Ôm vàng đi bán không kịp

Tranh thủ trước khi giá vàng "sập", nhiều người tại TP HCM hôm nay ôm vàng đi bán. Tại các tiệm vàng nhỏ, trung tâm vàng SJC, vẻ mặt ai cũng căng thẳng mong tới lượt bán. Bởi cứ qua vài phút chờ đợi là bảng điện tử lại cập nhật giá vàng thay đổi theo hướng đi xuống.

Bán không kịp buổi sáng, đến chiều là mất 1 triệu đồng

Sáng 25/2, khi vừa mở phiên giao dịch, giá vàng miếng SJC trong nước ngay lập tức bị điều chỉnh từ 49 triệu rớt xuống 48 triệu rồi 47,8 triệu đồng và chốt phiên sáng ở mốc 47,5 triệu.

Tranh thủ "ôm" vàng đi bán chốt lời, nhưng nhiều người lại trong tâm trạng căng thẳng, bởi giá liên tục giảm trong khi hàng dài người chờ bán quá đông. Có người từ lúc lấy được số thứ tự đến khi tới lượt bán là mất 500.000-700.000 đồng/lượng. Nhiều người không kịp đi bán buổi sáng đến đầu giờ chiều đã mất thêm 1 triệu đồng/lượng.

Đầu giờ chiều, giá rớt tiếp xuống 47,3 triệu và tiếp tục xuống 47 triệu lúc 1h30. Giá mua vào cũng giảm theo, chỉ còn 46,1 triệu đồng. Đến 14h, giá tiếp tục rớt sâu. Tại SJC, vàng miếng loại 1 lượng mua vào chỉ 45,7 triệu đồng, bán ra là 46,7 triệu đồng/lượng, giảm đến 2,3 triệu đồng so với chốt giá chiều qua và ngang với mức giá mở cửa trong ngày 24/2.

Tại Phú Quý, giá mua bán vàng miếng đến 14h ngang với SJC, trong khi đó giá tại PNJ mua bán chênh rất xa. Doanh nghiệp này niêm yết giá mua vào chỉ 45,4 triệu đồng/lượng nhưng bán ra 46,9 triệu đồng, chênh đến 1,5 triệu đồng. 

Bảo Tín Minh Châu mua- bán cũng đang thấp, với mức bán ra 45,6 triệu đồng/lượng, mua vào 46,5 triệu đồng.

Hiện Maritime Bank vẫn giữ giá bán vàng đến 48,3 triệu đồng/lượng,  mua vào 46,2 triệu đồng.

Người bán vàng cầm số thứ tự nhấp nhổm 

Ghi nhận tại nhiều tiệm vàng lớn và các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý tại TP HCM sáng nay rất nhộn nhịp, với tâm lí bán là chủ đạo để tranh thủ chốt lời.

Đổ xô bán vàng trước khi giá lịch sử 49 triệu đồng/lượng 'sập' - Ảnh 1.

Tiệm vàng Mi Hồng sáng nay, 25/2, kẹt từ trong ra ngoài. (Ảnh: Phúc Minh).

Tại tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh), bãi đỗ xe chật kín, tràn xuống lòng đường vì nhiều người tranh thủ đi bán vàng. 10h sáng, vàng miếng SJC tại đây niêm yết bán ra 48,5 triệu đồng/lượng, mua vào 46,8 triệu đồng/lượng. 

Bên trong tiệm vàng, khu vực thu mua rất đông người xếp hàng chờ đến lượt. Nhân viên cho biết ngay từ khi mở cửa, số lượng người đi bán vàng đã rất nhiều, và phải thu vào liên tục. Người này dự báo trong tình hình giá vàng đang "nóng" hiện nay, cửa hàng còn phải mua vàng cho đến chiều tối. 

Những người đi bán vàng tại Mi Hồng phần lớn là bán nhỏ lẻ, có người bán từ vài chỉ, cũng có người bán hơn cả lượng. 

Bà Thanh Hương (quận Bình Thạnh) cho biết hôm qua, vàng tăng nóng nên vẫn còn hoang mang chưa ra quyết định. Sáng nay, bà đến tiệm vàng sớm để bán. Bà nói mới đầu ngày, vàng đã bắt đầu xuống nên dù đến rất sớm cũng không thể bán được mức giá mong muốn là 47 triệu đồng. 

Bà Hương mua 1 lượng vàng hôm Vía Thần tài, với giá 44,45 triệu đồng. Sáng nay, bà bán với giá 46,8 triệu đồng, lời 2,35 triệu đồng sau chưa đầy một tháng. 

Đổ xô bán vàng trước khi giá lịch sử 49 triệu đồng/lượng 'sập' - Ảnh 2.

Tập nập người chờ bán vàng chốt lời sáng 25/2. (Ảnh: Phúc Minh).

"Hôm tôi mua vàng vào cuối ngày Vía Thần tài, lần đầu tiên thấy mùng 10 mà giá vàng giảm nên mua. Bây giờ thấy giá cao tranh thủ bán, nếu bán hôm qua, tôi đã lời được 3,35 triệu rồi", bà Hương tiếc nuối.

Cùng chung tâm lí chốt lời nên sáng nay, khu vực thu mua vàng của các doanh nghiệp chật kín người. Trong khi đó, khu vực bán lại rất vắng khách, lác đác chỉ vài người vào mua  nữ trang. Vì vậy, trái với nhân viên quầy mua vào, nhân viên quầy bán lại rất rảnh tay.

