Vụ C2, Rồng Đỏ nhiễm chì: Làm sao người tiêu dùng chứng minh bị thiệt hại?

Theo các luật sư,  việc chứng minh thiệt hại thực tế của những người đã uống phải sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì không phải đơn giản. Bởi các chi phí khám chữa bệnh có hóa đơn thì dễ dàng đối chiếu, nhưng các chi phí gián tiếp như mất khả năng lao động, mất cơ hội việc làm, thời gian... thì khó đong đếm. 

URC đồng ý bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

Thông tin trên báo Tiền Phong, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), chiều 6/9, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam (URC) để bàn bạc vấn đề bồi thường, sau khi cơ quan chức năng Việt Nam kết luận và thu 2 lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép, do URC sản xuất và cho lưu hành thời gian qua.

Tại cuộc họp này, đại diện Công ty URC đã chính thức đồng ý về chủ trương bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm nhiễm chì: “Chúng tôi cho rằng đây là bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của hiệp hội, bởi trước đó, ngày 8.7, chúng tôi đã có cuộc làm việc với URC về vấn đề này nhưng không có kết quả”, ông Hùng nói.

Tuy đồng ý về chủ trương bồi thường, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết phương án bồi thường cụ thể như thế nào cũng cần phải tính, bởi còn phát sinh rất nhiều vấn đề.

Cụ thể, tại cuộc họp, Vinastas đã đề nghị URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng Việt Nam, những người đã tiêu thụ các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng của công ty này. Mức bồi thường đề xuất dựa trên cơ sở lấy tổng số sản phẩm 2 lô C2, Rồng Đỏ nhiễm chì đã bán ra thị trường trừ đi số sản phẩm công ty đã thu hồi được. Số còn lại được hiểu là người tiêu dùng đã mua và sử dụng. Việc bồi thường sẽ xác định bằng giá trị bán ra của sản phẩm.

Vinastas cũng đề xuất hội sẽ thông báo đến các văn phòng hội địa phương để trợ giúp người dân làm các thủ tục khiếu nại để nhận bồi thường. Nếu trong vòng 3 - 6 tháng mà không còn ai khiếu nại nữa thì “khoản tài chính” trên sẽ được sung công quỹ để Nhà nước chi dùng vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

vu c2 rong do nhiem chi lam sao nguoi tieu dung chung minh bi thiet hai
Đại diện Công ty URC đã chính thức đồng ý về chủ trương bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm nhiễm chì. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, đại diện của Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất của Vinastas cần phải tính toán, bởi khoản bồi thường này không nằm trong danh mục nguồn thu ngân sách. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng đây là quan hệ dân sự, do đó số tiền bồi thường này nên để lại Công ty URC để sử dụng vào những hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phương án này là khả thi nhất bởi một số phương án khác cũng đã được đưa ra, chẳng hạn đòi hỏi người tiêu dùng phải chứng minh mua hàng có hóa đơn hoặc xuất trình vỏ chai đã sử dụng là không khả thi.

Cũng theo ông Hùng, ngoài khoản tài chính nêu trên, những trường hợp người tiêu dùng nếu chứng minh được mình bị tổn hại do sử dụng sản phảm URC bị nhiễm chì cũng sẽ được đền bù riêng lẻ, đồng thời có thể khởi kiện ra tòa mà không nhất thiết phải qua Vinastas.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện URC đã cam kết sẽ đưa ra mức bồi thường cũng như phương án cụ thể vào thứ 2 tuần tới.

Làm xác định được NTD sử dụng nước giải khát C2, Rồng Đỏ nhiễm chì?

Thông tin trên báo Dân Trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM nhận định, việc đưa ra một con số bồi thường trong trường hợp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi thực tế sản phẩm C2, Rồng Đỏ sẽ được tiêu thụ rải rác, không tập trung trên vùng lãnh thổ rộng lớn.

