Vụ xe cứu thương tông 2 vợ chồng thương vong: Được phép vượt đèn đỏ nhưng phải đảm bảo an toàn cho phương tiện khác

Có quyền vượt đèn đỏ nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh mà tài xế xe ưu tiên phải cân nhắc để xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ và các phương tiện khác.

Như Thanh niên thông tin, vào khoảng 14h50 ngày 8/4, ông Thiệu (65 tuổi) điều khiển xe máy, chở theo vợ là bà Minh (60 tuổi, ngụ TP Bảo Lộc) lưu thông trên đường Lý Tự Trọng, theo hướng từ trung tâm TP Bảo Lộc ra QL20.

Khi đến ngã tư Lý Tự Trọng - Trần Phú, ông Thiệu qua đường theo tín hiệu đèn xanh. Cùng lúc, xe cứu thương 115 do tài xế Trần Thanh Công (ngụ tại TP Bảo Lộc) điều khiển đang lưu thông trên QL20 theo hướng từ TP Đà Lạt đi TP HCM, vượt đèn đỏ tông trực diện vào xe máy do ông Thiệu điều khiển.

Cú tông mạnh cuốn xe máy vào gầm xe cứu thương, còn ông Thiệu tử vong trên đường chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và bà Minh bị thương nặng.

Từ vụ việc, không ít người đặt ra thắc mắc rằng xe cứu thương vượt đèn đỏ đâm chết người xử lý thế nào?

Vụ xe cứu thương tông 2 vợ chồng thương vong: Được phép vượt đèn đỏ nhưng phải đảm bảo an toàn cho phương tiện khác - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Trùng Dương/Thanh niên).

Xe ưu tiên được phép vượt đèn đỏ

Luật Giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ, nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Xe cứu thương được quyền ưu tiên khi thực hiện nhiệm vụ cấp cứu theo Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ.

Như vậy, khi di chuyển, xe cứu thương được ưu tiên khi đang chở bệnh nhân cấp cứu; Đi đón bệnh nhân cấp cứu; Sử dụng trong trường hợp khẩn cấp phòng và dập tắt các dịch bệnh ở xa bệnh viện.

Ngoài ra, khoản 5 điều 4 của luật cũng quy định nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ như sau: Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.

Vì vậy, tuy có quyền vượt đèn đỏ nhưng tùy thuộc vào hoàn cảnh mà tài xế xe ưu tiên phải cân nhắc để xử lý tình huống nhằm đảm bảo an toàn cho chính họ và các phương tiện khác.

Nếu giả sử đặt trường hợp xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu và thuộc đối tượng ưu tiên, được phép vượt đèn đỏ nhưng việc gây ra tai nạn vẫn là sai. Pháp luật không cho phép xe ưu tiên được quyền gây tai nạn cho các đối tượng khác theo quy định.

Xe ưu tiên gây tai nạn xử lý thế nào?

Trường hợp xảy ra tai nạn giao thông giữa phương tiện ưu tiên với phương tiện thông thường, nếu như phương tiện được quyền ưu tiên đang phải làm nhiệm vụ khẩn cấp, người điều khiển phương tiện này không bị thương, phương tiện vẫn hoạt động được, thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản tạm giữ các giấy tờ có liên quan.

Đồng thời ghi lại biển số phương tiện, họ tên, đơn vị công tác của người điều khiển phương tiện; đánh dấu vị trí của phương tiện giao thông, ghi nhận sơ bộ và chụp ảnh các dấu vết trên phương tiện, rồi cho họ tiếp tục đi làm nhiệm vụ.

Sau đó, cơ quan chức năng mới tiến hành điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định. Kết quả điều tra sẽ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan.

Trong trường hợp xe cứu thương sử dụng tín hiệu ưu tiên không đúng, căn cứ vào Điểm e Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 (có hiệu lực từ 1/8/2016) của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tài xế xe cứu thương có thể bị xử phạt như sau:

Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong trường hợp: Xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định; Sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp; Có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định.

Đồng thời ngoài việc bị xử phạt như trên, nếu xe cứu thương không thực hiện nhiệm vụ mà vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ thì sẽ có thể bị xem xét trách nhiệm phù hợp với từng hành vi vi phạm.

Các nước quy định quyền với xe ưu tiên như thế nào?

Ở một số quốc gia khác như Mỹ, Anh... cũng có những quy định riêng dành cho các phương tiện ưu tiên khi tham gia giao thông.

Trang Accident Claim Solicitors (Anh) đưa tin, nếu xe ưu tiên (xe của cảnh sát, lực lượng cứu hỏa, dịch vụ cứu thương) không trong tình huống khẩn cấp thì phải tuân thủ luật giao thông đường bộ và quy định về đèn giao thông như mọi phương tiện hoặc người tham gia giao thông khác. Chẳng hạn, khi đèn giao thông màu đỏ hoặc chuyển sang vàng, tất cả phương tiện phải dừng trước vạch kẻ đường, bao gồm cả xe ưu tiên.