Tại trụ sở Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), sáng 25/2 cũng đông khách không kém ngày Thần Tài, chỉ khác là phần lớn khách đến để bán chứ không mua vàng. Do lượng khách quá đông nên doanh nghiệp phải phát số thứ tự cho khách chờ đến lượt. Các ghế ngồi chờ tại cửa hàng đều kín chỗ, nhiều người đến sau phải đứng chờ trong tâm thế nhấp nhổm.

Đổ xô bán vàng trước khi giá lịch sử 49 triệu đồng/lượng 'sập' - Ảnh 3.

Rất đông người chờ bán vàng tại SJC sáng 25/2. (Ảnh: Phúc Minh).

10h30 phút sáng, anh Lý (ngụ quận 3) đã bốc số hơn 1.100. Thời điểm này, bảng điện tử hiển thị giá vàng tại SJC niêm yết giá vàng mua vào 46,8 triệu đồng/lượng, bán ra 47,8 triệu đồng/lượng. 

Chưa đầy 2 phút sau, bảng điện tử được cập nhật mới, giá mua vào rớt xuống 46,6 triệu đồng. Anh Lý và hơn chục người khác có nhu cầu bán vàng nhìn bảng điện tử, nhìn số thự cầm trên tay nhấp nhổm, thở dài vì vẫn chưa đến lượt, nhưng giá vàng cứ điều chỉnh giảm. 

"Không biết khi nào mới đến lượt, mới đây mà mất 200.000 đồng/lượng rồi. Không biết tới lượt mình được bán thì mất bao nhiêu", anh Lý nói. Rất may, lúc gần 11h, người đàn ông này bán ra được với giá 46,6 triệu đồng/lượng. Anh đang cầm tiền thì bảng điện tử lại điều chỉnh giá vàng mua vào xuống 46,5 triệu đồng/lượng. 

Trong sáng nay tại Trung tâm vàng SJC, khá nhiều người bán ra hàng chục lượng vàng. Trung tâm này có khu vực riêng dành cho khách bán từ 300 triệu đồng trở lên. Ghi nhận cho thấy số lượng khách giao dịch khu vực này rất đông, không thua kém khu dành cho khách giao dịch lẻ.

Đổ xô bán vàng trước khi giá lịch sử 49 triệu đồng/lượng 'sập' - Ảnh 4.

Nhấp nhổm khi giá vàng nhảy múa. (Ảnh: Phúc Minh).

Ngoài bán vàng, ghi nhận cho thấy nhiều người cũng có nhu cầu mua vào sáng 25/2, khi thấy giá  giảm sâu so với mốc lịch sử 49 triệu đồng chốt ngày hôm qua. 

Mua bán vàng lời hơn gửi tiết kiệm

"Sáng nay, tôi vừa bán được 2 lượng. Tính ra, tiền lời cũng được hơn 6 triệu đồng sau vài tháng. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nhưng nếu giá vàng xuống thấp trở lại thì mới dám mua, để chờ giá lên cao thì bán tiếp để kiếm lời", chị Nhân (quận Bình Thạnh) nói.

Chị Nhân cho biết thời gian qua, giá vàng liên tục sốt nên chị quyết định mua khi giảm, đợi lên cao sẽ bán để chốt kiếm lời. Chị nói gần đây, lãi suất ngân hàng xuống thấp nên quyết định bỏ thêm vào vàng, chốt lời nhanh hơn so với gửi tiết kiệm. Nếu chịu khó quan sát thị trường và có bạn bè tư vấn, chị cho rằng cũng có thể kiếm lời được từ kênh đầu tư này.

Chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định giá vàng hiện nay đang tăng cao, vì nhà đầu tư thế giới bất an trước dịch Covid-19. Trong nước, nguồn cung vàng có phần hạn chế nên khi nhu cầu tăng, giá vàng được đẩy lên cao. 

Đổ xô bán vàng trước khi giá lịch sử 49 triệu đồng/lượng 'sập' - Ảnh 5.

Số lượng người mua vàng sáng 25/2 rất ít, bán là chủ đạo. (Ảnh: Phúc Minh).

Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư phải hết sức cẩn thận khi quyết định đổ tiền vào vàng. Theo ông, thời điểm này, nếu mua vàng để dự trữ, nhằm đa dạng danh mục đầu tư thì phù hợp, còn đầu cơ hoặc vay vốn để đầu tư thì rủi ro sẽ rất cao.

Ông Tín cho rằng vàng là một kênh đầu tư an toàn nhưng đầu tư lớn vào vàng lại là một vấn đề khác, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nguồn lực, hiểu về thị trường vàng để đưa ra chiến lược khi giá vàng biến động.

Trước diễn biến giá vàng tăng bất thường ngày 24/2,  Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định thị trường vàng trong nước giao dịch mua bán vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước bám sát giá thế giới, chủ yếu vì tâm lí lo lắng trước dịch Covid-19. 

Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng các chủ hiệu vàng bán lẻ và doanh nghiệp cũng cho biết sức mua có tăng nhưng không quá đột biến.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, từ khi thực hiện Nghị định 24, thị trường đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. Tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế cũng từng bước được ngăn chặn. Cơ quan điều hành tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết.