Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, theo đó dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 4% năm 2021, sau khi suy giảm 4,3% trong năm 2020.
Mặc dù kinh tế toàn cầu đang có tín hiệu tăng trưởng trở lại nhưng tình hình dịch diễn biến phức tạp vẫn có thể làm giảm thu nhập và hoạt động kinh tế trong một thời gian dài.
Báo cáo của WB cảnh báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn “cực kỳ bất ổn” và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm xuống mức 1,6% nếu tình trạng lây lan của Covid-19 tiếp tục nghiêm trọng hoặc các chiến dịch tiêm chủng vắc xin bị đình trệ.
Ở các nền kinh tế phát triển, quá trình phục hồi vừa nhen nhóm trở lại đã bị dừng lại sau khi gia tăng đột biến các ca nhiễm mới. WB cho rằng quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển sẽ chậm và đầy thách thức.
Cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ là 3,5% vào năm 2021. Với khu vực đồng euro, tăng trưởng GDP dự báo đạt 3,6%. Kinh tế Nhật Bản dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% năm nay.
Tổng GDP ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 5% vào năm 2021, sau khi giảm 2,6% vào năm 2020.
Kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng 7,9% trong năm nay sau khi tăng trưởng 2% vào năm ngoái. Ngoại trừ Trung Quốc, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng 3,4% vào năm 2021 sau khi suy giảm 5% vào năm 2020. Trong số các nền kinh tế có thu nhập thấp, tăng trưởng GDP dự báo đạt 3,3% vào năm 2021, sau khi giảm 0,9% vào năm 2020.
Báo cáo của WB cũng đề cập đến việc đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến nguy cơ gia tăng nợ công tại các nước đang phát triển trở nên trầm trọng hơn và sẽ cần sự nỗ lực toàn cầu để tránh một cuộc khủng hoảng mới.
Giám đốc bộ phận Triển vọng Phát triển của WB Ayhan Kose nói: “Đại dịch đang làm trầm trọng hơn nguy cơ nợ công tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển; triển vọng tăng trưởng yếu ớt sẽ có thể làm tăng thêm gánh nặng nợ công và làm xói mòn khả năng trả nợ của các nước đi vay".