VietJet bồi thường hơn 7 tỉ đồng cho khách trong 2 ngày chậm chuyến

Với tổng số chuyến bay ảnh hưởng phải bồi thường trực tiếp (tiền mặt, phục vụ đồ ăn/uống...) trong 2 ngày 15 - 16/6/2019 là 134 chuyến, VietJet đã chi trả là 7,25 tỉ đồng.

Vietjet

(Ảnh minh họa: Vietjetair.com)

Chậm, hủy chuyến bay, Vietjet bồi thường hơn 7 tỉ đồng

Ngày 16/8, Bộ GTVT đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh này về việc hoãn chuyến bay của VietJet.

Trước đó, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Bộ GTVT cho biết nguyên nhân vì sao trong 2 ngày 15 và 16/6/2019, liên tục nhiều chuyến bay của hãng VietJet bị hoãn chuyến nhiều giờ liền, gây bức xức, thiệt hại cho hành khách.

"Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT đã xử lí như thế nào? Ai chịu trách nhiệm?", cử tri đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, Bộ GTVT cho biết, VietJet là một trong những hãng hàng không phát triển nhanh và tạo được thương hiệu tốt tuy nhiên còn để xảy ra tình trạng có nhiều chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến (trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 18/6/2019) gây ra bức xúc cho các hành khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không.

Về nguyên nhân chậm, hủy chuyến của VietJet trong 2 ngày 15 - 16/6/2019, Bộ GTVT cho biết, do VietJet chuyển đổi phần mềm quản lí thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS) trong khi chưa đánh giá sự tác động của thay đổi đến hệ thống quản lý an toàn.

Bên cạnh đó, nhân viên phân lịch tổ bay và kiểm soát khai thác của VietJet vẫn sử dụng phương pháp thủ công để tính toán thời gian bay và giới hạn thời gian bay trong một số thời điểm khi chưa sử dụng thành thạo phần mềm mới.

Ngoài ra, cán bộ quản lí và hệ thống giám sát nội bộ của VietJet chưa thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát liên tục dẫn đến một số phi công của VietJet có thời gian làm việc quá qui định phải dừng bay để đảm bảo an toàn cho quá trình khai thác.

"Việc xảy ra tình trạng nêu trên, trách nhiệm trước tiên là của hãng hàng không; sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan, đơn vị phục vụ chuyến bay.

Trong công tác quản lí nhà nước, việc để xảy ra tình trạng chậm hủy chuyến trên trách nhiệm trước tiên thuộc về Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan tham mưu và Lãnh đạo Bộ GTVT", Bộ GTVT cho biết.

Việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà vận chuyển, Bộ GTVT cho biết VietJet đã thực hiện theo qui định.

Cụ thể là thông báo cho hành khách về thông tin chuyến bay (chậm, hủy) để giảm thiểu việc hành khách đến sân bay và giúp hành khách chủ động hơn trong việc sắp xếp lại hành trình.

Phối hợp cùng các công ty phục vụ mặt đất phục vụ khách hàng về việc ăn uống, khách sạn/chi phí khách sạn, bồi thường ứng trước không hoàn lại, chuyển chuyến bay, chuyển hành trình tương đương, hoàn vé.

Áp dụng những chính sách hỗ trợ cao hơn chính sách hiện hành cho một số đối tượng khách hàng có nối chuyến, cần hỗ trợ đặc biệt (Bồi thường thiện chí những trường hợp chưa nằm trong khung được bồi thường, hỗ trợ chi phí khách sạn trong những trường hợp chậm kéo dài qua đêm…).

Bộ phận Tài chính kế toán và Dịch vụ khách hàng của VietJet luôn túc trực ghi nhận yêu cầu để chuyển tiền mặt cho các sân bay phục vụ bồi thường tại chỗ cho hành khách.

"Tổng số chuyến bay ảnh hưởng phải bồi thường trực tiếp (tiền mặt, phục vụ đồ ăn/uống...) theo các qui định nêu trên trong 2 ngày 15 - 16/6/2019 là 134 chuyến và VietJet đã phải chi trả là 7,25 tỉ đồng", Bộ GTVT cho biết.

Vietjet (1)

(Ảnh minh họa: vietjetair.com)

Bộ GTVT có giải pháp gì?

Về vấn đề chậm, hủy chuyến, Bộ GTVT cho biết đã nhiều lần tổ chức họp với các hãng hàng không trong đó có VietJet.

Bộ GTVT đã yêu cầu VietJet tuân thủ nghiêm các qui định về an ninh, an toàn hàng không; Khắc phục ngay tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến bay, đảm bảo quyền lợi cho hành khách; Tập trung việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội tàu bay theo lộ trình đã được duyệt,...;

Tăng cường liên kết, phối hợp Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lí bay Việt Nam và các Hãng hàng không khác nhằm vừa tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh các hãng hàng không Việt Nam.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT yêu cầu rút kinh nghiệm về việc chậm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để cung cấp các thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về nguyên nhân các chuyến bay bị hủy và chậm chuyến của hãng hàng không VietJet.

Bộ cũng yêu cầu đơn vị này thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không để kịp thời xử lí, chấn chỉnh tình trạng cung ứng dịch vụ hàng không kém chất lượng; không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của qui trình, qui phạm về an ninh, an toàn hàng không,...

Nghiên cứu và làm rõ nguyên nhân hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến,... của các hãng hàng không; thu hồi slot đối với hãng hàng không nào vi phạm các quy định về vận chuyển hàng không hoặc chỉ vì mục tiêu lợi nhuận để dẫn đến tình trạng chậm chuyến hoặc hủy chuyến, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách đi tàu bay.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.