Trong tình huống khẩn cấp, xe ưu tiên được phép vượt đèn đỏ nếu việc đi chậm hoặc dừng lại đồng nghĩa với cản trở khả năng xử lý tình huống kịp thời. Tuy nhiên, tài xế chỉ có thể làm điều này sau khi hú còi và nháy đèn báo hiệu để cảnh báo những người khác.

Xe ưu tiên phải tuân thủ giới hạn tốc độ khi không trong tình huống khẩn cấp. Khi cần thực hiện nhiệm vụ, xe sẽ phải tăng tốc để có mặt ở điểm đến càng sớm càng tốt mà không bị truy cứu về việc vượt quá giới hạn. Nhưng ngay cả khi được phép chạy nhanh, tài xế vẫn phải giữ tốc độ trong tầm kiểm soát.

Trong bất kể tình huống khẩn cấp nào, người lái xe ưu tiên phải tính đến sự an toàn của tất cả những người đi đường hoặc người đi bộ đang băng qua đường. Nói cách khác, các xe này có quyền ưu tiên nhưng phải cố gắng tránh gây tai nạn.

Người tham gia giao thông có trách nhiệm lắng nghe và quan sát các phương tiện ưu tiên để nhường chỗ trong tình huống cần thiết, bao gồm lách sang bên đường để dành chỗ trống cho xe ưu tiên vượt đèn đỏ. Nếu không, họ có thể phải chịu trách nhiệm với tai nạn giao thông liên quan đến xe ưu tiên.

Những trường hợp xe cảnh sát, xe cứu hỏa hay dịch vụ cứu thương phải chịu trách nhiệm về tai nạn hoặc va chạm:

- Xe ưu tiên không nháy đèn hoặc hú còi để thông báo về sự xuất hiện của mình.

- Xe ưu tiên không tuân thủ luật đường bộ và quy định đèn giao thông dù không đang làm nhiệm vụ khẩn cấp.

- Xe ưu tiên không chú ý đến sự an toàn của người tham gia giao thông.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong mỗi vụ tai nạn cụ thể, khoản bồi thường do lỗi của xe ưu tiên gây ra có thể sẽ được giảm bớt như người tham gia giao thông không chú ý quan sát sự xuất hiện của xe ưu tiên. Ngược lại, nhân viên cảnh sát, cứu hỏa hay cứu thương có thể đòi bồi thường khi tai nạn gây ra không phải lỗi của họ và các biện pháp phòng tránh tai nạn thích hợp đã được thực hiện.

Những ai là hành khách liên quan đến vụ tai nạn đều có quyền yêu cầu bồi thường, dù trách nhiệm thuộc về xe ưu tiên hay bên còn lại.

Trang Kimmel Carter cũng chỉ ra tài xế xe ưu tiên ở Mỹ phải lái xe một cách có trách nhiệm, dù không phải tuân thủ các quy tắc tham gia giao thông tiêu chuẩn. Trong khi xe ưu tiên đang trên đường làm nhiệm vụ, người dân phải hợp tác hết sức bằng cách lách qua một bên để tạo lối đi rõ ràng cho xe đi qua.

Hầu hết tài xế xe ưu tiên được huấn luyện cách giữ an toàn khi lái ở tốc độ cao để kịp đến hiện trường tai nạn hay vụ cháy. Tuy nhiên, xe ưu tiên vẫn có thể phải chịu trách nhiệm nếu gây ra tai nạn khi đang làm nhiệm vụ.

Dưới đây là một số ví dụ về sơ suất của xe ưu tiên:

- Sử dụng sai hoặc không sử dụng còi và đèn báo hiệu khi cần di chuyển bất thường qua giao lộ hoặc vượt các phương tiện khác.

- Tăng tốc khi đi qua ngã ba, ngã tư… một cách thiếu cẩn trọng.

- Rẽ, ngoặt, đổi hướng xe ở tốc độ cao.

- Cố di chuyển qua không gian quá hẹp khi đang chạy nhanh.

Luật giao thông của mỗi bang ở Mỹ có thể không giống nhau. Chẳng hạn, theo trang Tork Law, bang California quy định nếu tài xế xe công lái cẩu thả, cơ quan thuê người đó phải chịu trách nhiệm về tất cả thiệt hại do tai nạn gây ra, gồm chi phí y tế, thu nhập mà nạn nhân không thể nhận do nghỉ làm vì thương tích… Cơ quan này còn có thể phải chịu bồi thường tài chính cho vụ tai nạn ngay cả khi luật cho phép miễn trừ trách nhiệm pháp lý của tài xế.

Luật cũng làm giảm trách nhiệm của tài xế khi gây ra tai nạn khi đang làm nhiệm vụ, nhưng họ có thể phải chịu trách nhiệm về việc điều khiển thiếu cẩn trọng khi quay trở lại từ một vụ cháy hoặc hiện trường tai nạn.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.