Theo Phó Ban quản lý hồ Tây, đến thời điểm hiện tại, 100% các du thuyền, phương tiện nổi trên hồ Tây hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Ảnh: Đoàn Lê |
100% phương tiện hết hạn hoạt động
Liên quan đến việc di dời các du thuyền, phương tiện nổi trên hồ Tây, theo UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), hạn chót để các đơn vị kinh doanh thực hiện là trước ngày 20/2/2017. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh ở khu vực bến thủy (cuối đường Nguyễn Đình Thi) vẫn "bất động".
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Ban quản lý hồ Tây cho biết đến thời điểm hiện tại, 100 % các du thuyền, phương tiện nổi trên hồ Tây đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; nhiều phương tiện hết hạn đăng kiểm.
Một đơn vị tiến hành tháo dỡ công trình nổi ở bến thủy sáng 21/2. Ảnh: Đoàn Lê |
Theo ông Tuấn, đơn cử như Công ty TNHH Du thuyền hồ Tây có giấy phép tạm thời hoạt động bến thủy nội địa từ ngày 22/10/2008 và đã hết hạn vào năm 2009. Du thuyền 02 của đơn vị này hết hạn đăng kiểm ngày 26/11/2011.
Hay Công ty Cổ phần Sông Potomac có giấy phép tạm thời hoạt động bến thủy nội địa hết hạn từ năm 2009. Du thuyền Potomac không có biển hiệu tàu du lịch; bến cập du thuyền số đăng ký TT405HN đã hết hạn đăng kiểm năm 2012.
Hoạt động kinh doanh ở bến thủy hồ Tây của các đơn vị có nhiều sai phạm. Ảnh: Đoàn Lê |
Nhiều sai phạm ở bến thủy hồ Tây
Ngày 20/6/2016, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng Cảnh sát Giao thông Đường thủy đã lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép. Tuy nhiên, bến thủy vẫn hoạt động sau đó.
Theo ông Tuấn, cuối tháng 9/2016, thanh tra liên ngành đã có kết luận về hoạt động của các doanh nghiệp ở hồ Tây trong đó có chỉ rõ việc 4 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động bến thủy nội địa, phương tiện thủy và các công trình khác nhưng vẫn sử dụng mặt nước hồ Tây để neo đậu phương tiện; lắp đặt các công trình khác.
Những đơn vị còn lại có hoạt động bến thủy nội địa, sử dụng phương tiện thủy, các công trình khác tham gia kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí... trong phạm vi quản lý hồ Tây nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
Bàn ghế xếp trên nóc một du thuyền sau lệnh di dời của TP Hà Nội. Ảnh: Đoàn Lê |
Không những thế, nhiều đơn vị còn lắp sàn cứng, cầu dẫn khung thép đóng cọc cố định xuống lòng hồ không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định. Một số đơn vị không có phương án PCCC; không có giấy phép xả nước thải hoặc đã hết hạn; không thu gom, xử lý triệt để nước thải, rác thải...
Cũng theo ông Tuấn, ngày mai (23/2), cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế di dời, tháo dỡ đổi với các du thuyền và phương tiện nổi ở khu vực bến thủy. "Dự kiến việc cưỡng chế sẽ hoàn thành trong vòng 6 ngày", ông Tuấn nói.
Ngày 9/2, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 38/TB-UBND, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp. Theo đó, UBND TP đang triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, UBND TP giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; Xây dựng Kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây (hoàn thành trong Quý I/2017). Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo gửi UBND TP trong tháng 2/2017 gồm: Quá trình hoạt động, kinh doanh của Doanh nghiệp tại khu vực Hồ Tây; Nguồn gốc, xuất xứ của tàu, thuyền, phương tiện nổi, bao gồm thời gian đóng, thời gian đưa vào sử dụng, vận hành phương tiện, giá trị ban đầu, giá trị sau khấu hao đến thời điểm hiện tại. |