ đông khác cho rằng việc không nhận được sự đồng tình của cổ đông đến từ những rối ren nội bộ của Eximbank. Điều này khiến cổ đông Eximbank mất niềm tin. 

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.