Vừa thoát ngập 'lịch sử', Phú Quốc lại sạt lở bờ biển

Chị Thúy, ngụ tổ 9, KP.9, TT. Dương Đông, Phú Quốc: 'Nhà đất chúng tôi có giấy tờ hẳn hoi, nằm cách bờ biển 50 m, thế nhưng giờ đây căn nhà tôi đang sử dụng tự nhiên nằm gọn trên bãi biển...'
avatar_1567395463739

Bờ biển Phú Quốc bị sạt lở khiến căn nhà của chị Thúy luôn trong tình trạng nguy hiểm. (Ảnh: Hoàng Trung)

Đến sáng 1/9, nhiều người dân ở các tổ 6, 7, 8, 9 thuộc KP.9, TT.Dương Đông, H.Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhìn bờ biển trước mặt nhà mình bị sóng đánh sạt lở.

Bờ biển sạt lở, dân Phú Quốc bàng hoàng bên căn nhà nứt toác

Theo ghi nhận của Thanh Niên, đoạn sạt lở kéo dài từ tổ 6 đến tổ 9, KP.9 với gần 1 km, độ rộng trung bình khoảng 10 m. Trên bờ biển, nhiều cây dừa cao hơn chục mét bị ngã nằm sóng soài; một số ngôi nhà bị sóng đánh bật cả móng, tường nứt nhiều đoạn dài với vết nứt rộng có thể thò tay vào được. Hiện bà con đang thuê xe cuốc đến đưa những hòn đá to xuống biển để làm đê chắn sóng.

Ông Tăng Văn Dũng (49 tuổi, ngụ tổ 9, KP.9) cho biết sạt lở xảy ra khoảng 15 giờ ngày 30/8. Khi đó, sóng biển lớn đánh mạnh vào bờ làm một cây dừa to đổ ngã, sau đó sóng lấn dần vào bên trong bờ và đến sáng hôm sau thì một đoạn bờ biển dài gần 1 km đã không còn nữa. 

Mặc dù vị trí bị sạt lở còn cách nhà mình một con đường nhỏ nhưng ông Dũng vẫn lo lắng nếu tình trạng này không được khắc phục thì không lâu nữa căn nhà ông đang ở và nhiều nhà dân xung quanh cũng chịu chung số phận.

Chị Lê Ngọc Thúy (38 tuổi, ngụ tổ 9, KP.9) cho rằng ngoài sóng lớn thì việc khai thác cát quá nhiều tại khu vực này trong thời gian gần đây đã làm cho đáy biển sụp xuống tạo thành một lòng chảo. Trước đây, nhiều nhà dân có đất cất nhà ở cách bờ biển 50 m nhưng hiện nay nhiều nhà bị rơi vào tình trạng sóng biển đánh đến tận vách. 

Từ hơn 1 năm trước, lo sợ tình trạng lấy cát quá mức làm nước biển tràn vào sẽ khiến khu vực mình sinh sống bị nhiễm mặn, chị Thúy đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng đến nay không thấy một cơ quan nào đến xem xét xử lý.

“Nhà đất chúng tôi có giấy tờ hẳn hoi, nằm cách bờ biển 50 m, thế nhưng giờ đây căn nhà tôi đang sử dụng tự nhiên nằm gọn trên bãi biển, thử hỏi chúng tôi phải sống làm sao”, chị Thúy nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết chưa nắm được thông tin sạt lở và sẽ cho kiểm tra lại.

Sạt lở nghiêm trọng ở Sóc Trăng

Cũng trong sáng 1/9, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết vừa có báo cáo khẩn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị có biện pháp khẩn cấp để khắc phục tình trạng sạt lở, sụp lún nghiêm trọng xảy ra tại chợ Cầu Lộ, xã An Hội, H.Kế Sách, Sóc Trăng.
Từ tối 29/8 đến rạng sáng 1/9, trên tuyến kênh Rạch Vọp, đoạn thuộc chợ Cầu Lộ xảy ra nhiều vụ sạt lở sâu vào đất liền 10 m, chiều dài khoảng 60 m, nhấn chìm 9 căn nhà bán kiên cố cùng nhiều tài sản của bà con xuống kênh. Ngoài ra, do đoạn đường sạt lở bị chia cắt, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Rất may vụ sạt lở không gây thương vong.
Theo Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, qua khảo sát, đoạn đường trên còn có 18 căn nhà khác liền kề đang có nguy cơ xảy ra sạt lở, nếu địa phương không có biện pháp chủ động phòng chống sạt lở kịp thời. Hiện triều cường đang dâng cao nên tình hình sạt lở càng diễn biến phức tạp.
Trần Thanh Phong
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.