Vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Dư âm sau lũy tre làng

Quay trở lại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong một ngày mưa rả rích, con đường đất gập ghềnh khó đi khiến phóng viên phải liên tục dừng lại để dắt xe qua những đoạn đường trơn trượt....Khi đặt chân vào mảnh đất này, nhiều người dân vẫn còn ngồi kể cho nhau nghe câu chuyện án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, sau phiên tòa xét xử hai cựu lãnh đạo gây oan sai cho ông.

Dư âm sau lũy tre làng

Ông Nguyễn Đức Đệ, nguyên trưởng thôn Me kể lại, ông là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ án và cũng là người cho giữ nguyên hiện trường rồi báo công an tới làm việc. Từ hôm xảy ra sự việc ông Đệ vẫn một mực tin rằng ông Chấn là người bị oan và sẽ có ngày ông Chấn được thả tự do vì công lý vẫn luôn còn mãi.

Ông chia sẻ: “Vụ án oan của ông Chấn là một dư âm còn mãi tại vùng quê nghèo này và nó còn để lại rất lâu trong lòng người dân thôn Me. Trong vụ án này, tôi đã tin Chấn không phải là hung thủ giết người. Tôi không bênh vực ai, tôi bênh lẽ phải”.

Khi được hỏi về tâm trạng của ông khi ông Chấn chính thức được sạch tội, ông Đệ cho biết: "Không chỉ riêng tôi mà cả người dân thôn Me cũng đều vui mừng khi ông Chấn đã “gỡ bỏ” hoàn toàn được tội danh".

vu an nguyen thanh chan du am sau luy tre lang
Ông Chấn lấy thuốc và nước uống cho bà Chiến (vợ ông Chấn) để giảm cơn đau đầu (Ảnh: Nhật Anh)

Sau khi nói chuyện xong với ông Đệ, phóng viên đã đến nhà ông Chấn để hỏi thăm sức khỏe của ông. Khi bước chân vào nhà, bà Chiến (vợ ông Chấn) đang nằm ở giường mặt mày cau có vì cơn đau đầu.

Thấy vậy, ông Chấn vội vàng lấy thuốc và nước cho bà uống để giảm đau. Nhấp một ngụm nước, bà Chiến nuốt viên thuốc vào người một cách khó khăn rồi lại nằm thiếp đi.

Tâm sự với chúng tôi, ông Chấn vẫn không thể ngờ được rằng sự việc này lại xảy ra với chính bản thân mình. Nhấp ngụm nước chè, ông Chấn nói: “Một việc oan trái quá mức tưởng tượng mà chính bản thân tôi cũng không biết làm như thế nào? Tôi không giết cô Hoan và cũng chẳng biết cô ấy chết như thế nào.

Về bản thân tính tình của tôi ra sao thì dân làng ai cũng hiểu. Khi ngồi trong tù, tôi chỉ biết đợi chờ vào pháp luật mà thôi. May mà còn có người vợ bên cạnh an ủi, quan tâm và động viên tôi nên tôi mới cố gắng đến tận bây giờ”.

Một thế hệ bị đánh cắp tuổi thơ

Đề cập về sát thủ Lý Nguyễn Chung, ông Chấn phân trần: “Tôi và Chung đều là người cùng thôn, thời điểm Chung thực hiện hành vi giết người thì đối tượng vẫn còn nhỏ. Lúc đó, tôi cũng không hề có thù hằn hay ác cảm gì đối với Chung cả.

Việc Chung sát hại chị Hoan và việc tôi phải ngồi tù oan không hề liên quan tới nhau. Sau khi thực hiện hành vi giết người, Chung bỏ trốn vào Tây Nguyên sinh sống, nhưng tôi nghĩ Chung đã chịu dằn vặt, day dứt về lương tâm. Chỉ tiếc rằng Chung không sớm ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, tha thứ của pháp luật”.

vu an nguyen thanh chan du am sau luy tre lang
Lý Nguyễn Chung khóc nức nở tại tòa, hối hận về hành vi mình đã gây ra cái chết cho chị Hoan hơn 10 năm về trước (Ảnh: Nhật Anh)

Ông Chấn nói đến đây thì bà Chiến tỉnh dậy tiếp lời chồng: “Sau khi ông ấy đi được 4 năm thì Quyền (con gái ông Chấn) thấy gia cảnh nghèo khó và cơ cực nên đã đi xuất khẩu lao động (làm giúp việc - PV) ở Đài Loan kiếm tiền gửi về để tôi minh oan cho bố nó. Trước khi đi, nó có nói với tôi là bao giờ bố được minh oan sẽ trở về đoàn tụ với gia đình”.

Nói đến đây bà Chiến ôm mặt khóc nức nở nhớ về cô con gái Nguyễn Thị Quyền.

Ôm vợ vào lòng, an ủi, động viên ông Chấn kể tiếp, khi ra tù trong lúc dọn dẹp nhà cửa ông đã vô tình phát hiện ra cuốn sổ nhật ký của cô con gái với những lời tâm sự chan chứa nước mắt.

Vừa khóc ông vừa đọc lại cho tôi nghe: “Đây là cái Tết thứ hai bố xa nhà rồi bố ơi. Đêm qua, con đón giao thừa một mình ngoài cửa, con đã khóc rất nhiều. Khi ấy pháo hoa ở phía xa rực trời.

Ở trong tù, không biết bố có được đón giao thừa không nữa. Bây giờ thì con chẳng thể làm gì được, chỉ thầm cầu mong cho bố khỏe mạnh, sớm trở về với gia đình. Bố ơi, bố có nghe thấy lời con nói không. Con nhớ bố nhiều lắm!”

