Thông tin này được Bộ Xây dựng cho biết trong báo cáo gần đây. So với cuối năm 2023, tổng dư nợ kinh doanh bất động sản tăng gần 2%.
Trong đó, cho vay các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở giảm nhẹ, còn khoảng 305.650 tỷ đồng. Tương tự, tín dụng rót vào dự án văn phòng và các khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng giảm lần lượt về 42.367 tỷ và 43.393 tỷ đồng.
Cho vay bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (nhà ở trên giấy) cũng sụt gần một nửa, còn 19.126 tỷ đồng.
Tín dụng vào dự án làm nhà ở giảm cùng chiều diễn biến với thị trường, khi từ đầu năm phân khúc này vẫn ảm đạm, gần như không có dự án mới khởi công mới.
Trong khi đó, vốn vào mảng cho vay làm dự án khu công nghiệp, khách sạn tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng trong hai tháng. Riêng tín dụng cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác tăng hơn 5%, lên gần 365.770 tỷ đồng.
Từ năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp trong bối cảnh giá thuê vẫn được dự báo tăng cao vài năm tới. Lĩnh vực này có triển vọng tươi sáng hơn so với các mảng kinh doanh bất động sản khác nhờ dòng vốn FDI vào Việt Nam duy trì tăng trưởng năm nay.
Dư nợ kinh doanh bất động sản ngược chiều với tăng trưởng cho vay chung của nền kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng nền kinh tế giảm hơn 101.300 tỷ đồng, tương đương 0,75%, xuống còn gần 13,5 triệu tỷ đồng.
Ở kênh trái phiếu, theo số liệu từ Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bất động sản còn nợ gần 351.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021, lượng trái phiếu phát hành tăng liên tục và đạt đỉnh vào năm 2021, gần 266.000 tỷ. Tuy nhiên con số này lao dốc khi giảm tới 80% vào 2022, còn 52.600 tỷ. Từ nay đến cuối năm, áp lực trả nợ của nhóm địa ốc khoảng 100.000 tỷ đồng.