Vụ 'biến' sân golf Phan Thiết thành khu đô thị: Tỉnh Bình Thuận cho phép bỏ sân golf để làm khu đô thị trước khi trình Chính phủ?

Thanh tra Chính Phủ đã hai lần báo cáo về Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị nhưng ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đều không đồng ý nội dung các báo cáo này.

Thanh tra Chính phủ hai lần đưa ra kết luận

Ngày 4/6/2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra báo cáo 892/BC-TTCP về Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị.

Vụ 'biến' sân golf Phan Thiết thành khu đô thị: Nguyên bí thư tỉnh ủy phản biện kết luận Thanh tra Chính phủ - Ảnh 1.

Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận không đồng ý với kết luận Thanh tra Chính phủ về việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị (Ảnh: Khải An).

Trước đó ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phản ánh việc xóa bỏ sân golf, sử dụng đất để kinh doanh bất động sản để phân lô, bán nền, xây biệt thự, nhà cao tầng… để bán, chuyển nhượng là trái với qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch sân golf Việt Nam đến 2020.

Về việc này TTCP kết luận việc đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Đồng thời, TTCP khẳng định việc UBND tỉnh Bình Thuận cho phép chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị là phù hợp với qui hoạch của pháp luật về luật đất đai.

Tuy nhiên, ngày 30/9/2019 ông Đinh Trung đã có đơn phản biện gửi Tổng TTCP, Thủ tướng Chính phủ… về báo cáo 892/BC-TTCP của TTCP.

Đến 21/11/2019, TTCP tiếp tục ban văn bản số 2126/TTCP-C.III về việc thông báo kết quả kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh kiện nghị liên quan đến chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị.

Một tuần sau đó, ngày 28/11/2019, ông Đinh Trung đã có đơn kiến nghị khẳng định quan điểm của ông là đúng.

Tỉnh cho phép chuyển đổi trước khi trình Chính phủ? 

Theo ông Đinh Trung, sân golf Phan Thiết là đất công nhà nước cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê đất và các khoản thuế phát sinh hàng năm (100% vốn đầu tư nước ngoài) cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần. Thời gian thuê đất là 50 năm.

Vụ 'biến' sân golf Phan Thiết thành khu đô thị: Nguyên bí thư tỉnh ủy phản biện kết luận Thanh tra Chính phủ - Ảnh 2.

Sân golf Phan Thiết được chuyển đổi thành khu đô thị (Ảnh: Khải An).

Sân golf được đưa vào hoạt động từ năm 1997, trải qua 4 lần chuyển chủ đầu tư theo Luật Đầu tư. Ngày 15/11/2013 là lần chuyển nhượng thứ 4, sang Công ty Rạng Đông.

Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp với mục tiêu "xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo".

Tuy nhiên, ngày 2/12/2013 (tức chỉ hai tuần sau khi nhận chuyển nhượng) và tiếp theo là ngày 24/12/2013 Công ty Rạng Đông có văn bản đề nghị chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ.

Ngày 1/3/2014 Công ty Rạng Đông có thông báo "Sân golf Ocean Dunes sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1/4/2014". Thời hạn giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ Hội viên kể từ ngày 16/3/2014 đến hết ngày 16/6/2014.

Tuy nhiên, theo ông Trung, điều đáng nói tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, sân golf Phan Thiết vẫn nằm trong qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Trong quyết định này ghi rõ: "Đối với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai xây dựng; dự án đã hoàn thành đang hoạt động trước ngày qui định này có hiệu lực thì tiếp tục hoạt động…".

Vụ 'biến' sân golf Phan Thiết thành khu đô thị: Nguyên bí thư tỉnh ủy phản biện kết luận Thanh tra Chính phủ - Ảnh 3.

Những tòa nhà khủng được xây dựng trên đất sân golf Phan Thiết (Ảnh: Khải An).

Ngoài ra, tại Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 Điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến 2020 ban hành kèm theo Quyết định định 1946/QĐ-TTg vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng lãnh đạo và UBND tỉnh Bình Thuận giai đoạn lúc bấy giờ khi làm thủ tục đề nghị Thủ tướng đưa sân golf ra khỏi qui hoạch và chuyển sân golf sang đất ở đô thị đã biết trước đó chủ đầu tư đã chấm dứt hoạt động và bỏ sân golf từ ngày 1/4/2014 và giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên.

Cụ thể, ngày 5/3/2014 UBND tỉnh Bình Thuận đã có Thông báo số 75/TB-UBND kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đề nghị của Công ty Rạng Đông.

Thông báo nếu rõ "đề nghị Thường trực UB MTTQVN tỉnh, các đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, UBND TP Phan Thiết chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và đoàn viên, hội viên của đơn vị mình và địa phương biết để hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vấn đề trên". Chủ tịch UBND tỉnh "yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa của những người đã bỏ tiền mua thẻ golf của sân golf Phan Thiết".

Sau đó, ngày 23/5/2014 UBND tỉnh Bình Thuận có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Qui hoạch và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng khu đô thị. Đến ngày 28/10/2014 Thủ tướng có văn bản số 2117/TTg-KNT đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Do đó, ông Trung cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận khi làm thủ tục đã biết trước chủ đầu tư chấm dứt hoạt động và bỏ sân golf từ ngày 1/4/2014 và giải quyết các vấn đề của hội viên hạn chót là ngày 16/6/2014 nhưng không có ý kiến gì và còn yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án giải quyết hài hòa của những người đã bỏ tiền mua thẻ golf của sân golf Phan Thiết trong khi chưa có báo cáo và chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những phản ánh của ông Trung, mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.