Liên quan đến kết luận điều tra vụ gian lận thi cử ở Hoà Bình, sáng 11/3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, những thí sinh gian lận thi cử sẽ bị xử lí nghiêm theo đúng quy chế.
"Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện có có 56 thí sinh được hưởng lợi từ việc sửa điểm thi, có 1 thí sinh thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh điểm thi 3 môn đã được tăng lên 26,45 điểm.
Căn cứ vào quy chế, kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả chính thức của kì thi và thay thế cho kết quả đã công bố trước đây. Kết quả chấm thẩm định được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Nếu trước kia thí sinh đạt 28 điểm nhưng sau khi có kết luận điều tra, kết quả chấm thẩm định thí sinh chỉ được 14 điểm thì kết quả cuối cùng chỉ là 14 điểm. Đây là kết quả cuối cùng của kì thi THPT quốc gia năm 2018", ông Trinh cho hay.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, hiện các trường đại học đang chờ thông báo của Bộ GD&ĐT và điểm thi thật của các thi sinh tại địa phương xảy ra gian lận cập nhật lên hệ thống để có phương án xử lý phù hợp.
Đối với các trường hợp thí sinh đã trúng tuyển vào trường nhưng sau đó điểm cập nhật bị giảm, không đạt điểm chuẩn vào trường thì sẽ không công nhận trúng tuyển.
Trước đó, trong kì xét tuyển đại học 2018, thí sinh đến từ Hòa Bình, Sơn La đặc biệt có tỉ lệ trúng tuyển tương đối cao ở một số trường công an, quân đội.
Thông tin từ một số trường quân đội cho biết thực tế trước khi gian lận tại Hòa Bình, Sơn La được dần sáng tỏ, ngay trong thời gian nhập học quan trọng, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao (thậm chí thủ khoa đầu vào), là thí sinh của địa phương này đã không xuất hiện tại trường để hoàn tất thủ tục và chủ động... không nhập học nữa.
Đặc biệt, có trường quân đội cũng đã phát hiện thí sinh điểm ở tốp đầu của trường đến từ Hòa Bình nhưng gian lận, không trung thực trong hồ sơ nên đã trả về địa phương.