Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật nêu hàng loạt phân tích, thắc mắc khi trò chuyện với PV Tiền Phong về trách nhiệm của hàng loạt cơ quan chức năng.
- Chỉ trong vài năm công ty địa ốc “ma” Alibaba đã lừa đảo được hàng nghìn khách hàng, với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Ông đánh giá gì về loại hình lừa đảo hết sức tinh vi, và có phần mới mẻ này?
- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: Có lẽ đây không phải loại hình lừa đảo mới, nhưng quả là họ lừa đảo hết sức tinh vi, có tổ chức. Alibaba có bộ não điều hành bộ máy lừa đảo rất giỏi, rất dễ mê hoặc lòng người khi đánh thẳng vào niềm tin và lòng tham của khách hàng. Đầu tiên, có thể họ sẵn sàng bỏ tiền ra, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để gây dựng lòng tin và uy tín với khách hàng. Khi có uy tín thực sự rồi, họ mới tha hồ lừa đảo kiếm lời.
"Dự án được quảng bá rầm rộ, lợi nhuận hiển hiện ngay trước mắt, ai cũng mong sở hữu, nên cứ thế đổ tiền vào đầu tư. Đây là một bài học rất đau đớn đối với những khách hàng nhẹ dạ cả tin", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Mỗi khi nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, họ “chăm sóc” rất nhiệt tình, đưa ra nhiều chiêu bài khác nhau để dụ dỗ “con mồi”. Alibaba sẵn sàng có xe đưa xe đón, đưa khách hàng đến tận dự án, giới thiệu từng lô đất, đưa ra mức giá rất hời, rồi gọi điện, nhắn tin ngày đêm để thuyết phục. Họ tạo ra một thứ “ma trận”, mê hoặc khách hàng có thể giàu lên nhanh chóng. Thậm chí, còn biến khách hàng thành chân rết, mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Trong một thời gian ngắn như vậy, Alibaba đã xây dựng một bộ máy chân rết khổng lồ, lừa đảo khách hàng một cách có hệ thống và rất tinh vi. Vì lợi nhuận, Alibaba không còn nghĩ đến đạo đức kinh doanh, đạo đức con người nữa, mà tập trung vào việc lừa dối khách hàng, tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ. Đến giờ đã có gần 7 nghìn con người bị lừa, với số tiền lên đến vài nghìn tỉ đồng, quả là một con số không hề nhỏ trong thời gian ngắn như vậy.
- Phải chăng đây là một “phiên bản” mới của loại hình đa cấp được nâng cấp với cách thức lừa đảo tinh vi hơn nhiều, thưa ông?
- Mô hình đa cấp tồn tại dưới rất nhiều loại hình và khách hàng cũng có thể bị lừa gạt, mua hàng của họ. Có những thứ đa cấp chỉ đơn giản là bán hàng với những sản phẩm giá trị thấp, chỉ từ vài trăm nghìn đến một vài triệu đồng. Tất nhiên, số tiền đó với người dân ở vùng nông thôn, miền núi, với dân nghèo thì không hề nhỏ, nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với một tấm bìa đỏ cả. Bởi sản phẩm bất động sản mà địa ốc Alibaba bán ra thu về số tiền rất lớn, lên đến hàng tỉ đồng.
Với một mạng lưới và cách thức tinh vi như vậy, lại bán hàng giá rẻ, rồi cũng có thể mua lại, quay sang loại hình huy động vốn, trả lãi phần trăm “khủng”. Dự án được quảng bá rầm rộ, lợi nhuận hiển hiện ngay trước mắt, ai cũng mong sở hữu, nên cứ thế đổ tiền vào đầu tư. Đây là một bài học rất đau đớn đối với những khách hàng nhẹ dạ cả tin, muốn làm giàu nhanh chóng để mong muốn “đổi đời”.
- Theo ông, với những khách hàng của Alibaba, đặc biệt là những người bị lừa mà ngại ngần chưa muốn lên tiếng, họ phải làm gì để có thể bảo đảm được quyền lợi và tài sản của mình?
- Trước tiên họ cần phải làm đơn tố giác hành vi lừa đảo của Alibaba. Đặc biệt những người đã trót bị lừa, nhưng vì lí do nào đó mà ngần ngại, chưa lên tiếng thì phải mạnh dạn tố giác, xem hợp đồng mua bán như thế nào, kí kết ra sao, đã góp vốn thế nào… Khách hàng phải lên tiếng làm chứng, gửi thông tin, tài liệu đến cơ quan chức năng để họ đấu tranh với loại hình lừa đảo này.
Nếu khách hàng không lên tiếng, sau này quyền lợi của họ sẽ không được đảm bảo. Cơ quan chức năng cũng không thể biết, không thể thống kê được con số chính xác để thu lại tiền trả cho khách hàng. Khách hàng không lên tiếng thì cũng có thể hiểu giữa họ và Alibaba có sự “thông đồng” trong làm ăn. Nhưng bên cạnh đó, cũng có thể có người lợi dụng vụ việc này, biến mình thành nạn nhân, vờ như cũng bị lừa để được chia chác.
- Ngoài bài học cho những người nhẹ dạ cả tin, có lẽ trong vụ địa ốc Alibaba này cần phải rút ra được những bài học về quản lí nhà nước, thưa ông?
- Rõ ràng từ vụ việc lừa đảo có tổ chức này, chúng ta cần xem lại chức năng quản lí nhà nước đối với những loại hình, công ty làm ăn như thế, để có những đánh giá cụ thể, rõ ràng hơn. Đây là những dự án “ma”, không có thật, lại được mua bán công khai như vậy, chứng tỏ một phần quản lí của cơ quan chức năng còn sơ hở. Họ quảng cáo rầm rộ như vậy thì phải biết chứ?
Lẽ thường, cơ quan quản lí nhà nước thấy vậy phải tìm hiểu xem nó là thật hay là ma, để phát hiện, cảnh báo và can thiệp kịp thời. Nếu làm được như vậy, tôi tin họ không thể lừa đảo được với quy mô lớn như thế, thậm chí còn sớm bị đóng cửa, vì chẳng lừa được ai. Nhưng đến giờ này vụ việc mới được phát hiện, khi Alibaba đã lừa gạt quá nhiều người thì sự việc đã rồi, hậu quả để lại rất lớn.
Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm trong quản lí nhà nước đối với loại hình này. Cần hết sức cảnh giác, vì những biến tướng trong kinh doanh, mặt trái của kinh doanh luôn xảy ra. Do vậy, cơ quan quản lí nhà nước cần tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát. Làm sao có thể phát huy, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp làm ăn tử tế, có uy tín thực sự và đóng góp cho ngân sách nhà nước và cho xã hội. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp lừa đảo như Alibaba phải đấu tranh ngăn chặn, kịp thời cảnh báo cho người dân không bị lừa, cảnh giác tối đa tránh “tiền mất tật mang”.
Bất luận lí do gì thì người dân cũng bị thiệt thòi lớn. Với 2.500 tỉ đồng lừa đảo khách hàng như vậy, mà mới chỉ thu giữ được hơn 10 tỉ đồng, vậy thì số tiền kia đang ở đâu, được dùng làm gì?
Chính vì vậy, phải truy cứu trách nhiệm hình sự đến nơi đến chốn, để giảm thiểu thiệt hại của khách hàng, để khách hàng có cơ hội nhận lại được số tiền bị chiếm đoạt. Tôi mong muốn, kỳ vọng cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lí triệt để vụ việc này.
Cảm ơn ông.