Vụ 'taxi công nghệ' không phải gắn mào: Taxi truyền thống kêu cứu vì nguy cơ bị 'khai tử'

Hiệp hội Taxi 3 thành phố đã gửi đơn kêu cứu vì "taxi công nghệ" không phải gắn mào.

IMG_5665

Taxi truyền thống kêu cứu vì "taxi công nghệ" không phải gắn đèn nóc. (Ảnh: Di Linh).

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 19/8, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị lí giải việc thay gắn mào, Dự thảo Nghị định lần thứ 11 sửa đổi Nghị định 86 qui định "taxi công nghệ" dán chữ phản quang ở kính xe.

Ngày 23/8, các đơn vị này tiếp tục gửi đơn "kêu cứu" đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về vấn đề nêu trên.

Hiệp hội Taxi 3 thành phố cho biết nếu Nghị định nêu trên được thông qua và vẫn giữ nguyên "những nội dung bất cập" của dự thảo lần thứ 11 thì "cũng sẽ gần như một dấu chấm hết cho tất cả các doanh nghiệp taxi truyền thống".

"Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng đối với ngành kinh doanh vận tải, làm triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh bình đẳng của các hãng taxi truyền thống đối với ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử", văn bản của các Hiệp hội Taxi nêu.

Theo các Hiệp hội Taxi, Dự thảo Nghị định lần thứ 11 trình ngày 13/8/2019 đã không yêu cầu "taxi công nghệ" (xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ) phải gắn hộp đèn nóc.

Đồng thời, dự thảo còn cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ mà không phải thông qua các Hợp tác xã.

"Điều này khiến lợi thế vốn đã có của "taxi công nghệ" càng được nới rộng", các Hiệp hội Taxi cho hay.

Văn bản của các Hiệp hội Taxi truyền thống cũng cho biết tại các bản dự thảo trước đó đã qui định gắn hộp đèn nóc đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.

"Tuy nhiên, bản dự thảo lần thứ 11 đột ngột có nội dung thay đổi mà không có một sự giải thích hợp lí nào", văn bản nêu.

Văn bản của các Hiệp hội Taxi cũng cho rằng đây là "nguy cơ chưa từng có, đe dọa "khai tử" taxi truyền thống.

IMG_5661

Không gắn đèn nóc, "taxi công nghệ" có dễ phân biệt? (Ảnh minh họa: Di Linh).

Theo Điều 7 dự thảo Nghị định lần thứ 11 nêu trên, Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, niêm yết các thông tin khác trên xe theo qui định.

Ngoài ra, loại hình này phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" trên kính phía trước và kính phía sau xe theo quy định; kích thước tối thiểu của cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" là 06 x 20 cm; cụm từ "XE HỢP ĐỒNG" phải được làm bằng vật liệu phản quang.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.