“Tôi cho rằng nên căn cứ vào số lượng sản phẩm C2, Rồng Đỏ mà Công ty URC Hà Nội đã bán ra thị trường và không thu hồi lại được để làm căn cứ định ra một khoản tiền bồi thường cho người tiêu dùng. Khoản tiền này sẽ được nộp vào một quỹ quản lý chặt chẽ và sẵn sàng bồi thường cho người dân sử dụng sản phẩm có khiếu nại, phản ánh. Tuy nhiên trước mắt VINASTAS cần gửi văn bản tới các địa phương thông báo việc tiếp nhận phản ánh về chuyện này, để xem có nhiều khiếu nại, đòi bồi thường hay không ?”.

vu c2 rong do nhiem chi lam sao nguoi tieu dung chung minh bi thiet hai
Theo các luật sư, để người tiêu dùng đòi được quyền lợi trong việc uống phải C2, Rồng đỏ nhiễm chì là điều không dễ dàng. (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định đây sẽ là câu chuyện mở ra nhiều vấn đề cần phải tính toán kỹ lưỡng trong tương lai.

“Doanh nghiệp sản xuất và bán ra thị trường những sản phẩm mắc lỗi, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng từ trước tới nay chưa tạo thành một vấn đề lớn, gây bức xúc hoặc có nhiều căn cứ để cột chặt trách nhiệm của họ trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả. Sự việc buộc công ty URC Hà Nội phải bồi thường cho người tiêu dùng lần này sẽ là tiền đề để VINASTAS làm tiếp những sự việc khác khi dư luận xã hội lên tiếng bức xúc”- ông Phất nhìn nhận.

Mặc dù vậy, ông Phất nhấn mạnh việc tìm ra những người bị thiệt hại trong việc mua, sử dụng nước giải khát C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt quy chuẩn cũng khó như việc cây xăng gian lận và sau đó bị cơ quan chức năng phát giác, xử lý.

Trao đổi trên báo Trí Thức Trẻ, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) nêu thực tế việc chứng minh thiệt hại thực tế của những người đã uống phải sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì không phải đơn giản. Bởi các chi phí khám chữa bệnh có hóa đơn thì dễ dàng đối chiếu, nhưng các chi phí gián tiếp như mất khả năng lao động, mất cơ hội việc làm, thời gian... thì khó đong đếm.

"Chưa kể, với số lượng C2, Rồng đỏ bán ra là rất lớn như vậy, thì ở đây khó có thể xác định ai là nạn nhân cụ thể. Trong khi, việc tích tụ chì hay kim loại khác trong cơ thể sẽ phải mất một thời gian dài nên việc vừa uống sản phẩm này mà cho rằng sẽ gây tác hại ngay thì sẽ khó chứng minh được", luật sư Thiệp nêu.

Luật sư Lê Văn Thiệp đánh giá, việc bán hàng không đúng theo chất lượng công bố như trường hợp của công ty URC cũng có thể xem xét xếp vào tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự hay không.

Để có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải tìm ra ai là người chịu trách nhiệm hay thiếu trách nhiệm, lợi dụng quyền hạn, chức vụ để xảy ra việc này.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Hương Giang (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải) cũng cho hay, các quy định hiện hành về việc yêu cầu đòi bồi thường của người tiêu dùng đều có đủ, nhưng trong vụ việc này, để đòi được quyền lợi là điều không dễ dàng.

"Vì họ phải chứng minh việc sử dụng trà xanh C2 hay Rồng đỏ có gây hậu quả đến sức khỏe của mình. Nhưng phải uống nhiều thì mới thấy hoặc người nào có cơ địa nhạy cảm thì mới thấy luôn hậu quả chứ uống 1, 2 chai thì chưa thấy gì nên rất khó", luật sư Giang nêu.

“Hầu hết người tiêu dùng không còn lưu giữ hoặc không có chứng cứ để chứng minh mình đã tiêu thụ sản phẩm. Chính vì thế VINASTAS và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế chỉ cần căn cứ vào số lượng sản phẩm mà công ty URC Hà Nội đã bán ra thị trường mà không thu hồi về được để làm căn cứ yêu cầu họ phải nộp một khoản tiền bồi thường cho người tiêu dùng. Quỹ này có thể do VINASTAS quản lý, khi nhận được yêu cầu bồi thường sẽ xem xét”- ông Phất nêu quan điểm.

Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH URC Hà Nội sản xuất hai lô sản phẩm thực phẩm, gồm: Trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016 – HSD: 4/2/2017), nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ (NSX: 10/11/2015 – HSD:10/8/2016) có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 17, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, Công ty URC Hà Nội còn vi phạm do có hành vi bán hai lô sản phẩm thực phẩm này ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Y tế đã áp dụng hình thức xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt là hơn 5,826 tỷ đồng.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.