Những năm đầu tiên ông Chấn đi tù, mỗi khi Tết đến, người thôn Me ai cũng đều khinh miệt gia đình nhà ông. Trong mấy ngày Tết, chỉ họ hàng thân thích, còn chẳng ai dám bén mảng qua nhà ông chơi vì sợ mang tiếng chơi cùng “gia đình có kẻ giết người”.

Thậm chí khi nhìn thấy bà Chiến đi ngang qua là họ tránh mặt, không chào hỏi nhau một câu.

vu an nguyen thanh chan du am sau luy tre lang
Ông Nguyễn Thanh Chấn đọc lại những dòng nhật ký trong suốt hơn 10 năm ngồi tù (Ảnh: Nhật Anh)

11 cái Tết không có vợ con

11 cái Tết trong tù, hầu như Tết nào ông Chấn cũng ngồi một góc buồng giam rồi khóc vì tủi thân, vì nhớ vợ con đang chịu cực khổ ở quê. Ông sợ nhất là hai cái Tết đầu tiên trong tù. Lúc đó vợ con ông chưa lên thăm, thấy bạn tù khác được ra gặp người thân, nước mắt ông cứ giàn dụa. Hai năm đầu đó, ông đón Tết với một cặp bánh chưng và ít thịt luộc...

Thời gian ở trong tù, ông biết sức khỏe vợ mình không tốt, bên cạnh đó lại phải nuôi bốn đứa con. Ông chỉ biết động viên vợ mình cố gắng giữ gìn sức khỏe, để chèo lái con thuyền tìm công lý cho ông để ông sớm trở về. Có được ngày đoàn tụ như mong muốn, ông vô cùng nhớ ơn người vợ của mình.

Nước mắt lăn dài trên gò má gầy guộc, ông Chấn tâm sự: "Mấy ngày đầu về hai vợ chồng cứ ôm nhau mà khóc, vì nhớ nhung, vì tủi, buồn và khổ sở, thương vợ, thương con vất vả... Giờ tôi cũng chẳng biết lấy gì để bù đắp cho vợ của mình cả, chỉ biết giúp đỡ bà ấy vượt qua bệnh tật".

Những ngày gần Tết ông dọn lại bàn thờ và quét trần nhà để xua đi cái không khí lãnh lẽo trong suốt hơn 10 năm qua. Nói về việc gói bánh chưng ăn Tết, ông lại khóc, ông khóc vì nhớ mẹ vợ của mình. Bởi lúc ông chưa đi tù, Tết năm nào mẹ vợ cũng đến nhà gói bánh chưng cho ông luộc, nhưng từ nhà tù trở về, Tết này ông không còn được nhìn mặt mẹ vợ nữa. "Mẹ vợ khéo tay lắm, sang gói bánh chưng cho con rể luộc, tiếc là bà mất 2005, khi tôi còn ở trong tù... tôi không được nhìn mặt bà lần cuối".

Một mình vừa nuôi 4 đứa con, vừa đi kêu oan cho chồng suốt 10 năm qua, giờ nghĩ lại bà Nguyễn Thị Chiến vẫn rùng mình. Bà chia sẻ: "Giờ cũng chỉ biết cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi trong quá trình tìm kiếm sự thật, minh oan cho chồng. Hai vợ chồng tôi đều có tuổi, đều ốm yếu, tôi chỉ mong chồng sớm "hoàn" lại người, tôi khỏi bệnh để sống lâu với con cháu".

Bà nghẹn ngào nói: "Nhớ 11 Tết trước, cứ đến mùng 1 Tết dọn mâm cỗ ra là mấy mẹ con lại ôm nhau khóc. Nhiều năm thương con quá nên cứ phải ngoảnh mặt đi chỗ khác để lau nước mắt... Con cái nó biết nên nó cũng động viên mẹ nhiều lắm. Nhà mình mang tiếng là nhà giết người, cả xã họ khinh bỉ mình, nên chẳng dám đi đâu ngày Tết... Bây giờ, đến ngày Tết thì tôi ngẩng cao đầu mà đi chúc Tết mọi người, ngày chồng trở về làng xóm cũng nói, khổ thân ông Chấn bị ngồi tù oan".

Bà Chiến cho biết thêm, từ khi ông Chấn được về, bà làm mâm cỗ "đầy" hơn các năm trước. "Ở quê thì thường chuẩn bị Tết muộn lắm. Đến 28, 29 thì trong nhà mới có vài cân thịt, rồi gói bánh chưng để ăn Tết, mấy năm nay có chồng về rồi, cũng phải sắm cỗ nhiều hơn các năm vì còn khách khứa đến nữa", bà Chiến nói.

Tháng 8/2003, Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn là thủ phạm giết hàng xóm Nguyễn Thị Hoan tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên. Qua các cấp xét xử, tòa án tuyên ông phạm tội giết người, xử án tù chung thân.

Hơn 10 năm ngồi tù, ông Chấn liên tục kêu oan và tìm cách tự tử nhưng được các phạm nhân khác can ngăn kịp thời. Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) cũng gửi đơn đến nhiều cơ quan công quyền để kêu oan cho chồng.

Tháng 7/2013, bà chiến gửi đơn đến VKSND Tối cao, nói rằng đã tự xác minh được thủ phạm là Lý Nguyễn Chung.

Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm ở tù. Hai ngày sau, TAND Tối cao hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người trong phiên tái thẩm. Vụ án được điều tra lại. Sau đó, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng.

Tháng 3/2015, ông Chấn chính thức vô tội. Cuối tháng 5/2015, TAND Tối cao đạt được thoả thuận bồi thường 7,2 tỷ đồng trong khoảng 9,3 tỷ đồng ông yêu cầu, sau 10 tháng thương lượng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.