Vụ việc lừa đảo liên quan đến Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Theo thông tin từ cơ quan công an,đã có 900 người nộp đơn tố cáo công ty CP địa ốc Alibaba và anh em Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc chiếm đoạt 900 tỉ đồng thông qua việc bán đất nền ở các dự án "ma".
Hiện ở nhiều tỉnh thành khác như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… cũng tiếp nhận đơn tố cáo của người dân đối với địa ốc Alibaba nhưng chưa có thống kê cụ thể.
Liên quan đến số lượng người tố bị chiếm đoạt tài sản cũng như những vẫn đến liên quan đến vụ việc của Alibaba, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn luật sư Chu Mạnh Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Chu Mạnh Cường. (Ảnh: Người đưa tin).
- Thưa luật sư, trong vụ việc của Alibaba, những dấu hiệu phạm tội nào của Chủ tịch HĐQT và GĐ của doanh nghiệp này khiến họ bị công an khởi tố và bắt tạm giam?
LS Chu Mạnh Cường: Theo những thông tin ban đầu về vụ án được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, theo quan điểm của các cơ quan có thẩm quyền, ngay từ khi chưa bị phát hiện, khởi tố, hoạt động kinh doanh của Công ty cũng đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể như có dự án, khi chưa được cơ quan quản lý là nước có thẩm quyền chấp nhận là chủ đầu tư dự án, công ty đã tự nhận mình là chủ đầu tư để thu tiền giữ chỗ của khách hàng. Hành vi này đã vi phạm qui định về Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản.
Công ty đã chưa cung cấp hoặc cung cấp thông tin đất đai chưa chính xác theo Luật Đất đai. Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản theo Luật kinh doanh bất động sản. Công ty thực hiện nhận tiền giữ chỗ thông qua phiếu giữ chỗ vi phạm các qui định về kinh doanh bất động sản …
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện. (Ảnh: Địa ốc Alibaba).
- Theo thống kê từ cơ quan công an, có nhiều người là khách hàng của Alibaba tố bị chiếm đoạt tiền. Theo luật sư, trong tình huống hiện nay, các khách hàng của Alibaba cần làm những việc gì để đảm bảo quyền lợi?
LS Chu Mạnh Cường: Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tổng giám đốc Công ty về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời thực hiện lệnh bắt trong trường hợp khẩn cấp đối với chủ tịch HĐQT Công ty.
Theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khi đã có quyết định khởi tố, vụ án sẽ được giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự. Sau quá trình điều tra, nếu đủ căn cứ, Cơ quan điều tra sẽ ra Bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố, Viện kiểm sát sẽ ra bản cáo trạng truy tố các đối tượng liên quan và Tòa án sẽ xét xử vụ án với tính chất là một vụ án hình sự.
Khi giải quyết vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tại sản, bên cạnh việc xem xét trách nhiệm hình sự của các đối tượng liên quan, Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết cả các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, trong đó có việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bồi thường cho các bị hại, là những người bị thiệt hại về tài sản trong vụ án.
Vậy, về nguyên tắc, đối với những người đã ký hợp đồng, nộp tiền vào Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, nếu cho rằng mình là người bị thiệt hại, để có thể nhận lại tài sản bị chiếm đoạt, họ phải được xác định tư cách tố tụng là bị hại trong vụ án. Nếu không, họ sẽ không được xem xét, giải quyết việc bồi thường, hoàn trả tiền khi Tòa án xét xử.
Do đó, trong tình trạng hiện nay, đối với những khách hàng của Công ty, nếu nhận thấy tài sản của mình có dấu hiệu bị chiếm đoạt, để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, họ cần sớm đến Cơ quan công an để trình báo, cung cấp tài liệu, bằng chứng chứng minh họ là bị hại trong vụ án.
Có ý kiến cho rằng những người đã ký hợp đồng, nộp tiền vào Công ty có thể tiến hành khởi kiện Công ty tại Tòa án dân sự hoặc trực tiếp đến Công ty để đàm phán, xin nhận lại tiền.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, sau khi vụ án đã được khởi tố, sự việc sẽ được giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự, do đó, nếu người bị thiệt hại có khởi kiện tại Tòa án dân sự, thì Tòa dân sự cũng sẽ không thụ lí, giải quyết vụ án. Còn trường hợp trực tiếp đến đàm phán, thương lượng với Công ty để nhận lại tiền thì cũng rất khó khăn, vì thông thường, sau khi đã khởi tố, cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp như thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản… đối với công ty.
Khu đất giới thiệu là dự án Golden Lake Hòa Lạc (phần khoanh đỏ) theo qui hoạch là Trung tâm dưỡng lão (Ảnh: Vietnamnet).
- Sau vụ việc của địa ốc Alibaba cũng như trường hợp dự án "ma" Golden Lake Hòa Lạc (Hà Nội) vừa được phản ánh khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, ông có lời khuyên nào dưới góc độ pháp lý để những nhà đầu tư bất động sản tự bảo vệ chính mình, không mua phải dự án treo hay dự án đã có qui hoạch khác chứ không phải qui hoạch bất động sản như họ được nghe quảng cáo?
LS Chu Mạnh Cường: Về nguyên tắc, trước khi quyết định đầu tư vào dự án bất động sản, để bảo vệ tài sản của mình, người dân cần thận trọng, kiểm tra kỹ tính pháp lý của dự án.
Theo qui định tại điều 6 Luật kinh doanh bất động sản 2014, Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản theo các hình thức: Tại trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; tại trụ sở Ban quản lý dự án đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; tại sàn giao dịch bất động sản đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản.
Nội dung thông tin về bất động sản bao gồm: Loại bất động sản; vị trí bất động sản; thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; qui mô của bất động sản; Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư.
Ngoài ra nội dung thông tin về bất động sản còn có: Thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản; hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán; cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Bên cạnh việc tìm hiểu tính pháp lý của dự án, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ về đối tác kinh doanh bất động sản, thận trọng với những dự án, những khoản đầu tư được hứa hẹn mức lợi nhuận quá cao, bất bình thường.
Xin trân trọng cám ơn luật sư.
Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho các cá nhân đứng tên, tự vẽ ra 40 dự án "ma". Trong đó, tại Đồng Nai là 29 dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu 9 dự án và Bình Thuận 2 dự án.
Tất cả các dự án này được xác định chưa làm thủ tục pháp lí, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép.
Sau đó, Công ty Alibaba tổ chức quảng cáo sai sự thật để bán đất cho khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2019, công ty đã kí hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.
Đến chiều ngày 18/9, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.